Xứng tầm vị thế trung tâm của tỉnh

10:40, 11/07/2022

BHG - Thực hiện lời căn dặn của Bác khi Người lên thăm Hà Giang, hơn 61 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Giang ra sức thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, xứng đáng là trung tâm chính trị, KT – XH của tỉnh.

Một góc thành phố Hà Giang.
Một góc thành phố Hà Giang.

Bước vươn mình mạnh mẽ

Từ một thị xã KT – XH kém phát triển, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; hạ tầng kỹ thuật, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn… đến nay, thành phố Hà Giang có bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực.

Kinh tế liên tục tăng trưởng khá; trong 10 năm gần đây, giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân đạt 12%/năm. Thu ngân sách năm 2020 đạt trên 622 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/năm, tăng 4,7 lần so với năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ; riêng thương mại, dịch vụ chiếm 78,18% cơ cấu kinh tế của thành phố; hệ thống hạ tầng dịch vụ, thương mại được đầu tư mở rộng cả về quy mô và chất lượng; nhiều loại hình kinh doanh phát triển mạnh và đa dạng. Công nghiệp, thủ công nghiệp tăng trưởng khá; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 350 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2010. Đặc biệt, với nỗ lực không ngừng, thành phố Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM năm 2019. Công tác quy hoạch phát triển KT –XH, xây dựng kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, đồng bộ...

Dự án Khu liên hợp thể thao và văn hóa tỉnh đang được triển khai, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố.
Dự án Khu liên hợp thể thao và văn hóa tỉnh đang được triển khai, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Giang Hầu Minh Lợi, cho biết: Đảng bộ thành phố thường xuyên đổi mới công tác lãnh, chỉ đạo, vừa bảo đảm tính toàn diện, linh hoạt, vừa có trọng tâm, trọng điểm; giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, thành phố cũng nhận diện rõ kinh tế thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng KT – XH chưa đồng bộ; công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển chưa mạnh, thiếu quy hoạch; hạ tầng du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao; trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chưa hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông sản, thực phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thành phố. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị còn bất cập; công tác chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ…

Đồng bộ nhiều giải pháp phát triển

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển KT – XH, xây dựng thành phố xứng tầm trung tâm KT – XH của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại II, địa phương đang đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch phát triển bền vững, dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống. Vận động, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư hệ thống siêu thị, hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp với các sản phẩm như: Du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang Nguyễn Danh Hùng, chia sẻ: Để khai thác tiềm năng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thành phố tập trung cải cách hành chính; xúc tiến quảng bá, mở rộng các hoạt động hợp tác liên kết ngành, vùng trong phát triển du lịch, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện phương án quy hoạch chi tiết 2 bờ sông Lô; đầu tư xây dựng, sắp xếp tổ chức lại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ; tập trung phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại; gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Mặt khác, tái cơ cấu kinh tế, phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; chú trọng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn an toàn, phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương. Phát huy nội lực, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội và trong nhân dân; ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; nâng cao chất lượng các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.

Thành phố Hà Giang xác định: Để phát triển, nhiệm vụ đầu tiên là quy hoạch đô thị; do đó, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch triển khai các dự án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư. Thông tin, tuyên truyền rộng rãi về các chủ trương, quy hoạch, chương trình, dự án triển khai trên địa bàn để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân; thu hút vốn từ doanh nghiệp, nhân dân tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng, các khu vui chơi, giải trí. Tăng cường công tác an sinh xã hội, phát triển giáo dục chất lượng cao; phát triển hệ thống y tế về số lượng và chất lượng, tạo môi trường hấp dẫn để thu hút, phát triển dân cư đô thị…

Lời Bác dặn như đuốc sáng soi đường giúp thành phố Hà Giang vươn mình, luôn xứng tầm trung tâm chính trị, KT – XH của tỉnh. Những kết quả đạt được cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin rằng thành phố Hà Giang sẽ ngày càng phát triển, trở thành đô thị xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,86%
BHG - Sáng 30.6, Cục Thống kê tỉnh tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê KT - XH 6 tháng đầu năm 2022. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh cùng các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và địa phương.
30/06/2022
“Điểm sáng” tín dụng chính sách vùng biên
BHG - 20 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 năm 2002 của Chính phủ đã giúp hàng ngàn hộ nghèo, đối tượng chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng biên Xín Mần có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
30/06/2022
Giải ngân trên 106 tỷ đồng chương trình phục hồi, phát triển KT – XH
BHG - Nghị quyết số 11 ngày 30.1.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH là một trong những giải pháp tạo động lực, “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân 106.015 triệu đồng với 1.812 đối tượng được hưởng ưu đãi.
29/06/2022
Huyện Đồng Văn có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên
BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Đồng Văn tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo điều kiện cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh. Đến nay, qua rà soát phát triển mới, huyện Đồng Văn đã có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.
28/06/2022