Chế Là có nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân

10:25, 28/04/2022

BHG - Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Chế Là (Xín Mần) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Người dân thu hái chè Xuân.
Người dân thu hái chè Xuân.

Với lợi thế, tiềm năng của địa phương, xã khuyến khích, hỗ trợ người dân tích tụ, tập trung đất đai phát triển các loại cây trồng như: Lúa, ngô, đậu tương... Đặc biệt xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển và bảo tồn cây chè Shan tuyết. Đối với Chế Là, cây chè được xem là thế mạnh của xã. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên 3 năm trở lại đây thu nhập từ cây chè chưa ổn định. Hiện, toàn xã có hơn 130 ha chè Shan tuyết, nằm tại các thôn: Cốc Đông, Cốc Cộ, Đản Điêng… Chè Shan tuyết xã Chế Là được nhiều người biết đến bởi chất lượng và hương vị đậm đà, đặc trưng riêng biệt. Vì vậy, sản phẩm chế biến và bán ra thị trường luôn được người tiêu dùng ưu chuộng. Đến nay, sản phẩm Chè Chế Là của HTX Xuân Mai được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Vụ chè Xuân năm nay, do nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn, nên giá tăng lên đáng kể. Nếu như năm trướ,c giá chè chỉ dao động từ 12 đến 13 nghìn đồng/kg thì vụ Xuân năm nay giá chè dao động từ 17 đến 19 nghìn đồng/kg chè tươi. Ông Giàng Seo Sần, thôn Cốc Cộ chia sẻ: Giá chè tươi năm nay tăng so cùng kỳ nên thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Người dân cũng thuận lợi hơn nhiều khi trên địa bàn có 2 cơ sở thu mua, không phải vận chuyển xa, vì vậy chất lượng búp chè tốt hơn khi đưa vào chế biến.

Để tăng thu nhập và tạo sinh kế bền vững cho nhân dân, những năm qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phát huy tinh thần đoàn kết và nội lực trong dân. Ngoài phát triển kinh tế từ chè Shan tuyết, xã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó phát triển cây ăn quả kết hợp với mở rộng chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Theo đó, chương trình cải tạo vườn tạp lan tỏa trên địa bàn và bước đầu mang lại hiệu quả. Theo thống kê, năm 2021 xã có 19 hộ đăng ký và thực hiện vườn mẫu theo chương trình cải tạo vườn tạp, năm 2022 có 17 hộ thực hiện. Từ việc chỉ cung cấp cuộc sống hàng ngày, đến nay tư duy sản xuất của người dân đã thay đổi rõ rệt. Người dân trồng rau sạch để bán ra thị trường và phục vụ chăn nuôi. Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với các ngành chuyên môn hỗ trợ người dân KHKT áp dụng vào sản xuất, vay vốn để mở rộng các mô hình kinh tế. Nhiều hộ phát triển từ chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả đã mang lại thu nhập như: Lèng Xuân Thăng, Cháng Dỉ Mến, thôn Lủng Cẩu; Giàng Seo Sèng, thôn Cốc Chứ … Vụ Xuân năm nay, xã đã gieo trồng được 39 ha lúa, 78 ha cây đậu tương, 80 ha ngô. Tổng đàn trâu, bò, dê đạt gần 2.500 con.

Bên cạnh phát triển cây trồng thế mạnh, đầu năm nay xã đã tăng cường tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện, tỉnh để giới thiệu việc làm và tạo điều kiện cho lao động địa phương đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Xã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp với Phòng Lao động-TB&XH, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tư vấn, tuyên truyền tuyển chọn lao động đi học tập và làm việc tại Tập đoàn Than khoáng sản. Đến nay, xã có gần 300 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, bao gồm: Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh; Công ty Cao su Đồng Nai; Công ty Than khoáng sản Quảng Ninh…

Chủ tịch UBND xã Chế Là, Ly Minh Tuấn cho biết: Hiện tại, xã 706 hộ dân, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 70%. Vì vậy, để nâng cao tiêu chí Thu nhập, ngoài việc tận dụng nguồn lực của các cấp, ngành, xã tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Mặt khác, đẩy mạnh đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động, tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Bài, ảnh: VĂN LONG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cây chè cổ thụ xã Đường Hồng cần được bảo tồn, xây dựng thương hiệu
BHG - Xã Đường Hồng (Bắc Mê) hiện có 39 ha cây chè; trong đó có hàng nghìn cây chè cổ thụ, tuổi đời từ 50 - 100 năm. Đây là cơ hội để địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị những cây chè cổ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Thế nhưng, hiện vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào đến cùng xã xây dựng thương hiệu chè cổ thụ này.
26/04/2022
“Gỡ khó” phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Từ kết quả phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi theo trình độ phát triển, tỉnh ta đã khảo sát, đánh giá sự hụt giảm, thay đổi chính sách sau khi các xã, thôn ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK); huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm “gỡ khó”, phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS...
25/04/2022
Hà Giang đăng ký 6 mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025
BHG - Tính đến hết năm 2021, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta có 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Hà Giang) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 47 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 11 xã đạt 15-18 tiêu chí, 115 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 92 xã đạt từ 9 tiêu chí trở xuống, 69 thôn NTM.
24/04/2022
Hiệu quả liên kết trồng ngô sinh khối ở Vị Xuyên
BHG - Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô thu hạt truyền thống. Ngô sinh khối ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết hơn, thời gian sinh trưởng ngắn, cho hiệu quả kinh tế cao.
22/04/2022