Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ở Yên Minh

22:19, 07/07/2022

BHG - Liên kết trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu để sản xuất hàng hóa, tạo ra chuỗi giá trị khép kín, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao hiệu quả và giá trị canh tác. Đây cũng là một trong những định hướng trọng tâm phát triển ngành Nông nghiệp của huyện Yên Minh những năm tới.

Cây Dong riềng liên kết sản xuất giữa HTX Tân Thành và người dân 4 xã của Yên Minh.
Cây Dong riềng liên kết sản xuất giữa HTX Tân Thành và người dân 4 xã của Yên Minh.

Ngày 10.10.2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17 về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đưa nghị quyết vào cuộc sống và hiện thực hóa những định hướng chỉ đạo, phát triển nông nghiệp của Đảng bộ huyện giai đoạn 2020 – 2025, Huyện ủy Yên Minh đã ban hành Chương trình số 21 nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng và tập trung nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ phát triển 5 cây (ăn quả ôn đới, xoài, dược liệu, lúa đặc sản, Tam giác mạch) và 3 con (bò, lợn đen, mật ong Bạc hà) trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm du lịch. Mục tiêu Chương trình số 21 là cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đầu tư thâm canh, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo bước đột phá về phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; phấn đấu năm 2025 phát triển mới các chuỗi giá trị có tiềm năng trờ thành hàng hóa, quy mô phù hợp với từng tiểu vùng và theo tín hiệu thị trường; phát triển mạnh các sản phẩm đặc trưng của huyện để từng bước xây dựng các chuỗi giá trị các sản phẩm cấp huyện; 100% các sản phẩm đặc trưng hàng hóa cấp tỉnh trên địa bàn được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận…

Khẳng định quyết tâm trên, năm 2022, huyện Yên Minh đã vận động các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài huyện triển khai 3 mô hình liên kết với người dân trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điển hình là mô hình trồng cây Dong riềng của HTX Tân Thành liên kết trên 50 hộ tại 4 xã: Du Tiến, Du Già, Lũng Hồ, Phú Lũng; quy mô 31,7 ha, với cơ chế liên kết HTX hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, người dân đối ứng đất và công chăm sóc. Khi thu hoạch, HTX cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá dự kiến 3.000 đồng/kg (củ loại A). Ngoài củ, thân cây có thể sử dụng để ủ, chế biến thành phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Chị Nguyễn Thúy Loan, đại diện HTX Tân Thành chia sẻ: Tôi tâm huyết và tin tưởng vào mô hình này. Với nhu cầu lương thực tăng cao như hiện nay, nguồn đầu ra sản phẩm bột Dong riềng rất tiềm năng. Để người dân yên tâm liên kết sản xuất, chúng tôi đã thuê 7,5 ha đất của người dân trong vùng liên kết để trồng chuyên canh. Với tổng kinh phí thuê đất, hỗ trợ người dân khoảng 70 triệu đồng. Theo tính toán, nếu trồng chuyên canh, 1ha cây Dong riềng cho năng suất 45 – 60 tấn, giá bình quân 1-3 nghìn đồng/kg sẽ đem lại giá trị khoảng 50-80 triệu đồng/ha. Hiện tại, các hộ dân trong mô hình liên kết đang trồng xen canh với ngô.

Được biết, giống Dong riềng HTX Tân Thành cung cấp cho người dân là giống cho năng suất và tỷ lệ tinh bột cao. Đến nay, cây sinh trưởng, phát triển tốt với tín hiệu tích cực và đang triển khai chăm sóc đợt 2. Dự kiến đến tháng 12 sẽ được thu hoạch. Ngoài thu củ Dong riềng, việc trồng tập trung trên diện tích lớn ở các xã Lũng Hồ, Du Già, Đường Thượng – vùng du lịch sinh thái của Yên Minh có thể tạo ra cảnh quan, thu hút khách du lịch lên vùng Công viên ĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, có thể giúp tăng thêm nguồn thu cho người dân. Đây cũng là ý tưởng của huyện và HTX Tân Thành, gắn việc sản xuất nông nghiệp với du lịch.

Ngoài mô hình liên kết trồng, thu mua sản phẩm Dong riềng, huyện Yên Minh đang triển khai mô hình thử nghiệm trồng cây Đậu đỏ với quy mô 8 ha tại xã Lũng Hồ và Đông Minh, với trên 20 hộ tham gia liên kết với Công ty TNHH MiaGroup (Hà Nội) để xuất khẩu. Với cơ chế, doanh nghiệp cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, cam kết thu mua sản phẩm với giá dự kiến 25.000 đồng/kg; người dân đối ứng đất, công chăm sóc, phân hữu cơ; huyện hỗ trợ thêm phân bón và theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật. Hiện, cây Đậu đỏ đang sinh trưởng tốt, bước đầu cho thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tại thị trấn Yên Minh, HTX Thanh niên khởi nghiệp cũng xây dựng mô hình trồng cây Bồ kết, xen Ớt gió với quy mô 5 ha, liên kết với một số hộ dân ở thôn Bản Ké. Toàn bộ nguồn giống do HTX cung ứng, người dân góp đất, công lao động... Huyện cũng hỗ trợ thêm 8 triệu đồng/ha để mua cây giống. Sau khoảng 3 tháng trồng, tỷ lệ sống của Bồ kết và Ớt gió đạt cao.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh Giang Lộc Thăng cho biết: Dù là những mô hình đang trong quá trình thí điểm nhưng trước khi triển khai, chúng tôi đã đánh giá từ thực tiễn khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng canh tác của người dân nên thấy sự phù hợp và có thể kỳ vọng được. Huyện và ngành rất tin tưởng các mô hình sẽ đạt hiệu quả, làm tiền đề nhân rộng trong những năm tới, tạo bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị của địa phương, nâng cao giá trị canh tác.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,86%
BHG - Sáng 30.6, Cục Thống kê tỉnh tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê KT - XH 6 tháng đầu năm 2022. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh cùng các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và địa phương.
30/06/2022
“Điểm sáng” tín dụng chính sách vùng biên
BHG - 20 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 năm 2002 của Chính phủ đã giúp hàng ngàn hộ nghèo, đối tượng chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng biên Xín Mần có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
30/06/2022
Giải ngân trên 106 tỷ đồng chương trình phục hồi, phát triển KT – XH
BHG - Nghị quyết số 11 ngày 30.1.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH là một trong những giải pháp tạo động lực, “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân 106.015 triệu đồng với 1.812 đối tượng được hưởng ưu đãi.
29/06/2022
Huyện Đồng Văn có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên
BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Đồng Văn tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo điều kiện cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh. Đến nay, qua rà soát phát triển mới, huyện Đồng Văn đã có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.
28/06/2022