Giảm nghèo bền vững - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

09:42, 09/06/2021

BHG - Với xuất phát điểm nền kinh tế thấp, đời sống người dân nhiều khó khăn, tỉnh ta luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để lãnh, chỉ đạo, triển khai các giải pháp tạo sinh kế, giúp bà con các dân tộc từng bước vươn lên.

 Người dân thôn Nà Tàn, xã Nậm Ban (Mèo Vạc) trồng cây ăn quả từng bước vươn lên thoát nghèo. 							(Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)
Người dân thôn Nà Tàn, xã Nậm Ban (Mèo Vạc) trồng cây ăn quả từng bước vươn lên thoát nghèo. (Ảnh chụp trước ngày 25.4.2021)

Triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh chủ động xây dựng và ban hành nghị quyết với những giải pháp hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tiễn. Qua huy động sự vào cuộc, tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4,22%/năm, giảm từ 43,65% năm 2015 xuống còn 22,53% năm 2020. Đặc biệt, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025”; Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở… đã tạo động lực mạnh mẽ giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Quản Bạ là một trong các địa phương triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Địa phương chú trọng chỉ đạo việc vừa hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa vận động nhân dân tìm việc làm ổn định để giảm nghèo; gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng NTM; nâng cao trình độ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; huy động nguồn lực từ nhiều chương trình để xây dựng mô hình kinh tế theo hình thức đầu tư có thu hồi, giảm thiểu tối đa hình thức cho không. Từ đó, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân.

Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Hạng Dương Thành, cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, huyện tập trung định hướng, hỗ trợ nhân dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, như: Mô hình trồng dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; trồng và phát triển cây Hồng không hạt; trồng rau sạch, rau trong nhà lưới; trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi trâu, bò; du lịch cộng đồng... Do đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện 61,17% (năm 2015) giảm xuống còn 33,52% (năm 2019) theo tiêu chí nghèo đa chiều, bình quân giảm 6%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng 7,5 triệu đồng (từ 15 triệu đồng năm 2015, tăng lên 22,5 triệu đồng năm 2020).

Nhìn vào thực tế, công tác giảm nghèo của tỉnh còn nhiều khó khăn; một số cấp ủy Đảng chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo; sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo giảm nghèo với các cấp, ngành, các huyện, thành phố chưa thường xuyên; công tác phân bổ và giải ngân vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững ở một số huyện còn chậm; việc lập dự án theo hình thức đầu tư thu hồi còn lúng túng; cho vay sản xuất, kinh doanh chưa gắn kết với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh; chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa; một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích...

Khắc phục tình trạng đó, các địa phương trong tỉnh xác định tuyên truyền là nhiệm vụ đi đầu, nhằm thay đổi nhận thức trong nhân dân, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên để thoát nghèo bền vững. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy Đảng trong công tác giảm nghèo; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo vươn lên phát triển toàn diện. Xã hội hóa các nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, đảm bảo hộ nghèo có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ kịp thời.

Mặt khác, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dạy nghề gắn với địa chỉ, việc làm cụ thể, tạo việc làm ổn định cho nhân dân; hỗ trợ người lao động tham gia xuất khẩu và làm việc ngoài tỉnh để nâng cao thu nhập. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ cây giống, con giống chất lượng cao để giúp các hộ nâng cao thu nhập theo hướng đầu tư có thu hồi tại các huyện nghèo, xã nghèo, vùng điều kiện đặc biệt khó khăn; giám sát, quản lý sử dụng nguồn lực, bảo đảm tính công khai, dân chủ để nguồn vốn thực hiện công tác giảm nghèo sử dụng đúng mục đích, đối tượng; tránh lãng phí, thất thoát…

Bài, ảnh: Kim Tiến


Cùng chuyên mục

Phố Lồ Phìn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu

BHG - Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), Đảng bộ xã Cán Tỷ (Quản Bạ) đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân thực hiện nhiều tiêu chí trong NTM, nhất là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở xóm Phố Lồ Phìn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

31/05/2021
Những "quả ngọt" đầu tiên từ Đề án cải tạo vườn tạp

BHG - Thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững, đã có hàng nghìn m2 vườn tạp trên miền đá xám huyện Đồng Văn được hồi sinh. Phần lớn những diện tích vườn tạp, đất kém màu mỡ sau khi được cải tạo chuyển sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, hoa màu,… đã bắt đầu cho những "trái ngọt". 

08/06/2021
Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2021

BHG - Sáng 8.6, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021 theo hình thức trực tuyến đến 20 điểm cầu trong nước và 8 điểm cầu nước ngoài. Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại sứ quán Việt Nam tại một số nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.

08/06/2021
Cục Quản lý thị trường hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang

BHG - Nhằm hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều, vừa qua Bộ Công thương đã có Chỉ thị số 08 và Quyết định số 1590/QĐ-TCQLTTT của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về triển khai hỗ trợ các biện pháp tiêu thụ nông sản cho vùng dịch. Qua đó, sáng 6.6, Cục QLTT Hà Giang triển khai hỗ trợ tiêu thụ 10 tấn vải thiều cho nông dân Bắc Giang. Những quả vải thiều to, thơm ngon sẽ được bán tại địa bàn các huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Quản Bạ, Đồng Văn và thành phố Hà Giang với giá 20 nghìn đồng/kg.

06/06/2021