Ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

15:56, 17/02/2022

BHG - Luôn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, gắn với triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng của Thủ tướng Chính phủ, của địa phương và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang góp phần tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế tại địa phương.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh tỉnh.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh tỉnh.

Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch thông qua việc thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thúc đẩy giao dịch điện tử, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và cho vay mới với lãi suất ưu đãi.

Đặc biệt, NHNN tỉnh chỉ đạo các TCTD thực hiện cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; tập trung vốn cho vay khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thực hiện phân tích, đánh giá, dự báo những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp, người dân, khách hàng vay vốn để chủ động có những biện pháp hỗ trợ kịp thời; rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; đảm bảo các hoạt động ngân hàng được liên tục trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai kịp thời quy định về cho vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết 126/NQ-CP, ngày 08/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tính đến tháng 1.2022, các TCTD trên địa bàn tỉnh cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 761,4 tỷ đồng cho 1.379 khách hàng. Trong đó, số khách hàng doanh nghiệp là 28 khách hàng, giá trị nợ đã được cơ cấu là 614,4 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ: Dư nợ được miễn giảm lãi là 18,7 tỷ đồng, số lãi đã được giảm lũy kế đến nay là 263 triệu đồng. Cho vay mới ưu đãi lãi suất với doanh số cho vay 16.614,5 tỷ đồng, dư nợ là 8.137,8 tỷ đồng/68.020 khách hàng. Trong đó, doanh số cho vay khách hàng doanh nghiệp là 3.906,3 tỷ đồng; dư nợ là 3.598,2 tỷ đồng/225 doanh nghiệp. Hạ lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, tổng số dư nợ được hạ là 8.166,1 tỷ đồng với 19.710 khách hàng, mức hạ lãi suất từ 0,02% - 3,3% so với lãi suất thông thường. Cho vay để trả lương cho người lao động với số tiền giải ngân 1.929 triệu đồng, dư nợ 1.165 triệu đồng/10 doanh nghiệp. Miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng với số tiền   420 triệu đồng…

Cùng với việc triển khai các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh,  NHNN tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm tăng trưởng vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp đã tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Trong năm 2021, tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế đạt 26.028 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020; huy động vốn địa phương đạt 15.090 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc NHNN tỉnh: Thời gian tới ngành Ngân hàng vẫn sẽ gặp những khó khăn không nhỏ do dịch bệnh Covid – 19. Vì vậy, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp điều hành theo hướng tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, hướng tới vì sự phát triển  của khách hàng,  góp phần vào khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ở mức cao nhất.

Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị cán bộ, công chức Ngân hàng nhà nước năm 2022
BHG - Chiều 27.1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
17/02/2022
Khi FDI vào Việt Nam chuyển hướng tích cực
Dù nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không chỉ tăng về số lượng mà còn đang dần được cải thiện về chất lượng. Số dự án siêu nhỏ giảm dần, ngày càng nhiều dự án công nghệ cao, dự án “xanh” với quy mô tỷ USD vào Việt Nam.
16/02/2022
Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả
BHG - Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình khuyến nông đa dạng cây trồng, vật nuôi. Phát huy được hiệu quả tích cực, giúp người dân nâng cao trình độ canh tác và thu nhập, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
16/02/2022
Tín hiệu vui đầu năm mới
BHG - Năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để chủ động “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã giúp kinh tế phục hồi mạnh mẽ, mang lại những “tín hiệu vui” cho mảnh đất “phên dậu” Tổ quốc từ những ngày đầu năm mới.
15/02/2022