Hà Giang

Đủng đỉnh... thị trường vật liệu xây dựng - Kỳ cuối: Nỗ lực bình ổn thị trường

21:04, 14/07/2021

BHG - Sau khi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tích cực chỉ đạo, đến thời điểm hiện tại, giá thép đã có xu hướng giảm; nhưng các loại vật liệu xây dựng khác dường như vẫn đứng ngoài cuộc.

Công trình nâng cấp vỉa hè và hệ thống thoát nước tại phường Nguyễn Trãi (TPHG) đẩy nhanh tiến độ thi công.
Công trình nâng cấp vỉa hè và hệ thống thoát nước tại phường Nguyễn Trãi (TPHG) đẩy nhanh tiến độ thi công.

Theo Bộ Công thương, giá thép xây dựng tăng trong giai đoạn vừa qua có sự tác động của biến động tăng giá phôi thép trên thị trường thế giới. Do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh, khiến giá nguyên liệu thô sản xuất thép từ cuối năm 2020 đến nay liên tục tăng. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến thị trường trong nước. Còn theo thông tin từ Bộ Xây dựng, ngoài giá phôi thép tăng, nguyên nhân mất cân đối về cung - cầu, nguồn cung về vật liệu thép xây dựng khan hiếm cũng làm tăng giá thép. 

Cùng với đó, do tác động của đại dịch Covid – 19 đã khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng, năng lực sản xuất giảm khiến cho sản lượng giảm đáng kể. Trong khi thị trường xây dựng gần đây có dấu hiệu khởi sắc, nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ, nhiều hộ dân có nhu cầu sửa chữa, xây dựng nhà ở khiến cho giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như: Cát, xi măng, sơn, thạch cao, bột đá… đều tăng.

Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Tơ (TPHG) tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Tơ (TPHG) tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tại tỉnh ta, mặc dù ngành chức năng đã điều chỉnh báo giá, tuy nhiên giữa đơn giá nhà nước công bố với giá thực tế có sự chênh lệch. Đơn cử như giá xi măng Tân Quang bao PCB30 theo báo giá của liên sở Xây dựng và Tài chính ở thời điểm quý I.2021 là 1.116.325 đồng/tấn nhưng giá thực tế tại cửa hàng vật liệu xây dựng 1.180.334 đồng/tấn; giá gạch đặc A của Công ty Cổ phần gạch cổ Bát Tràng Hà Giang theo báo giá 1.240 đồng, nhưng giá bán thực tế 1.250 đồng/viên. Tương tự, các loại gạch ốp có giá bán thực tế cao hơn từ 2.000 – 3.000 đồng/m2 so với báo giá của cơ quan chức năng. Đặc biệt, giá thép đến chân công trình ở các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc đội lên khá cao do chi phí vận chuyển. Tương tự, đơn giá công nhân xây dựng trực tiếp (bậc 3,5/7) khu vực 3 là 236.000 đồng/ngày, nhưng giá thực tế nhà thầu phải trả là 255.000 đồng/người/ngày.

Hơn nữa, thời điểm ban hành báo giá các loại vật liệu xây dựng thường theo quý, trong khi giá vật liệu biến động theo từng tháng, từng tuần, thậm chí từng ngày. Điều nay khiến việc tham chiếu giá có sự chênh lệch. 

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, hợp đồng trọn gói, khi giá các loại vật liệu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng. 

Tại cuộc họp về công tác điều hành giá năm 2021 diễn ra vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước cũng như đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước. Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan có Văn bản số 724 ngày 5.2.2021 báo cáo Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo một số giải pháp nhằm ổn định cung - cầu và giá thép trong nước trong năm 2021. Bộ Xây dựng cũng có Công văn số 1545, ngày 10.5.2021 gửi các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid – 19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, ngày 12.5.2021, UBND tỉnh đã có Công văn số 1388 chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường; lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Triệu Xuân Tiến cho biết: Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bám sát diễn biến thị trường, đánh giá tình hình thực tế, kịp thời điều chỉnh và công bố báo giá vật liệu xây dựng để người dân và doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng nắm bắt được. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư tiến hành rà soát, đánh giá tác động của dịch Covid – 19 và biến động giá vật liệu xây dựng đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn; tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị tới các bộ, ngành T.Ư và Chính phủ sớm xem xét, ban hành các chính sách để ổn định thị trường vật liệu xây dựng và có giải pháp tháo gỡ, chia sẻ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Hà Giang cũng tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giá đối với mặt hàng thép và vật liệu xây dựng trên địa bàn. Đồng chí Vũ Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Giang cho biết: Cục đã tăng cường kiểm tra, nắm bắt thông tin về tình hình thị trường vật liệu xây dựng; tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh đối với mặt hàng vật liệu xây dựng đến các tổ chức, cá nhân. Tiến hành cho các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đầu cơ, găm hàng. 

Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ và các ngành chức năng, đầu tháng 7 vừa qua, giá thép đã giảm khoảng 300.000 đồng mỗi tấn, đưa mặt bằng giá chung của thị trường thép trong nước về dưới 17 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, theo các nhà thầu xây dựng, giá thép trong nước vẫn ở mức cao và dự báo xu hướng giảm giá thép sẽ không giữ lâu, thậm chí có thể sẽ lập một mặt bằng giá mới trong thời gian tới, khi từ giờ đến cuối năm là “cao điểm” mùa xây dựng. 

Theo các chuyên gia, lĩnh vực xây dựng hiện đóng góp khoảng 8 - 9% GDP cả nước, nếu ngành Xây dựng bị tê liệt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Do đó, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp phù hợp để tháo gỡ, bình ổn thị trường nhằm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này.

Bài, ảnh: NG.PHƯƠNG - TH.KHANG


Cùng chuyên mục

Sản phẩm OCOP "mở lối" giúp HTX dịch vụ nông - lâm nghiệp Tổng hợp Ngọc Sơn vươn xa

BHG - Những năm qua, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường, đặc biệt, thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu hết sản phẩm nông nghiệp đều chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu. Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc (Bắc Mê) cũng gặp khó khăn bước đầu tư kỹ thuật sản xuất, đến việc tiêu thụ các sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công địa phương trong việc hỗ trợ HTX về máy móc kỹ thuật sản xuất...

14/07/2021
"Đủng đỉnh"... thị trường vật liệu xây dựng - Kỳ đầu: Người dân và doanh nghiệp gặp khó

BHG - Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng trên thị trường biến động mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp. Trước thực trạng trên, Chính phủ đã có chỉ đạo, các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương ráo riết thực hiện các biện pháp nhằm "hạ nhiệt", nhưng thị trường vật liệu xây dựng vẫn cứ... đủng đỉnh!

14/07/2021
Hứa hẹn mùa bội thu ở Hợp tác xã Bản Tùy

BHG - Hợp tác xã (HTX) Bản Tùy, xã  Ngọc Đường (TPHG) được thành lập năm 2017, phát triển cây trồng chủ lực là Chuối tiêu hồng. Những ngày cuối tháng Sáu, hơn 10 ha chuối của HTX chuẩn bị được thu hoạch, sản lượng ước tính đạt khoảng 250 tấn. 

13/07/2021
PCI khơi "điểm nghẽn" cho doanh nghiệp phát triển

BHG - Được mệnh danh là "tập hợp tiếng nói của doanh nghiệp" (DN), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có mức độ lan tỏa rộng khắp tới chính quyền 63 tỉnh, thành trong cả nước khi trở thành công cụ đánh giá mức độ điều hành kinh tế, sự thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền sở tại. Thông qua chỉ số này, tỉnh ta nhận định rõ "điểm nghẽn" để lựa chọn giải pháp điều hành kinh tế một cách phù hợp, hiệu quả nhất.

13/07/2021