Hà Giang

“Điểm sáng” tín dụng chính sách vùng biên

11:13, 30/06/2022

BHG - 20 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 năm 2002 của Chính phủ đã giúp hàng ngàn hộ nghèo, đối tượng chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng biên Xín Mần có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Xín Mần giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Xín Mần giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, được sự quan tâm chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh và cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần; các nguồn vốn tín dụng chính sách đã được Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện giải ngân kịp thời tới hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác tiếp cận. Cùng với đó, mô hình tổ chức hoạt động của PGD huyện được hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, hiệu quả. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng, có tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.

Giám đốc PGD NHCSXH huyện Xín Mần Trần Thanh Vĩ cho biết: Với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” trong triển khai Nghị định số 78, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng hoạt động tại 18 điểm giao dịch xã, làm việc tất cả các ngày trong tuần để kịp thời đưa các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi để người dân tìm hiểu, nắm được các điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn. Để triển khai hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, PGD thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH) quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 240 tổ hoạt động hiệu quả tại 187 thôn, bản, tổ dân phố với 8.829 thành viên. Để các nguồn vốn tín dụng đến với người nghèo và các đối tượng chính sách, đơn vị tập trung vận động, phát huy vai trò của đội ngũ trưởng thôn trong chuyển tải thông tin về chủ trương, tín dụng chính sách xã hội đến với nhân dân và phát huy vai trò giám sát sử dụng vốn…

Với phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức CTXH, tính đến 31.5.2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức CTXH của PGD NHCSXH huyện là 388.134 triệu đồng với 8.356 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,97% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78, huyện tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được 40.687 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.057 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 645 tỷ đồng. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đạt 388,2 tỷ đồng, tăng 378 tỷ đồng, gấp 36,8 lần so với dư nợ khi thành lập.

Nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện không ngừng tăng trưởng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu tăng trưởng vốn có sự chuyển dịch nguồn vốn T.Ư sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp cho 10.547 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 874 lao động, giúp cho trên 467 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới, cải tạo 5.500 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng, sửa chữa 1.661 nhà ở... Đặc biệt, giai đoạn 2021 – 2022, NHCSXH huyện đã phối hợp giải ngân cho 453 hộ cải tạo vườn tạp với số tiền 13.480 triệu đồng.

Kết quả đạt được trong thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn huyện Xín Mần trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình KT – XH đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn từ 2,7 triệu đồng/người năm 2002 tăng lên 49 triệu đồng/người năm 2022, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định đời sống nhân dân.

 Bài, ảnh:  PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giải ngân trên 106 tỷ đồng chương trình phục hồi, phát triển KT – XH
BHG - Nghị quyết số 11 ngày 30.1.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH là một trong những giải pháp tạo động lực, “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid – 19. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện giải ngân 106.015 triệu đồng với 1.812 đối tượng được hưởng ưu đãi.
29/06/2022
Huyện Đồng Văn có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên
BHG - Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện Đồng Văn tiếp tục phát huy các thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo điều kiện cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh. Đến nay, qua rà soát phát triển mới, huyện Đồng Văn đã có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên.
28/06/2022
Bản Díu “không cho đất nghỉ”
BHG - Bản Díu (Xín Mần) nằm dưới đỉnh núi Gia Long vốn được coi là cái nôi của văn hóa dân tộc La Chí, một trong những dân tộc ít người ở Hà Giang có văn hóa, bản sắc và lịch sử đặc biệt. Những câu truyện truyền kỳ huyền thoại đã làm nên một dân tộc bám núi, bám biên giới sống một cuộc sống mang nhiều ý niệm gắn với núi rừng Hà Giang. Ngày nay con cháu của Hoàng Vần Thùng vẫn từng ngày kế tục nghề nông từ Tổ tiên là một trong những dân tộc bản địa ở Xín Mần chăm chỉ và cẫn mẫn canh tác nông nghiệp nhất.
25/06/2022
Quang Bình nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
BHG - Xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện. Vì vậy, trong những năm qua, huyện Quang Bình tập trung chỉ đạo đổi mới công tác tổ chức sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên diện tích canh tác. Từ đó, tăng giá trị lợi nhuận, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT – XH của địa phương.
25/06/2022