Làm giàu dưới tán rừng ở Tân Tiến

07:54, 09/05/2022

BHG - Tôi trở lại làng Tân Tiến, xã Việt Vinh (Bắc Quang) vào dịp cuối tháng Tư. Cánh rừng già nơi đây khoác chiếc áo màu xanh thẫm. Dưới tán rừng, trong góc vườn những chiếc búp Khôi đỏ tía cứ chen nhau mọc...

Cán bộ xã Việt Vinh thăm rừng trồng cây Khôi tía dưới tán cây của thôn Tân Tiến.
Cán bộ xã Việt Vinh thăm rừng trồng cây Khôi tía dưới tán cây của thôn Tân Tiến.

Cậu thanh niên, Nguyễn Văn Trực sau một năm trồng lá Khôi tía lập nghiệp đã năng động hẳn lên. Trực khoe: Thu nhập từ bán lá Khôi tía cũng mang về cho gia đình em một cuộc sống ổn định. Năm nay, em tiếp tục ươm thêm cây giống và mở rộng diện tích trồng ngay trong vườn nhà. Làng Tân Tiến bây giờ đã thành lập một Tổ hợp tác trồng cây Khôi tía. Tổ hợp tác thôn được liên kết lại cùng phổ biến nhau cách làm, vừa đứng ra tiêu thụ sản phẩm. Lá Khôi tía năm nay được giá. Thấy nhu cầu tiêu dùng lá Khôi tía ngày càng tăng, đã tạo thêm động lực để làng đua nhau cùng trồng Khôi, bán lá để có thêm thu nhập. Tổ hợp tác trồng Khôi tía bước đầu đã có gần chục hộ tham gia. Nguyên tắc của tổ là: Hợp tác chặt với nhau cùng ươm giống, cùng tận dụng đất dưới tán rừng trồng cây Khôi tía. Nhà nào còn vườn tạp, thì cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích trồng Khôi tía. Cách làm trên đã tăng thu nhập, ổn định đời sống và xoá đói nghèo cho nhiều gia đình trong thôn. Trực cho biết thêm: Hội nông dân, đoàn thanh niên sẽ là người đứng ra cùng tổ chức xây dựng phong trào. Tân Tiến sẽ gắn việc: Cải tạo vườn tạp – trồng cây Khôi tía để tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho mỗi thành viên trong làng một cách bền vững. Kết quả bước đầu, diện tích trồng cây Khôi tía tại Tân Tiến đã lên trên 7 ha. Và gần như tất cả các gia đình trong thôn có rừng đều được trồng cây Khôi dưới tán. Một số gia đình đã cải tạo vườn xung quanh nhà để trồng cây Khôi tía. Nhà nọ, giúp nhà kia cùng phổ biến, cùng giúp nhau cách làm, giúp nhau ươm trồng cây giống. Có được cây giống đến tuổi trồng được, các hộ trong làng lại đổi công nhau cùng trồng Khôi. Bây giờ, cả thôn Tân Tiến cùng giữ lấy rừng để giữ lấy nguồn nước và cải tạo vườn tạp trồng thêm Khôi tía tạo sinh kế mới.

Ông Hà Đức Thạch, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết thêm: Hội nông dân xã cùng kết hợp với Đoàn thanh niên thôn xây dựng kế hoạch, lộ trình sản xuất dược liệu từ cây Khôi tía giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu đặt ra là: Xây dựng thôn Tân Tiến thành thôn trung tâm điều tiết cây giống và phổ biến cách làm cho đội ngũ thanh niên, đoàn viên và hội viên Hội nông dân xã. Trách nhiệm đó được giao cho Tổ hợp tác sản xuất cây Khôi giống. Còn lại, đoàn viên, thanh niên và Hội nông dân lo việc tuyên truyền, vận động. Vai trò của đoàn, lo cho đội ngũ đoàn, còn vai trò của Hội, lo cho các hội viên. Phương châm đề ra là: Thành lập và củng cố Tổ hợp tác trồng cây Khôi tía thành một tổ chức kinh tế. Tổ hợp tác có trách nhiệm lo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, lo tiêu thụ hàng hoá làm trong thôn, tới đây là trong xã. Còn các hội viên nông dân, đoàn viên, thanh niên lo tập hợp lực lượng cùng trồng, cùng chăm bón bảo vệ rừng, bảo vệ cây Khôi và thu hoạch lá theo định kỳ/tháng/lần. Tiến tới, thành lập ở Việt Vinh một HTX dược liệu có đủ vai trò pháp lý về con dấu, chữ ký để đứng ra tổ chức sản xuất và ký kết các hợp đồng kinh tế với các đối tác kinh tế trong xã hội. Thành lập được HTX dược liệu sẽ đưa nghề trồng lá Khôi không chỉ ở thôn Tân Tiến nữa mà là cả xã Việt Vinh có thêm một ngành sản xuất mới: Sản xuất nguyên liệu dược liệu để vươn xa toàn quốc.

Bí thư Đảng ủy xã Việt Vinh, Hoàng Văn Hùng bật mí: Việt Vinh sẽ chọn trồng Khôi tía thành một làng nghề. Đồng thời, chọn lấy lá Khôi tía làm một sản phẩm nguyên liệu dược được trồng, chăm bón, thu hái theo tiêu chuẩn hữu cơ. Lấy sản phẩm dược liệu hữu cơ để đăng ký chất lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 – 5 sao vào cuối năm 2022. Sản phẩm lá Khôi tía đạt chất lượng sẽ là “chìa khoá” để xã Việt Vinh phát triển thành vùng nguyên liệu dược trọng điểm của Bắc Quang. Còn ngay trước mắt, Việt Vinh sẽ xây dựng thôn Tân Tiến thành một vùng nguyên dược liệu trồng, chăm sóc dưới tất cả các tán rừng trong thôn. Sở dĩ Việt Vinh chọn đối tượng đoàn viên, thanh niên làm chủ thể lập nghiệp vì đó là đối tượng tuổi trẻ năng động, nhiệt huyết. Lấy Hội nông dân để kèm cặp và dẫn dắt đội ngũ trẻ kế thừa. Kết hợp sức trẻ với kinh nghiệm cuộc sống sẽ tạo ra sức lan toả và phát triển bền vững nhất.

Trước khi rời Tân Tiến, tôi ghé thăm lại vườn rừng gia đình ông Hoàng Văn Sướng, người đi đầu trong thôn trồng Khôi tía trong rừng vầu. Rừng vầu vẫn tốt, Khôi tía cũng tốt và ông Sướng vẫn sung sức như hồi nào.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ các trang trại, gia trại
BHG - Phân tích, đánh giá những thành tựu phát triển KT - XH của huyện Bắc Quang trong những năm qua trên lĩnh vực phát triển trang trại – gia trại, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Quang cho biết: “Hoạt động của đơn vị những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực trong việc huy động vốn, mạng lưới tín dụng được củng cố; đổi mới phương thức cho vay; cho vay có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu hoạt động trọng tâm là hướng về nông nghiệp - nông thôn...”. Nhờ đó, đến nay Agribank Chi nhánh Bắc Quang đã góp phần tích cực, quan trọng, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đời sống mọi mặt của nông dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.
29/04/2022
Chế Là có nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân
BHG - Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Chế Là (Xín Mần) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
28/04/2022
Cây chè cổ thụ xã Đường Hồng cần được bảo tồn, xây dựng thương hiệu
BHG - Xã Đường Hồng (Bắc Mê) hiện có 39 ha cây chè; trong đó có hàng nghìn cây chè cổ thụ, tuổi đời từ 50 - 100 năm. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị những cây chè cổ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào đến cùng xã xây dựng thương hiệu chè cổ thụ này.
26/04/2022
“Gỡ khó” phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Từ kết quả phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi theo trình độ phát triển, tỉnh ta đã khảo sát, đánh giá sự hụt giảm, thay đổi chính sách sau khi các xã, thôn ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm “gỡ khó”, phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS...
25/04/2022