Những mảnh vườn xanh màu no ấm

18:43, 15/08/2022

BHG - Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, đến nay những mảnh vườn tạp canh tác kém hiệu quả trước đây trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã được thay thế bởi màu xanh tươi tốt của những vườn rau, cây ăn quả, tô thêm những gam màu xanh no ấm cho cuộc sống của đồng bào.

Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì kiểm tra mô hình cải tạo vườn tạp tại xã Thông Nguyên.
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì kiểm tra mô hình cải tạo vườn tạp tại xã Thông Nguyên.

Đến thăm mô hình cải tạo vườn tạp của gia đình chị Phạm Tuyết Chung, thôn 1 Lê Hồng Phong, xã Nam Sơn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước khu vườn rộng hơn 3.000 m2, được quy hoạch thành từng khu vực cụ thể để chăn nuôi và trồng trọt. Gia đình chị đã phát triển mô hình theo hướng kết hợp vườn – ao – chuồng. Từ sự hỗ trợ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, khu vườn của chị được bố trí, quy hoạch thành các khu: Khu vực chăn nuôi lợn, gà; ao thả cá; khu vực trồng rau xanh ngắn ngày và khu trồng cây ăn quả. Trong đó, khu vực chăn nuôi lợn được xây kiên cố và lắp đặt hệ thống biogas để xử lý chất thải chăn nuôi, tránh gây ô nhiễm môi trường. Gia đình chị luôn duy trì đàn lợn với số lượng trên 100 con; đàn gà trên 150 con. Khu vực trồng rau luôn được phủ bởi màu xanh tươi tốt của các loại rau xanh, mùa nào thức nấy, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình, vừa bán cho các trường học trên địa bàn. Gia đình chị còn trồng mận, bưởi, chanh tại khu vực trồng cây ăn quả.

Chị Chung chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2021, được tuyên truyền về chương trình cải tạo vườn tạp của tỉnh, tôi đã mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình để bắt tay cải tạo vườn. Sau hơn 1 năm thực hiện, các giống cây, con ngắn ngày đã bước đầu cho thu nhập. Các thành viên trong gia đình rất vui khi thu về những “quả ngọt” đầu tiên và càng thêm quyết tâm duy trì, phát triển mô hình vườn – ao – chuồng để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoàng Su Phì, năm 2021, toàn huyện có 51 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp; 7 tháng của năm 2022 có thêm 91 hộ triển khai. Lũy kế đến nay, toàn huyện đã có 142 hộ thực hiện với tổng diện tích vườn được cải tạo là 112.754 m2. Trong đó, các hộ chủ yếu cải tạo để trồng rau, củ, quả ngắn ngày; trồng dược liệu; trồng cây ăn quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Năm 2021, số hộ được tiếp cận vốn vay theo Nghị quyết 58 HĐND tỉnh là 51 hộ với tổng số tiền đã giải ngân 1.520 triệu đồng. Có 91 hộ được hỗ trợ vay vốn với tổng kinh phí 2.730 triệu đồng. Sau khi được giải ngân, các hộ đã sử dụng vốn vay vào sản xuất, đầu tư mua cây, con giống, vật tư nông nghiệp phục vụ chăm sóc cây trồng, vật nuôi và mua vật liệu xây dựng để sửa chữa chuồng trại, làm hàng rào.

Theo đánh giá của các phòng, ban chuyên môn của huyện, trong tổng số 51 vườn thực hiện năm 2021, có 35 vườn đạt các tiêu chí; 14 vườn chưa đạt; 2 vườn không duy trì được, kết thúc chu kỳ sản xuất đã chủ động hoàn vốn theo quy định chương trình. Mức thu nhập bình quân đạt từ 1 triệu – 3 triệu đồng/tháng. Qua đánh giá, trong các nguồn thu nhập từ cải tạo vườn tạp của hộ gia đình (gồm từ chăn nuôi, thuỷ sản, trồng cây lương thực, rau, củ, quả ngắn ngày), thu nhập mang lại hiệu quả kinh tế nhất cho các hộ là từ chăn nuôi và sản phẩm phụ chăn nuôi. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện ngắn nên sản phẩm ít, hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán lẻ tại các điểm chợ trên địa bàn huyện.

Đồng chí Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thông qua việc triển khai Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; người dân đã biết thực hiện quy hoạch khuôn viên hộ gia đình đảm bảo khoa học, hợp lý, phân từng khu vực để trồng cây ăn quả, trồng rau, xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể trực tiếp hướng dẫn các hộ tự cập nhật ghi chép, theo dõi thu - chi trong sản xuất; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như che phủ ni lông cho cây trồng, hướng dẫn người dân xử lý môi trường, chất thải bằng biện pháp nuôi giun Quế và làm bể biogas. Nhờ đó, đã thay đổi tập quán sản xuất của người dân, chuyển từ tự cung, tự cấp sang sản xuất tập trung hàng hóa; chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang…

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ
BHG - Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ (CN – TTCN&TM – DV) luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT – XH của địa phương. Tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu và có nhiều chính sách ưu đãi, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển bền vững; giải quyết được việc làm cho lao động trong tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo đà thúc đẩy nền kinh tế của địa phương.
14/08/2022
Người có uy tín huyện Quản Bạ nêu gương phát triển kinh tế
BHG - Huyện Quản Bạ có 107 người có uy tín (NCUT) ở 107 thôn, tổ dân phố. Đây là đội ngũ già làng, trưởng bản, cán bộ hưu trí, đảng viên được nhân dân tin tưởng và bầu chọn. Phát huy tinh thần gương mẫu, NCUT luôn là hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ, tấm gương cho con cháu và người dân noi theo.
14/08/2022
Gỡ khó cho các hợp tác xã phát triển bền vững
BHG - Tác động của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Các kênh tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn, nhiều HTX phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng, dẫn đến thu nhập của các thành viên, người lao động bị giảm sút. Để tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT), tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho các HTX.
12/08/2022
Bảo tồn giống bò Vàng Cao nguyên đá Đồng Văn
BHG - Giống bò Vàng vùng Cao nguyên đá Hà Giang hay còn gọi là bò Mông được nuôi dưỡng từ lâu đời, có sức chống chịu tốt với các điều kiện khắc nghiệt của khí hậu và dịch bệnh. Giống bò có nguồn gen đặc hữu, rất quý, có khả năng chịu lạnh, chịu kham khổ, sức đề kháng tốt, thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, trước đây nuôi bò gặp nhiều thách thức, việc khai thác đàn bò Vàng còn mang tính tự nhiên, thiếu khoa học nên nảy sinh nhiều bất cập, không phát huy hết giá trị. Việc bán hoặc giết thịt một số lượng lớn bò giống tốt đã gây suy thoái chất lượng đàn bò. Ngoài ra, hệ thống quản lý và sử dụng giống chưa hoàn chỉnh, công tác tuyển chọn bò đực giống chưa được đầu tư theo đúng yêu cầu nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao.
12/08/2022