Hà Giang

Nghề trồng chàm nhuộm vải ở Thăm Noong

16:03, 12/12/2021

BHG - Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay nghề trồng chàm nhuộm vải của người Xuồng ở thôn Thăm Nong, xã Tát Ngà (Mèo Vạc) vẫn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống đem lại giá trị kinh tế mà còn góp phần khai thác, phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Công đoạn nhuộm vải chàm. (Ảnh chụp trước 20.10.2021)
Công đoạn nhuộm vải chàm. (Ảnh chụp trước 20.10.2021)

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, đã có một khoảng thời gian dài, nghề trồng chàm nhuộm vải của người Xuồng đứng trước nguy cơ bị mai một. Thế nhưng, chính nét sinh hoạt thường ngày riêng có của người dân nơi đây đã mang lại sắc màu mới cho nghề thủ công truyền thống này. Hiện nay, toàn thôn có 87 hộ thì 37 hộ là người Xuồng, còn lại là người Mông. Nếu như những năm trước chỉ có 7 - 10 hộ trồng cây chàm phục vụ nhuộm vải, thì đến nay cả 37 hộ người Xuồng đều trồng chàm, với trên 26 ha. Từ đó, nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định, trung bình từ 60 - 70 triệu đồng/năm. 

Sản phẩm vải chàm của người Xuồng.
Sản phẩm vải chàm của người Xuồng.

Chị Nùng Thị Kêu, một trong những gia đình đi đầu trong việc duy trì và phát triển nghề trồng chàm nhuộm vải, chia sẻ: Vào thời điểm tháng 5, người dân trong thôn bắt đầu cắt tỉa và trồng dặm cây chàm; sau một năm chăm sóc, cây trưởng thành sẽ cắt cành, lá về ngâm lấy nước pha với vôi trắng và nhuộm vải rồi đem phơi, vải sẽ chuyển từ màu trắng sang màu xanh tím than đậm, có hương thơm đặc trưng. Vải sau khi nhuộm xong được tính thành vuông, mỗi vuông quy định dài từ 70 - 80 cm. Vải được các tiểu thương thu mua để may quần áo dân tộc, mỗi loại vải đều có giá khác nhau, thông thường từ 500 – 600.000 đồng/24 vuông, loại cao cấp từ 6 - 8 triệu đồng/24 vuông. Bà Phùng Mẩy Liều, xã Sủng Máng cho biết: Mỗi tuần gia đình bà mua từ 92 - 94 vuông vải đã nhuộm sẵn của người dân thôn Thăm Noong để may quần áo phục vụ người dân, vải ở đây chất lượng rất tốt, may đến đâu bán hết đến đó, nhờ đó thu nhập của gia đình khá ổn định.

Để giữ gìn nghề trồng chàm nhuộm vải, mới đây Hội Nông dân xã Tát Ngà đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng chàm nhuộm vải thôn Thăm Noong với mong muốn giúp đỡ, cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng chí Nùng Thị Mình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tát Ngà cho biết: Việc xây dựng Chi hội tạo các yếu tố tiền đề để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Thời gian tới, Hội sẽ tích cực tuyên truyền để các thôn, bản khác đến học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trồng chàm tạo vùng nguyên liệu lớn. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối, quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống của bà con trong thôn Thăm Noong để nhiều người cùng biết đến. Đây là nền tảng quan trọng để trong tương lai xã Tát Ngà sẽ phát triển loại hình du lịch trải nghiệm nghề truyền thống kết hợp tìm hiểu văn hóa đặc sắc của dân tộc Xuồng. 

Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)


Cùng chuyên mục

Bức tranh kinh tế 11 tháng nhiều gam màu sáng

Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, hoạt động xuất nhập khẩu duy trì hiệu quả, tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực,… cho thấy bức tranh kinh tế đang tươi sáng trở lại, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và bắt đầu tạo được "sức bật" mạnh mẽ cho thời gian tiếp theo.

29/11/2021
Hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi

BHG - Với điều kiện đặc thù của khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục, tập quán và kinh nghiệm sản xuất; phát triển chăn nuôi đang là động lực lớn nhất giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh giảm nghèo nhanh, bền vững, dần hướng tới sản xuất hàng hóa, vươn lên làm giàu. Những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi của tỉnh qua Agribank Hà Giang đã khẳng định hiệu quả rõ rệt trong những năm qua.

29/11/2021
Quản Bạ phát triển bền vững đàn bò Vàng
BHG - Tính đến đầu tháng 10.2021, huyện Quản Bạ có gần 18.000 con bò, tăng trên 1.400 con so với cùng kỳ năm trước. Việc phát triển đàn bò Vàng theo hướng hàng hóa đã góp phần đưa ngành Chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện cửa ngõ phía Bắc. Thời gian trước đây, việcchăn nuôi bò Vàng ở huyện vẫn theo cách truyền thống, quy mô nhỏ lẻ chưa xứng tầm với tiềm năng; diện tích cỏ trồng ít, chưa chủ động nguồn thức ăn xanh thô cho bò, phụ thuộc nhiều vào chăn thả tự nhiên... Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức người dân còn hạn chế...
29/11/2021
Ngân hàng Chính sách xã hội Mèo Vạc thực hiện mục tiêu kép

BHG - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mèo Vạc tiếp tục tăng cường thực hiện mục tiêu kép: Vừa đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn để người dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung toàn huyện.

29/11/2021