Hà Giang

Bông Sen Vàng tiên phong phát triển chuỗi giá trị dược liệu

09:15, 23/05/2021

BHG - Với dây chuyền nhà máy chế biến dược liệu hiện đại, chiến lược phát triển rõ ràng, Công ty Cổ phần dược liệu Bông Sen Vàng (Công ty Bông Sen Vàng) đang tiên phong thực hiện mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Dây chuyền sản xuất thuốc dạng viên nén của Công ty Bông Sen Vàng.
Dây chuyền sản xuất thuốc dạng viên nén của Công ty Bông Sen Vàng.

Công ty Bông Sen Vàng được thành lập năm 2017, trụ sở tại thôn Đá Bàn, xã Hùng An (Bắc Quang). Theo chia sẻ của đại diện công ty, lựa chọn Hà Giang là điểm đến đầu tư bởi đây là vùng trọng điểm trong các vùng dược liệu ở nước ta, với trên 70 loài dược liệu quý cấp quốc gia, trong đó có nhiều loài đặc hữu. Nhưng đời sống người dân Hà Giang còn nghèo và khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, Công ty mong muốn thiết lập và phát triển chuỗi “Tuyển chọn – bảo tồn – nhân giống – phát triển vùng trồng tập trung – chế biến – thương mại các sản phẩm giá trị cao” một cách bền vững cho cây dược liệu và nông sản đặc sản của Hà Giang, góp phần tạo sinh kế, giúp người dân giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển KT - XH của địa phương.

Một số sản phẩm trà dược liệu của Công ty Bông Sen Vàng.
Một số sản phẩm trà dược liệu của Công ty Bông Sen Vàng.

Với mục đích bảo tồn và chọn lọc loài có giá trị dược liệu cao nhất; bảo tồn tri thức dược liệu truyền thống của cha ông để lại, gắn với ứng dụng KHKT vào sản xuất để đưa sản phẩm tới đông đảo người dân; tạo môi trường cho sinh viên ngành Dược nghiên cứu, góp phần đưa Hà Giang trở thành thủ phủ của dược liệu. Chiến lược của Công ty Bông Sen Vàng xác định phát triển vùng dược liệu dựa trên nhu cầu thị trường, kết hợp với bảo tồn – nhân giống – trồng, làm chủ nguồn gen, nguồn giống, kỹ thuật trồng, vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GACP – WHO. Mục tiêu đến năm 2030, Công ty sẽ phát triển 3 vườn bảo tồn cây thuốc ở 3 vùng khí hậu trên địa bàn tỉnh; xây dựng 2 vườn nhân giống và lưu giữ giống để chủ động nguồn giống trồng và cung cấp dịch vụ; phát triển vùng trồng nguyên liệu ở các huyện với diện tích từ 500 – 700 ha; xây dựng Chứng chỉ GACP-WHO cho cây dược liệu trồng. Đồng thời phát triển chuỗi Dự án YOGI gồm 6 hệ thống: YOGI INSTITUTE - đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp đáp ứng chiến lược phát triển; YOGI HOME - sản xuất, kinh doanh nhà thông minh, tư vấn thiết kế xây dựng khu du lịch dưỡng sinh và các dịch vụ đi kèm; YOGI FOOD - xây dựng chuỗi nhà hàng, sở hữu và cấp công thức chế biến độc quyền nguyên liệu gia vị từ dược liệu; YOGI TRAVEL - dịch vụ du lịch dưỡng sinh, sinh thái gắn với vùng dược liệu, cung cấp sản phẩm chuyên biệt phục vụ cho ngành công nghiệp du lịch gắn với dược liệu, y học cổ truyền và cách sử dụng cây thuốc của từng dân tộc tiêu biểu tại địa phương; YOGI ASSAGE/SPA - dịch vụ Massage trị liệu, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, điều dưỡng phục hồi chức năng; YOGI ECO - tư vấn xây dựng, thiết kế vườn sinh thái dược; cung cấp giống cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển dược liệu...

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, Phạm Thanh Hòa cho biết: Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và sự đa dạng sinh học bản địa, Hà Giang được coi là “thủ phủ” của các loài dược liệu quý và được Chính phủ quy hoạch phát triển trở thành trung tâm dược liệu quốc gia. Tỉnh đã mời gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư trồng, chế biến dược liệu. Dù mới thành lập và hoạt động nhưng Công ty Bông Sen Vàng là doanh nghiệp đi đầu trong xây dựng chuỗi giá trị dược liệu, từ việc bảo tồn, nhân giống các loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu của Hà Giang đến đầu tư xây dựng nhà máy, liên kết sản xuất với người dân…

Khẳng định quyết tâm của mình và sự tiên phong trong phát triển chuỗi giá trị dược liệu ở Hà Giang, Công ty Bông Sen Vàng đã đầu tư nhà máy chế biến các sản phầm dược liệu rộng trên 2.000 m2 tại xã Hùng An đạt tiêu chuẩn GACP – WHO; xây dựng vườn bảo tồn, nhân giống dược liệu và vùng trồng nguyên liệu gần 300 ha và liên kết với các HTX, người dân ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì để trồng dược liệu và khai thác vùng nguyên liệu chè Shan tuyết cổ thụ trên diện tích hàng trăm ha; xây dựng các dự án phát triển dược liệu như: “Chuỗi liên kết trồng, chế biến, thương mại các sản phẩm giá trị cao từ dược liệu và nông sản”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển một số loại cây dược liệu”; “Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế và chế biến vào chuỗi liên kết trồng- chế biến- thương mại các sản phẩm có giá trị cao từ cây dược liệu”; “Bảo tồn và phát triển một số cây thuốc quý hiếm cấp quốc gia”; “Phát triển loại hình du lịch dưỡng sinh”. Công ty đã đưa ra thị trường 42 sản phẩm trà dược liệu và nhiều sản phẩm từ dược liệu, trong đó đã có 8 sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh; một số chế phẩm y học cổ truyền như: Bổ tỳ, Bổ phế, Đại bổ khí huyết, Thập toàn đại bổ, Lục vị, Tam thất được Bộ Y tế cấp phép. Ngoài ra, Công ty đang xây dựng hồ sơ sản phẩm trình Bộ Y tế cấp phép sản xuất chế phẩm y học cổ truyền, thuốc từ dược liệu, vị thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm. Đến nay, tổng mức đầu tư vào các dự án của Công ty Bông Sen Vàng đạt gần 90 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Công ty, Phạm Ngọc Thường cho biết: Công ty quyết tâm phát triển chuỗi giá trị dược liệu đã xây dựng và định hình. Nhưng để có thể thành công rất cần tỉnh có chiến lược phát triển, hoạch định cụ thể hơn gắn với các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách về đất đai và thủ tục hành chính, nguồn vốn đầu tư…

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cá bỗng Hà Giang được cấp chỉ dẫn địa lý

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00105 cho sản phẩm cá bỗng Hà Giang. Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

21/05/2021
Nghị quyết 05 giúp đổi mới mô hình kinh tế ở Hoàng Su Phì

BHG - Hoàng Su Phì là huyện thuần nông với phần lớn dân số sinh sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp nên ruộng, vườn đã gắn bó với bà con nông dân từ bao đời nay. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có nguồn thu nhập ổn định từ kinh tế vườn. Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh ra đời đã và đang giúp người dân từng bước đổi mới tư duy sản xuất để mạnh dạn thay thế diện tích...

21/05/2021
Yên Minh xã hội hóa trên 1,6 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở giai đoạn 2

BHG - Thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo theo Quyết định 1953 của Tỉnh ủy, trong giai đoạn 1, huyện Yên Minh đã hỗ trợ được 296 hộ làm nhà. Tiếp tục hưởng ứng giai đoạn 2 của chương trình, huyện Yên Minh đã vận động các doanh nghiệp, HTX và cán bộ công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn ủng hộ được 1 tỷ 602 triệu đồng.

20/05/2021
Phong Quang cải tạo vườn tạp theo hình thức "lấy ngắn nuôi dài"

BHG - Thực hiện Chương trình Cải tạo vườn tạp, xã Phong Quang (Vị Xuyên) triển khai theo hình thức "lấy ngắn nuôi dài", lựa chọn những loại cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để nâng cao giá trị kinh tế vườn hộ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân.

19/05/2021