Đột phá hạ tầng giao thông ở Xín Mần

15:41, 16/06/2021

BHG - Giao thông có vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế của mỗi địa phương và đây cũng là tiêu chí được xác định là khó thực hiện trong chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM). Vì vậy, nhiều năm qua huyện Xín Mần luôn tận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ và sức mạnh đoàn kết từ nhân dân để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. 

Tuyến đường bê tông nối thị trấn Cốc Pài với thôn Xóm Mới, xã Chí Cà.
Tuyến đường bê tông nối thị trấn Cốc Pài với thôn Xóm Mới, xã Chí Cà.

Những con đường vượt núi…

Nằm trên đỉnh núi cheo leo với độ cao gần 1.500 m so với mực nước biển, xã Chí Cà là một trong 4 xã biên giới có điều kiện khó khăn của huyện. Đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa nương và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước đây, để đi từ trung tâm huyện đến trung tâm xã phải mất hàng tiếng đồng hồ. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn đầu tư từ chương trình xây dựng NTM, 30a, 135… đã làm đổi thay cơ sở hạ tầng các xã vùng biên giới, nhất là hệ thống giao thông liên thôn, liên xã và xã đến trung tâm huyện đã được đầu tư xây dựng. Dọc trên sườn núi, những tuyến đường bê tông len lỏi khắp các thôn, bản. Con đường nối thị trấn Cốc Pài qua thôn Xóm Mới đến trung tâm xã Chí Cà được đổ bê tông với nguồn đóng góp xi măng, ngày công lao động của cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn. Từ đó, mở ra điều kiện thuận lợi phát triển KT – XH; rút ngắn khoảng cách giữa huyện và các xã vùng biên giới. Tính từ năm 2010 đến nay, xã Chí Cà đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến 78.747 m2 đất, hơn 31 nghìn ngày công lao động, mở mới 31.6 km, nâng cấp được 13,4 km đường giao thông nông thôn; đổ đường bê tông từ 2,5 đến 3,5 m được 10.920 m đường, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, hộ nghèo giảm xuống còn 40%. 

Tuyến đường trung tâm thị trấn Cốc Pài được nâng cấp, mở rộng.
Tuyến đường trung tâm thị trấn Cốc Pài được nâng cấp, mở rộng.

 

Tại xã Pà Vầy Sủ, một địa phương được biết đến là vùng khó khăn nhất của tỉnh. Toàn xã có 7 thôn, bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống đường giao thông trong xã ngày càng được cải thiện đáng kể. Đường từ trung tâm xã đến đường huyện được bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường ngõ xóm, liên gia đã cứng hóa được 42,67%. Trong đó, tuyến đường nối các thôn Khấu Sỉn, Ma Lỳ Sán, Mốc 172 đã được bê tông hóa từ năm 2015 theo Đề án quy tụ điểm dân cư biên giới, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế biên mậu của địa phương. Tuyến đường nối các thôn Seo Lử Thận, Tả Lử thận, Si Khà Lá đang nằm trong kế hoạch đầu tư làm mới năm 2021. Tuyến đường nối trung tâm xã đến thôn Thào Chư Ván cũng được mở rộng nhờ công sức đại đoàn kết của đồng bào. Bác Lù Văn Lìn, thôn Si Khà Lá chia sẻ: Với đặc điểm địa hình chia cắt mạnh, hệ thống giao thông chưa được mở rộng nên việc giao thương cũng rất vất vả. Mặc dù nguồn lực đầu tư còn hạn chế nhưng nhiều năm qua các tuyến đường trên địa bàn xã đã mở rộng và một phần đã được cứng hóa, con đường nối Si Khà Lá và xã Chí Cà được bê tông, từng bước làm giảm bớt sự khó khăn cho nhân dân trong thôn. 

Phát triển từ khâu đột phá…

Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu của người dân nên được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện. Nhiều xã đã huy động được sự tham gia của người dân và toàn xã hội. Ưu tiên nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển KT - XH và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, năm 2020 Đảng bộ huyện Xín Mần thông qua Nghị quyết số 14 về hỗ trợ xi măng cho các xã NTM, đồng thời quyết tâm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nhóm hộ cho đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo đó, giai đoạn 1, huyện đã cấp 1.000 tấn xi măng cho xã Bản Ngò và Nà Chì. Kết quả, xã Nà Chì có 15 đầu điểm, xã Bản Ngò có 39 đầu điểm công trình đường liên thôn, cụm dân cư đã được đầu tư và hoàn thiện. Giai đoạn 2 hỗ trợ xã Nà Chì, Tả Nhìu và Nấm Dẩn mỗi xã 500 tấn xi măng. Tại đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Xín Mần lựa chọn đường giao thông làm đột phá của cả nhiệm kỳ. Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Phạm Duy Hiền cho biết: Giao thông có vị trí quan trọng đối với sự phát triển KT - XH của địa phương. Vì vậy, nhiệm kỳ 2020 – 2025, BCH, BTV Huyện ủy Xín Mần lựa chọn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn làm khâu đột phá và chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn thực hiện quyết liệt. Phấn đấu đến năm 2025, 100% thôn có đường bê tông, một số tuyến đường huyện quản lý được trải nhựa; 100% cầu treo được nâng cấp. 

Sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là giao thông nông thôn, thủy lợi, điện... Phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ. Huyện Xín Mần đã và đang triển khai xây dựng trên 204 công trình với 237,1 km đường bê tông nông thôn, tăng tỷ lệ đường giao thông cứng hóa lên 237,1 km.

Bài, ảnh: Văn Long


Cùng chuyên mục

Không để chuồng bò… trống vắng

BHG - "Nếu trong chuồng không có con bò nào, chúng tôi cảm thấy rất trống vắng; cho nên, có chuồng nhất định phải có bò" - đây là chia sẻ của ông Lầu Sìa Nô cũng là suy nghĩ của hơn 60 hộ dân thôn Lầu Chá Tủng, xã Sà Phìn (Đồng Văn). Từ quan điểm này, nhiều hộ dân thôn Lầu Chá Tủng đã lựa chọn hình thức nuôi bò vỗ béo; nhờ đó, không ít hộ đã thoát nghèo.

16/06/2021
Xã Vĩnh Phúc cải tạo vườn cam già

BHG - Xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) hiện có trên 1.000 ha cam, chủ yếu là cam Vàng và cam Sành; sản lượng mỗi năm ước đạt trên 11.000 tấn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây xuất hiện nhiều diện tích cam già cỗi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng sản phẩm. 

15/06/2021
Giữ lối sao chè truyền thống, giữ danh tiếng chè Lũng Phìn

BHG - Nếu ai đã uống chè Shan tuyết Lũng Phìn (Đồng Văn) một lần sẽ không thể nào quên hương cốm đặc trưng, vị ngọt hậu sâu quấn quanh vòm miệng, hương vị ấy chỉ có ở những búp chè Shan tuyết sinh trưởng trên đá tai mèo. Phong thổ đặc trưng của vùng núi đá quanh năm khô hạn và sương mù đã khiến những búp chè nơi đây có nội chất ít vùng nào sánh được. Góp phần làm nên danh trà Lũng Phìn với giá trị không lẫn với vùng nào còn phải kể đến quy trình sao chế được truyền đời của người Mông nơi đây, đó là lối sao chè thủ công bằng chảo gang trên lửa.

15/06/2021
Xây tiếp những ngôi nhà mơ ước

BHG - Thực hiện Chương trình hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 1953 của Tỉnh ủy, huyện Quản Bạ chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn rà soát cụ thể, chính xác các hộ người có công, CCB nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở để huy động mọi nguồn lực tiếp tục xây dựng lên những ngôi nhà mơ ước giai đoạn 2.

12/06/2021