Giữ nhịp tăng trưởng kinh tế

17:45, 31/12/2021

BHG - Năm 2021 dù đối diện muôn vàn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã giúp tỉnh ta duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Các mục tiêu đặt ra cơ bản hoàn thành và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Linh hoạt chỉ đạo, điều hành

Xác định năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta đã chủ động, linh hoạt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KT – XH và đảm bảo đời sống nhân dân. Tuy nhiên, từ đầu năm giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao so với năm trước, ảnh hướng lớn đến việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Nguồn vốn đầu tư công giảm so với năm trước; vốn đầu tư công trung hạn giao chậm; các chương trình mục tiêu quốc gia chậm được hướng dẫn và giao vốn; dịch bệnh trên vật nuôi bùng phát ở nhiều địa phương; thiên tai diễn biến bất thường gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân... Đó là rào cản khiến đà tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh bị kéo giảm.

Người dân thôn Yên Thượng, xã Yên Thành (Quang Bình) làm đường bê tông.
Người dân thôn Yên Thượng, xã Yên Thành (Quang Bình) làm đường bê tông.

Khắc phục khó khăn, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quán triệt; chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng Nghị quyết của Tỉnh ủy; chương trình, kế hoạch, đề án của UBND tỉnh để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH giai đoạn 2021-2025 sát với thực tiễn. Theo đó, UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành 17 nghị quyết, chương trình chuyên đề; UBND tỉnh ban hành trên 50 kế hoạch, đề án, chuyên đề triển khai trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Tỉnh luôn đặt mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân là trước hết, trên hết; phân loại đánh giá và xác định 4 cấp độ dịch để triển khai các biện pháp tương ứng; chủ động nắm bắt, đánh giá tình hình, sâu sát cơ sở, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện “mục tiêu kép”; linh hoạt “nới lỏng” các hoạt động phát triển KT – XH phù hợp với điều kiện thực tế tình hình dịch bệnh…

Nhiều kết quả ấn tượng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lương Văn Đoàn cho biết: Với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản vượt chỉ tiêu; năng suất cây trồng và vật nuôi tăng cao so với năm trước. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 177 nghìn ha, tăng 1,2 nghìn ha so với năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 421nghìn tấn, tăng 6,8 nghìn tấn so với năm trước. Tập trung phát triển cây cam Sành theo hướng bền vững, hữu cơ; sản lượng cam Sành niên vụ 2021-2022 ước đạt trên 76 nghìn tấn; tỉnh chủ động đánh giá tình hình sản xuất và bàn giải pháp cụ thể xúc tiến, tiêu thụ cam; nghiên cứu mở rộng kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm cam Hà Giang trên các nền tảng truyền thông số. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) đạt trên 7,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,18% so với năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tăng 1,81% so với năm 2020. Thu ngân sách Nhà nước đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2020. Các chương trình mục tiêu Quốc gia triển khai hiệu quả. Tổng số vốn huy động và bố trí cho chương trình xây dựng NTM là 292 tỷ đồng; đầu tư hoàn thiện trên 200 km đường bê tông các loại; bó láng nền nhà 1.750 hộ, xây dựng trên 2.200 nhà tắm, trên 2.500 nhà tiêu hợp vệ sinh, 1.220 bể nước, 61 phòng học, 36 nhà văn hóa thôn; cứng hóa, di dời gần 900 chuồng trại chăn nuôi; kiên cố hóa trên 30 km kênh mương; nhân dân hiến 291 nghìn m2 đất và đóng góp 187 nghìn ngày công lao động...

Gia đình anh Lý Văn Thu, thôn Nà Trà, xã Linh Hồ (Vị Xuyên) cải tạo vườn tạp sang trồng lạc.
Gia đình anh Lý Văn Thu, thôn Nà Trà, xã Linh Hồ (Vị Xuyên) cải tạo vườn tạp trồng lạc.

Nhằm thích ứng với tình hình dịch Covid-19, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh linh hoạt, đổi mới xúc tiến, quảng bá thông qua các nền tảng số. Tỉnh tập trung cải thiện môi trường cạnh tranh, thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế; lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch. Từ nguồn xã hội hóa, các đơn vị, địa phương làm nhà ở cho 1.395 hộ; lũy kế toàn tỉnh có 5.131 hộ triển khai và hoàn thành nhà ở. Đến nay, có 1.143 hộ/11 huyện, thành phố cải tạo vườn tạp. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020 còn 18,29%. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm, QP – AN giữ vững...

Quyết tâm giữ nhịp tăng trưởng

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Để giữ nhịp tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã nhận diện rõ khó khăn, thuận lợi trong năm 2022 và xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phát triển KT - XH với các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực đảm bảo phát triển bền vững; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 7,5%.

Mặt khác, nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị bền vững gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Phục hồi và phát triển ngành Du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, phong cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là một số công trình trọng điểm của tỉnh. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua việc cải thiện chỉ số PCI ngay tại các huyện, thành phố cũng như các sở, ban, ngành. Chú trọng phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm. Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Chủ động hội nhập và hợp tác phát triển; bảo đảm QP – AN, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội...

Với những giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, ngành, linh hoạt triển khai phù hợp điều kiện thực tế, chắc chắn bước sang năm 2022 tỉnh ta sẽ gặt hái nhiều thành công, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra.

Bài, ảnh:  KIM TIẾN


Cùng chuyên mục

Ngành Thuế vượt khó

BHG - Năm 2021, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh bên cạnh những yếu tố thuận lợi về cơ chế, chính sách; công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời từ Trung ương đến địa phương; tổ chức tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công kết hợp với đôn đốc thu nộp tiền nợ thuế vào NSNN kịp thời… còn có nhiều khó khăn như: Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, cá nhân ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN.

31/12/2021
Tháo gỡ khó khăn đầu tư xây dựng các công trình điện đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH

BHG - Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đã được phê duyệt 77 dự án thủy điện, với tổng công suất lắp máy là 1.061,9 MW. Trong đó có 36 nhà máy thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia, với tổng công suất lắp máy là 725,7 MW; các nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện thương mại ổn định, đáp ứng yêu cầu hệ thống điện của tỉnh và quốc gia. Sản lượng điện đến hết tháng 11.2021 đạt 2.512,020 triệu kWh, tăng 4,82% so với cùng kỳ năm 2020.

29/12/2021
Thắng lợi cây trồng vụ Đông ở Quang Bình

BHG - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình, Dương Mai Long cho biết: Sản xuất cây vụ Đông ở Quang Bình bắt đầu từ cuối tháng 9, ngay sau thu hoạch lúa Mùa sớm. Có những loại cây trồng chỉ sau 45 ngày đã cho thu hoạch; cây trồng chậm nhất cũng không quá 3 tháng. Mỗi ha trồng cây vụ Đông nếu làm tốt, thu nhập của người nông dân chẳng thua kém gì trồng cây chính vụ trong năm.

29/12/2021
Họp báo công bố số liệu thống kê KT - XH năm 2021

BHG - Chiều 28.12, Cục Thống kê tỉnh tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê KT - XH năm 2021. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành cùng các cơ quan báo chí, thông tấn T.Ư và địa phương.

28/12/2021