Khát vọng vươn lên ở Trừ Lủng

15:14, 01/12/2022

BHG - Trừ Lủng là thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Sảng Tủng (Đồng Văn), có 59 hộ với 346 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, dân cư sống rải rác thành 4 nhóm ở 3 thung lũng theo hình con ốc sên. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cây ngô là lương thực chính. Những năm gần đây, cuộc sống người dân thôn Trừ Lủng có sự đổi thay tích cực, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm 96,6%.

Một góc thôn Trừ Lủng.
Một góc thôn Trừ Lủng.

Khó khăn thách thức lớn nhất đối với thôn Trừ Lủng là địa hình chia cắt mạnh, nhiều vực sâu, núi đá cao dựng đứng, diện tích đất để canh tác sản xuất chỉ chiếm khoảng 25% tổng diện tích toàn thôn. Thôn có độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, khí hậu rất khắc nghiệt, bà con thường xuyên phải chống chọi với việc thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt. Đặc biệt, đây là thôn chưa có điện, mọi sinh hoạt trong gia đình như xay bột ngô, thái cỏ… đều bằng sức người. Ông Ly Mí Vư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sảng Tủng, phụ trách thôn Trừ Lủng tâm sự: Mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 8 km, nhưng phải mất 1,5 giờ đồng hồ đi xe máy mới đến được thôn, nếu trời mưa phải trên 2 giờ đồng hồ, từ trung tâm thôn đi các nhóm hộ cũng mất 1 giờ đồng hồ. Dù khó khăn, song người dân nơi đây luôn cần cù lao động, nhưng đói nghèo vẫn đeo bám, bởi cả một vùng chỉ trơ trơ đá, đất sản xuất ít và cằn cỗi, khô hạn nên trồng cây gì cũng không phát triển, nuôi con gì cũng chẳng lớn, ăn bữa sáng lo bữa tối. Từ đói nghèo đã kéo theo bao hệ lụy, cụ thể như năm 2000 kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền đạo trái pháp luật, nghe và làm theo kẻ xấu, cả thôn từ bỏ phong tục, tập quán tốt đẹp bỏ bê làm ăn, di cư tự do, con cái không được học hành… Sau khi được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, vận động, các hộ dân trong thôn đã từ bỏ học và theo đạo trái pháp luật; tích cực tìm tòi phát triển kinh tế như chăn nuôi bò, dê, ong mật, gia cầm kết hợp trồng ngô lai cho năng suất cao gắn với trồng một số loại cây ngắn ngày để tăng thu nhập…

Theo chân Bí thư Chi bộ Sùng Mí Thò, chúng tôi đến thăm gia đình anh Sùng Mí Sèo, một trong những hộ nghèo nhất của thôn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà đã xuống cấp, anh Sèo chia sẻ: Gia đình có 9 khẩu, mặc dù cố gắng lao động, nhưng chưa thoát được nghèo, bởi thiếu đất sản xuất, chỉ dựa vào ít nương ngô. Tuy nhiên, các con của tôi được đi học đầy đủ, đều là học sinh khá của trường.

Được coi là hộ khá giả nhất của thôn, gia đình anh Sùng Chúng Vư có 2 nhân khẩu. Đất sản xuất ít, trồng ngô kém phát triển, năng xuất thấp, gia đình phải kết hợp chăn nuôi và tăng thêm xen canh gối vụ một số loại rau bí, đậu… Hiện tại gia đình anh Vư chăn nuôi 2 con bò, 3 con dê, mấy chục con gà.

Bí thư Chi bộ Sùng Mí Thò cho biết thêm: Thôn hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo, nhưng người dân luôn đoàn kết, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của địa phương; tích cực sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, tham gia xây dựng Nông thôn mới, bài trừ hủ tục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh. Mặc dù chưa có điện lưới Quốc gia, song được các cấp, ngành hỗ trợ lắp đèn năng lượng mặt trời nên nhà nào cũng sáng vào buổi tối, thuận lợi cho sinh hoạt gia đình.

Đến nay tổng sản lượng lương thực có hạt của thôn đạt 55,4 tấn, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8 triệu đồng năm 2017 lên 16,1 triệu đồng/người năm 2022. Tổng đàn gia súc tăng từ 201 con lên 309, trong đó đàn bò 93 con, đàn lợn 112 con, đàn dê 108 con, đàn gia cầm gần 800 con, có 1 hộ cải tạo vườn tạp trồng rau chuyên canh với diện tích 5 ha. Trong năm, người dân trong thôn hiến 400 m2 đất, đóng góp 388 ngày công làm sân bê tông cho các cháu học sinh tại điểm trường thôn; mở trên 700 m đường bê tông giao thông nông thôn; đội văn nghệ xung kích thường xuyên tham gia biểu diễn trong những dịp lễ, Tết phục vụ bà con; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó còn thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ 101 ha rừng, trồng rừng mới được 0,9 ha gắn với Đề án trồng 1 tỷ cây xanh... Với những đóng góp đó, năm 2022, toàn thôn có 16 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Đồng chí Vũ Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy xã Sảng Tủng cho biết: Xã có 2 thôn đặc biệt khó khăn là Thèn Ván và Trừ Lủng. Xác định việc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ hàng đầu và nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền xã, trước mắt phấn đấu hoàn thành một số tuyến đường giao thông nông thôn để thuận tiện đi lại; ưu tiên các chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho bà con vay vốn mua bò sinh sản; hiện nay trong thôn có 48 hộ đăng ký thực hiện các mô hình như nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn nái sinh sản, nuôi dê, nuôi ong. Bên cạnh đó tập trung tuyên truyền, tư vấn cho người dân đi lao động tại các khu công nghiệp để tăng thu nhập. Với tinh thần đoàn kết vượt khó, khát vọng vươn lên, tin tưởng thôn Trừ Lủng sẽ sớm vươn mình phát triển ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã theo Nghị định 31
BHG - Được ví như “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng phục hồi và phát triển KT - XH, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đang được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt, tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên kết quả chưa như mong đợi.
30/11/2022
Phụ nữ vùng cao và nghề chè Shan tuyết
BHG - Chè Shan tuyết là một trong những sản vật tạo ra nguồn sinh kế ổn định cho nhiều người dân Hà Giang. Với 3 vụ thu hái trong năm và đặc trưng của nghề chè cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, tinh tế về hương vị... những người phụ nữ nắm vai trò chủ chốt trong công việc thu hái và chế biến chè trên vùng trà cổ Hà Giang.
30/11/2022
Tam giác mạch Hà Giang hướng đến thị trường Nhật Bản
BHG - Những năm qua, cây tam giác mạch của tỉnh Hà Giang đã trở nên rất nổi tiếng, mang lại sức hút du lịch cho tỉnh, đồng thời nhiều hộ dân vùng Cao nguyên đá đã bước đầu có thu nhập từ loại cây này. Bên cạnh những hình ảnh đẹp khẳng định vai trò “đại sứ” du lịch của Hà Giang, nhiều sản phẩm chế biến từ cây tam giác mạch đã và đang được người tiêu dùng biết tới, như các loại bánh, rượu, trà làm từ hạt tam giác mạch. Đặc biệt, hạt tam giác mạch của Hà Giang cũng bắt đầu được sử dụng để sản xuất mì soba - một loại mì của người Nhật Bản.
29/11/2022
Người tiên phong trồng hoa trên đất Vĩ Thượng
BHG - Đó là anh Nguyễn Xuân Hải, sinh 1984, thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng (Quang Bình). Sau 2 năm kiên trì, mô hình trồng hoa Hồng cổ, loài hoa nổi tiếng của vùng đất Sapa (Lào Cai) và hoa Mẫu đơn cổ Văn Chấn (Yên Bái) đua nhau khoe sắc và bắt đầu tạo cho anh Hải thu nhập. Đây cũng là một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào cải tạo vườn tạp của địa phương.
29/11/2022