Hà Giang

Xã Vô Điếm khó đạt tiêu chí giao thông

16:47, 11/06/2021

BHG - Theo lộ trình, năm 2021 xã Vô Điếm là một trong 4 xã của huyện Bắc Quang đạt chuẩn NTM nhưng tính đến tháng 4.2021 xã vẫn còn 7/19 tiêu chí chưa đạt. Đặc biệt là tiêu chí số 2 (giao thông) khó đạt mục tiêu.

Người dân thôn Xuân Trường góp ngày công mở rộng nền đường.
Người dân thôn Xuân Trường góp ngày công mở rộng nền đường.

Nhằm thực hiện đúng lộ trình, ngay từ cuối năm 2020 Đảng bộ xã Vô Điếm ban hành nghị quyết chuyên đề xây dựng NTM; đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nhân dân tổ chức mở nền đường, chỉnh trang khuôn viên, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp bằng nhiều hình thức đa dạng tới toàn thể cán bộ và nhân dân; Ban Chỉ đạo xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách lập danh mục, hoàn thiện hồ sơ đối với các tiêu chí đã đạt; liên kết với các tiểu thương bao tiêu sản phẩm của địa phương; vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí thuê máy để mở rộng hành lang đường, các tuyến đường có bề mặt là 2,5 m, nền đường tối thiểu 4,5 m; tuyến có mặt đường bê tông là 3 m, mở rộng nền đường tối thiểu 5 m. Hiện nay, xã đã hoàn thiện 100% việc mở rộng hành lang đường với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng do nhân dân đóng góp.

Tuy nhiên, do nguồn đầu tư từ Nhà nước còn hạn hẹp, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên chỉ hỗ trợ xi măng, nhưng khối lượng đầu tư mới đường bê tông và khối lượng vật liệu thông thường của xã rất lớn mà các vị trí dự kiến đăng ký khai thác vật liệu thông thường đã bị ngập do Dự án Thủy điện Sông Lô 6 tiến hành tích và dâng nước; giao thông hai tuyến chính nối liền giữa xã Quang Minh – Vô Điếm, Vô Điếm – Kim Ngọc phải đi qua hai cầu treo không thể vận chuyển vật liệu bằng các phương tiện có trọng tải, các tuyến khác đi lại rất khó khăn, trời mưa không thể vận chuyển vật liệu… dẫn đến phát sinh kinh phí cao, người dân không thể đáp ứng nhu cầu đóng góp kinh phí.

Bí thư Đảng ủy xã Vô Điếm, Vũ Đình Tuyên cho biết: Toàn xã có hơn 77 km đường liên thôn, liên xóm, liên xã nhưng chỉ có 10 km đường được bê tông hóa; giao thông các tuyến chưa được bê tông hóa gần như bị tê liệt vào mùa mưa. Để đạt tiêu chí giao thông năm 2021 xã sẽ phải bê tông hóa 39,2 km nữa, cụ thể: Trục xã, liên xã 1 tuyến, chiều dài 7,2 km, rộng 3,5 m, dày 18 cm; trục thôn, liên thôn 14 tuyến, dài 17,78 km, rộng 3 m, dày 16 cm; trục xóm, liên xóm 22 tuyến, dài 14,22 km, rộng 2,5 m, dày 14 cm. Như vậy, theo khái toán kinh phí, các hộ của 6/9 thôn làm đường bê tông có chiều dài từ 4 – 9 km phải đóng góp kinh phí từ 12 đến gần 40 triệu đồng/hộ. Kinh phí lớn như vậy mà điều kiện người dân còn khó khăn thì khó có thể hoàn thành tiêu chí giao thông theo đúng lộ trình xây dựng NTM. 

Anh Mồng Văn Thành, xóm 3, thôn Ca, tâm sự: Có đường bê tông đi lại thuận tiện không chỉ là mơ ước bao nhiêu năm nay của gia đình tôi mà là của tất cả mọi người. Vì vậy, khi được xã, thôn vận động hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường, gia đình tôi tự nguyện hiến 1.000 m2 đất đồi, gần 100 m2 đất ruộng, đóng góp gần một triệu đồng thuê máy mở rộng đường. Tuy nhiên, để làm được đường bê tông, gia đình tôi cũng như hơn 100 hộ của thôn phải đóng thêm gần 30 triệu đồng nữa, nhưng năng lực kinh tế của gia đình không đủ. Tôi rất mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ cho người dân chúng tôi tiếp tục làm đường bê tông.

Thiết nghĩ, Chương trình xây dựng NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng do điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn; nguồn lực Nhà nước còn hạn hẹp mà Đảng bộ xã Vô Điếm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tiêu chí giao thông mà không có sự hỗ trợ từ các nguồn vốn khác thì các tiêu chí chưa đạt liệu có thực sự đạt! Có thể tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt hay không? Nhất là tiêu chí số 10 (thu nhập).

Để Vô Điếm đạt chuẩn NTM đúng theo lộ trình, rất cần sự ủng hộ của các cấp, ngành trên địa bàn huyện Bắc Quang và của tỉnh.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến


Cùng chuyên mục

Ươm mầm xanh trên vùng đất khó Pà Vầy Sủ

BHG - Pà Vầy Sủ (Xín Mần) là xã biên giới đặc biệt khó khăn, dân cử chủ yếu là dân tộc Mông, địa hình dốc đứng, thiếu đất, thiếu nước... Vì vậy, để triển khai Chương trình cải tạo vườn tạp tại địa phương gặp nhiều trở ngại. Xã biên giới Pà Vầy Sủ nằm ở vị trí địa lý đặc biệt tiếp giáp với huyện Si Ma Cai (Lào Cai) và nước bạn Trung Quốc, toàn bộ địa bàn xã là núi đá lớn dựng đứng gần như tách biệt với các địa phương khác. Con đường từ thị trấn Cốc Pài vào Pà Vầy Sủ men theo chân núi đá khổng lồ sừng sững, những vách đá cheo leo uốn lượn. 

11/06/2021
Chị Pản Thị Sinh đi đầu cải tạo vườn tạp
BHG - Những luống rau xanh mướt trước sân nhà, đàn gà, đàn dê đang lớn đều là "trái ngọt" ban đầu của gia đình chị Pản Thị Sinh, thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) sau gần 4 tháng thực hiện Chương trình Cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Đây cũng chính là động lực để gia đình chị hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo, lập nghiệp vững chắc ngay trên mảnh đất quê hương.
 
10/06/2021
Dồn lực cho 8 xã "về đích"

BHG - Những con đường bê tông nội thôn trải dài, 3 công trình vệ sinh xây dựng kiên cố, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 26 – 36 triệu đồng/năm... Bức tranh Nông thôn mới (NTM) tại 8 xã đăng ký thực hiện hoàn thành xây dựng NTM năm 2021 đang dần tươi sáng.

10/06/2021
Nuôi lợn sinh kế ở Phú Lũng

BHG - Từ các chương trình hỗ trợ lợn giống giúp người dân phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập. Nuôi lợn đã trở thành sinh kế của người dân xã Phú Lũng (Yên Minh), đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo.

09/06/2021