Những công trình "mang mùa Xuân" về bản

21:39, 20/02/2021

BHG - Đồng bào miền cực Bắc Hà Giang cùng nhân dân cả nước vừa trải qua những ngày thật đặc biệt - vui Tết, đón Xuân trong tình hình mới. Dịch bệnh Covid - 19 tái bùng phát ngay trước Tết cổ truyền đã tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của nhân dân. Nhưng vượt lên tất cả, người dân tỉnh ta đồng lòng chống dịch, đón Xuân an toàn và Tết này vui hơn khi nhiều tuyến giao thông huyết mạch được hoàn thiện, đường về bản Xuân này thênh thang hơn.

Cầu Phương Tiến (Vị Xuyên) được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương.                                                                                                           Ảnh: HOÀNG NGỌC
Cầu Phương Tiến (Vị Xuyên) được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Những ngày cận Tết Nguyên đán, người dân vùng ốc đảo Thượng Tân (Bắc Mê) đón tin vui - cầu treo Thượng Tân nối đôi bờ sông Gâm chính thức hợp long, phá thế cô lập với “đất liền” của hàng trăm hộ dân; đồng thời, mở ra cơ hội giao thương, phát triển kinh tế cho vùng đất cá, tôm, cây trái trù phú. Còn nhớ, khi Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang chính thức ngăn đập đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn, có tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và du lịch, dịch vụ trên sông Gâm. Nhưng điều đó cũng khiến vùng đất Thượng Tân trở thành ốc đảo. Phương tiện duy nhất chuyên chở người, hàng hóa bên Thượng Tân ra thế giới bên ngoài là những chiếc thuyền nhỏ, nhưng hoạt động khó khăn do sự lên xuống thất thường của con nước.

Vì vậy, khi Nhà nước đầu tư xây dựng cầu treo qua sông Gâm, người dân Thượng Tân rất vui mừng, hàng ngày dõi theo từng tốp công nhân với thiết bị chuyên dụng khoan sâu xuống lòng hồ, đổ bê tông mố cột. Công trình có tổng mức đầu tư trên 91 tỷ đồng, tổng chiều dài 2.890 m, rộng mặt cầu 3 m, bề rộng toàn cầu 4.48 m. Cầu được thiết kế bán vĩnh cửu, bằng bê tông cốt thép, toàn bộ mặt bắn thép mạ kẽm, đảm bảo xe có trọng tải 10 tấn qua lại. Vùng ốc đảo Thượng Tân có trên 90% đồng bào dân tộc tiểu số sinh sống; thu nhập bình quân thuộc diện thấp nhất huyện Bắc Mê, nguyên nhân chính của tình trạng trên do giao thông cách trở. Nhưng nay, niềm vui đã, đang lan tỏa. Tết Nguyên đán vừa qua, bà con vùng đất Thượng Tân vui hơn, cầu đã xây xong, phương tiện đi lại thuận lợi, hàng hóa được giao thương giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất; việc thăm thân, chúc Tết thuận lợi hơn rất nhiều - Bí thư Đảng ủy xã Thượng Tân Hoàng Văn Tuấn chia sẻ.

Trước đó, người dân các xã có tuyến giao thông liên kết vùng phát triển KT - XH phía Đông của tỉnh, giáp ranh tỉnh Cao Bằng (Ngọc Đường - Tùng Bá - Tráng Kìm) chạy qua cũng rất vui mừng khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công trình có quy mô đường cấp IV miền núi, dài 62,22 km, điểm đầu tại ngã tư Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) giao với Quốc lộ 34 tại km4, điểm cuối ra Quốc lộ 4C, kết thúc tại cầu Tráng Kìm, xã Cán Tỷ (Quản Bạ). Tổng mức đầu tư gần 894 tỷ đồng; trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ 785 tỷ đồng; ngân sách địa phương 109 tỷ đồng. Triển khai dự án giao thông huyết mạch này, các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại và người dân rất nỗ lực, đồng lòng nên trong thời gian ngắn đã thu hồi được gần 100 ha đất của 11 cơ quan, đơn vị và 937 hộ dân để mở mặt bằng thi công.

Tết này, đi trên con đường mới, đẹp như rải lụa vắt ngang lưng núi, người dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) không thể ngờ ước mơ đường về bản thênh thang đã thành hiện thực. Tùng Bá cách trung tâm thành phố Hà Giang không xa, nhưng giao thông không phát triển, tuyến đường huyết mạch vừa nhỏ, vừa xuống cấp nghiêm trọng, nhiều năm không được nâng cấp, sửa chữa. Bởi vậy, Tùng Bá vẫn thuộc diện vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển, dù tiềm năng lợi thế rất nhiều. Đường lớn đã mở, đồng bào cùng động viên nhau đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm ra nhiều nông sản hàng hóa, bởi lẽ thị trường đã mở, không lo bị tư thương ép giá; các hoạt động thương mại, dịch vụ đang phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.         

Được khánh thành, đưa vào sử dụng cùng thời điểm với tuyến đường Ngọc Đường - Tùng Bá - Tráng Kìm, công trình cầu Phương Tiến bắc qua sông Lô kết nối xã Phương Tiến - Phong Quang hai địa phương thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đã tạo thành hệ thống giao thông khép kín, đồng bộ, trợ giúp đắc lực cho sự phát triển kinh tế nơi đây. Công trình được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư năm 2017, tổng mức đầu tư 58,92 tỷ đồng, khởi công tháng 5.2019 và hoàn thành vượt tiến độ 8 tháng. Cầu hợp long nối hai bờ sông Lô đã góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối khu tái định cư dự án di dân ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt thuộc rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Vị Xuyên với Quốc lộ 2; tạo điều kiện triển khai xây dựng đường ống cấp nước thuộc Dự án cấp nước Suối Sửu về hồ dự trữ nước trung tâm xã Phong Quang. Mặt khác, thời gian gần đây, nhân dân xã Phong Quang đang đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây hàng hóa, có giá trị kinh tế cao; cầu Phương Tiến được đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi trong hoạt động giao thương của bà con.

Điểm qua những dự án giao thông cấp thiết, quan trọng hoàn thành thời gian qua cho thấy nỗ lực rất lớn của tỉnh trong thực hiện mục tiêu giao thông đi trước, mở đường cho phát triển KT-XH. Và Xuân này vui hơn khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ ưu tiên, dành tối thiểu 50% nguồn ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cao hơn mức 18-31% trong giai đoạn 2015-2020; tỉnh cũng đề xuất với T.Ư cho triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai… Như vậy, tỉnh ta dần phá thế khó về giao thông, mở ra nhiều hướng phát triển của miền cực Bắc. Để những mùa Xuân sau, đường về vùng rẻo cao thêm rộng dài.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vững tin trước thềm Xuân

Hoàng Su Phì hôm nay có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn và đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. 

19/02/2021
Thành công từ hướng đi đúng

 Đồng Văn, nơi ngọn đá nhiều hơn ngọn lúa, hạt nước ít hơn hạt ngô, đường về bản phải vượt qua những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn... Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng nhiệm kỳ 2015 - 2020, bằng sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, huyện Đồng Văn đã làm nên những thành công khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong sản xuất nông, lâm nghiệp. 

19/02/2021
Thành phố với nhiều niềm vui cộng hưởng

Xuân 2021 - Mùa xuân này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Hà Giang có thêm nhiều niềm vui mới khi thành phố tròn 10 năm xây dựng và phát triển; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều thành tựu nổi bật; tạo tiền đề vững chắc để bứt phá và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

19/02/2021
Agribank Hà Giang góp sức thực hiện "mục tiêu kép"

Xuân 2021 - Trong năm qua, Agribank Hà Giang hoạt động trong điều kiện tình hình KT-XH của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19. Cùng với đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, Agribank Hà Giang đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm...

19/02/2021