Hà Giang

Thanh toán biên mậu, "đòn bẩy" cho thương mại vùng biên

19:34, 26/05/2021

BHG - Agribank là ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ thanh toán biên mậu với thị trường Trung Quốc từ năm 1997. Trải qua hơn 20 năm triển khai, Agribank đã trở thành ngân hàng hàng đầu, chiếm thị phần cao nhất trên thị trường. Tại tỉnh Hà Giang, thanh toán biên mậu đã sớm được triển khai và đi vào hoạt động từ năm 2000. Từ đó đến nay, thanh toán biên mậu qua Agribank đóng vai trò ngày càng quan trọng, thúc đẩy hoạt động kinh tế biên mậu tại các vùng biên giới nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Hà Giang.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Hà Giang.

Tỉnh Hà Giang tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, với đường biên giới trên 277 km; có Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, 1 cặp cửa khẩu song phương Xín Mần – Đô Long, 2 cửa khẩu phụ, 27 chợ biên giới, chợ cửa khẩu cùng nhiều lối mở thông quan hàng hóa với Trung Quốc. Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi nên tỉnh ta là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu thương mại biên giới khá sôi động. Tuy nhiên, song hành với sự sôi động đó cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái tại các điểm chợ biên giới như tình trạng chiếm dụng vốn, lừa đảo, trốn thuế, buôn lậu,… Do đó, đưa ra thị trường sản phẩm dịch vụ thanh toán biên mậu, Agribank vừa góp phần hạn chế những mặt trái này, vừa tích cực hỗ trợ khách hàng trong thanh toán, đồng thời thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Từ những năm 2000, cùng với sự phát triển kinh tế biên mậu, Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã nắm bắt được thời cơ và ký thỏa thuận hợp tác thanh toán biên mậu với Công ty hữu hạn Cổ phần Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc – Chi nhánh tỉnh Vân Nam. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn do trình độ dân trí chưa đồng đều, cơ sở hạ tầng về giao thông còn thiếu, chưa đồng bộ, việc thông thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khoảng cách giữa thành phố Hà Giang (Việt Nam) với huyện Malypho (Trung Quốc) tương đối xa, gây khó khăn cho việc đi lại, xử lý nghiệp vụ giữa ngân hàng 2 địa phương của 2 nước.

Từ năm 2014, để công tác thanh toán biên mậu được nhanh chóng, thuận tiện, Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã thực hiện thanh toán biên mậu qua Internet Banking (hệ thống CBPS). Việc thanh toán này đã giúp cho khách hàng tiết kiệm thời gian thanh toán, giảm thiểu rủi ro, quy trình thanh toán được thực hiện chính xác. Đặc biệt, tiết kiệm được nhiều chi phí bởi phí dịch vụ rẻ, khách hàng chỉ cần chờ từ 5 đến 10 phút tại ngân hàng là có thể nhận được tiền của đối tác chuyển qua tài khoản và không phải trả các khoản chi phí nào ngoài khoản phí chuyển tiền mà ngân hàng thu theo quy định. Các hình thức thanh toán biên mậu của Agribank vừa giúp khách hàng giữ được uy tín với đối tác nước ngoài, vừa tạo lợi thế cạnh tranh cho các bên.

Đến nay, Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã triển khai ký kết hoạt động thanh toán biên mậu với 2 định chế tài chính: Công ty hữu hạn Cổ phần Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc – Chi nhánh tỉnh Vân Nam và Công ty hữu hạn Cổ phần Ngân hàng thương nghiệp nông thôn tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Theo báo cáo của chi nhánh, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh Covid-19 nhưng kết quả thanh toán biên mậu với thị trường Trung Quốc của Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang đạt doanh số gần 200 tỷ Việt Nam đồng. Trong đó, thanh toán hàng xuất khẩu đạt trên 178 tỷ Việt Nam đồng; thanh toán hàng nhập khẩu đạt gần 10 tỷ Việt Nam đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2021, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt hơn 70 tỷ Việt Nam đồng.

Từ năm 2018, Agribank nâng cấp hệ thống CBPS để ứng dụng trong hoạt động thanh toán biên giới Việt Nam - Trung Quốc với 7 chi nhánh đầu mối tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc gồm: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu. Sau hơn 2 năm phát triển, đến thời điểm hiện tại, Agribank đã hoàn thành triển khai ứng dụng trên toàn hệ thống với doanh số chuyển tiền liên tục tăng trưởng từ 5-10% hàng tháng. Hiện, Agribank đang thực hiện đàm phán với các đối tác Trung Quốc để kết nối hệ thống CBPS của Agribank với hệ thống Internet Banking của đối tác để đảm bảo giao dịch được xử lý tự động từ đầu đến cuối. Việc triển khai thành công thanh toán biên giới qua hệ thống CBPS đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc tự động hóa giao dịch chuyển tiền biên giới, hỗ trợ cho việc hạch toán và tác nghiệp của giao dịch viên được dễ dàng, nhanh chóng, chính xác.

Có thể khẳng định, thanh toán biên mậu qua hệ thống ngân hàng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại biên giới. Với việc tổ chức thanh toán phục vụ hoạt động thương mại biên giới, hệ thống ngân hàng nói chung và Agribank Hà Giang nói riêng đã góp phần thực thi chức năng quản lý của nhà nước về tiền tệ trên địa bàn khu vực vùng biên, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, hạn chế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần thúc đẩy quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

   Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi

BHG - Những người nông dân mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định; họ trở thành những nông dân tiêu biểu, là tấm gương để nhiều người học và làm theo.

26/05/2021
"Kim chỉ nam" cho phát triển hàng Việt

BHG - Trải qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ đến tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Với nhiều kết quả quan trọng đạt được, Cuộc vận động đã trở thành "kim chỉ nam" trong phát triển thị trường hàng hóa trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, đồng thời xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt.

26/05/2021
Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo từ "Ngân hàng bò" ở Quang Bình
BHG - Những năm qua, hoạt động trợ giúp sinh kế cho người nghèo thông qua Chương trình "Ngân hàng bò" của T.Ư Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam hỗ trợ tại huyện Quang Bình đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Sau hơn 7 năm thực hiện, Chương trình đã giúp nhiều hộ dân vươn lên phát triển kinh tế theo hướng bền vững, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo ở địa phương. 
 
26/05/2021
Nông dân Quang Bình rộn ràng vào mùa gặt

BHG - Những ngày này, nông dân trên địa bàn huyện Quang Bình đang bước vào thu hoạch lúa Xuân năm 2021. Theo nhận định, vụ Xuân năm nay lúa được mùa, năng suất đạt cao hơn các năm trước. Vụ Xuân năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, ít sâu bệnh gây hại nên không gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất, sản lượng lúa. Tổng diện tích gieo cấy lúa toàn huyện đạt trên 1.885 ha...

26/05/2021