“Luồng sinh khí mới” hồi sinh những mảnh đất cằn

19:36, 09/02/2022

BHG - Sau hơn 1 năm thí điểm cải tạo vườn tạp (CTVT), trên địa bàn thành phố Hà Giang xuất hiện nhiều vườn mẫu, mô hình sản xuất hiệu quả, minh chứng cho khát vọng biến vườn tạp thành “tấc vàng” của nông dân thành phố. Nhiều mảnh vườn hoang hóa, hiệu quả kinh tế thấp nay cơ bản đáp ứng các tiêu chí: Có sơ đồ CTVT, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế.

Cải tạo vườn tạp sang trồng chuối tiêu xanh Nam Mỹ giúp gia đình ông Nguyễn Công Giá, xã Ngọc Đường (TPHG) nâng cao thu nhập.                  
Cải tạo vườn tạp sang trồng chuối tiêu xanh Nam Mỹ giúp gia đình ông Nguyễn Công Giá, xã Ngọc Đường (TPHG) nâng cao thu nhập.                  

Xác định CTVT, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, theo tinh thần Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nhằm cụ thể hóa một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra là: “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”. Do vậy, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vào cuộc quyết liệt, thực hiện chương trình, kế hoạch CTVT một cách cụ thể, bài bản, khoa học. Sau hơn 1 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết số 05 đã huy động sự tham gia mạnh mẽ với tinh thần đồng thuận cao của nông dân thành phố. Qua đó, thổi “luồng gió mới”, làm thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Những vườn rau xanh mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Những vườn rau xanh mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện chương trình CTVT, trên địa bàn thành phố có 13 hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng chính sách ưu đãi về vốn vay theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh. Với nguồn kinh phí 320 triệu đồng được giải ngân, các hộ đã thực hiện cải tạo hơn 8.500 m2 vườn tạp để trồng cây có giá trị kinh tế cao hoặc đầu tư con giống, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với thu nhập tăng thêm từ 1,5 – 3 triệu đồng/tháng. Qua đánh giá chất lượng CTVT của cơ quan chuyên môn: Trong tổng số 13 vườn có 6 vườn đạt 2/4 tiêu chí, 3 vườn đạt 3/4 tiêu chí và 4 vườn đạt 4/4 tiêu chí, đáp ứng các yêu cầu: Có sơ đồ CTVT, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu như hộ ông: Nguyễn Văn Trọng, thôn Bản Cưởm 1, bà Giáp Thị Út, thôn Sơn Hà (xã Ngọc Đường), ông Lý Văn Chài, thôn Gia Vài (xã Phương Thiện)…

Không dừng ở kết quả trên, sức lan tỏa từ chương trình CTVT thu hút sự tham gia của 66 hộ dân không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh, nâng tổng số hộ CTVT trên địa bàn thành phố lên 79 hộ với tổng diện tích CTVT đạt gần 280.000 m2. Qua nhân rộng mô hình CTVT, tại 3 xã ngoại thành Ngọc Đường, Phương Độ, Phương Thiện và phường Quang Trung xuất hiện 21 vườn mẫu, cho thu nhập từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/vườn/tháng. Tiêu biểu trong đó phải kể đến hộ ông Nguyễn Công Giá, thôn Đoàn Kết (xã Ngọc Đường). Thông qua mối liên kết với Công ty Cổ phần phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang, ông Giá được doanh nghiệp hỗ trợ cây giống và bao tiêu sản phẩm chuối tiêu xanh Nam Mỹ theo hướng xuất khẩu. Chỉ sau một vụ thu hoạch, vườn chuối tiêu xanh Nam Mỹ, quy mô 500 gốc của gia đình ông cho thu hoạch với giá bán 7.000 đồng/kg. Ông Giá không giấu được niềm vui, nói: “Trung bình một buồng chuối nặng hơn 20 kg, cá biệt, có những buồng đạt 45 kg, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình từ 140 đến hơn 300 nghìn đồng/buồng chuối. Nếu như trước đây, cũng trên diện tích đất này, vườn tạp chỉ cho thu lãi 3 triệu đồng/năm thì nay, sau CTVT gia đình tôi thu lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/năm”. Ngoài trồng chuối, ông Giá còn xen canh trồng các loại rau và cây ăn quả khác như đu đủ, na với tổng diện tích CTVT lên đến hơn 1,2 ha và đang tiếp tục mở rộng. Vào chính vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày, gia đình ông Giá cung cấp cho thị trường thành phố khoảng 1 tạ rau xanh (được sản xuất theo hướng VietGAP), mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho gia đình…

Sau hơn 1 năm thực hiện CTVT trên địa bàn thành phố Hà Giang, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ gần 160 triệu đồng để các hộ mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón. Ngoài 13 hộ thụ hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh thì 12 hộ khác, tại 3 xã ngoại thành được tiếp cận nguồn vốn vay 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố để CTVT, xây dựng vườn mẫu.

Có thể khẳng định, chương trình CTVT đã thực sự khơi dậy sức dân để tạo nên những mô hình hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo cũng như huy động được nhiều nguồn lực cho chương trình CTVT, xây dựng vườn mẫu. Hơn nữa, với tiêu chí có sơ đồ CTVT, mỗi gia đình đã quy hoạch tổng thể từng khu vực để trồng trọt, xây dựng chuồng trại chăn nuôi phù hợp, đảm bảo các yếu tố mỹ quan, môi trường xanh - sạch - đẹp. Từ đó, thay đổi tư duy, nhận thức, tập quán sản xuất của nhân dân, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

30 năm cho ánh điện bừng sáng lung linh
Xuân 2022 - Năm nay Công ty Điện Hà Giang (Công ty) kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, đón Xuân mới 2022, các lớp thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân, người lao động toàn Công ty cùng ôn lại những khó khăn, vất vả nhưng rất hào hùng và vinh quang trong suốt chặng đường 30 năm đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, phụng sự nhân dân.
31/01/2022
Vững vàng trong gian khó
BHG - Năm 2021, một năm với nhiều biến động trong đời sống KT-XH khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị phải căng mình ứng phó với đại dịch. Nhưng càng trong khó khăn, thách thức...
27/01/2022
Giúp nhà nông phát triển kinh tế
BHG - Vận dụng linh hoạt, sáng tạo Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang: “Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất; phát triển trâu, bò, lợn; cải tiến nông cụ…”, 
27/01/2022
Khởi sắc hoạt động tín dụng chính sách xã hội
BHG - Năm 2021, toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc ghi dấu ấn khởi sắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH). Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD)... 
26/01/2022