Kỳ vọng trên 6.500 mảnh vườn

07:49, 23/02/2021

BHG - Năm nay, tỉnh ta lựa chọn 151 hộ nghèo, 205 hộ cận nghèo tại 11 huyện, thành phố thực hiện thí điểm Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; 23 hộ nghèo, cận nghèo huyện Đồng Văn, Mèo Vạc thí điểm đổ đất tạo vườn, cải tạo nương xếp đá. Việc triển khai đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, đến năm 2025 có trên 6.500 hộ, tương ứng trên 6.500 mảnh vườn có thu nhập khá.

Vườn tạp của người dân xã Phong Quang (Vị Xuyên) được cải tạo, trồng Thanh long ruột đỏ.
Vườn tạp của người dân xã Phong Quang (Vị Xuyên) được cải tạo, trồng Thanh long ruột đỏ.

Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh xác định một trong ba khâu đột phá là “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”. Ngay sau đại hội, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế bền vững cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cụ thể hóa khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Qua rà soát thực trạng các vùng kinh tế trên địa bàn tỉnh cho thấy: Các huyện vùng thấp như Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê, thành phố Hà Giang có diện tích vườn hộ lớn, tương đối bằng phẳng, điều kiện canh tác thuận lợi, quy mô vườn lớn… nhưng chưa được quy hoạch bài bản, còn để vườn tạp, cơ cấu cây trồng nhiều loại, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng và thu nhập để giảm nghèo. Đối với 2 huyện phía Tây gồm Hoàng Su Phì, Xín Mần, chủ yếu là ruộng bậc thang, các hộ dân làm nhà ở quanh khu vực ruộng, tỷ lệ hộ có vườn ít, cây trồng chủ yếu là cây ăn quả như lê, hồng, mận và trồng rau xanh, hiệu quả kinh tế rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày. 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, diện tích vườn của các hộ dân chủ yếu là núi đá, cây trồng chủ yếu là cây ăn quả ôn đới, rau cải, đậu đỗ, bí đỏ, điều kiện canh tác đặc biệt khó khăn, các sản phẩm từ vườn hộ chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Diện tích đất trống trong khuôn viên trụ sở UBND xã Phong Quang được cải tạo trồng cây ăn quả.                                                          Ảnh: THIÊN THANH
Diện tích đất trống trong khuôn viên trụ sở UBND xã Phong Quang được cải tạo trồng cây ăn quả. Ảnh: THIÊN THANH

Thực trạng trên cho thấy, kinh tế vườn hộ những năm qua chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có; người dân vẫn để vườn tạp nhiều, chưa thực sự tạo sinh kế, chưa đáp ứng được nhu cầu, thu nhập hàng năm của người dân. Điều này cũng dẫn đến, trong số 186.040 hộ dân toàn tỉnh hiện có, đến nay vẫn còn 41.478 hộ nghèo, chiếm 22,30%; 28.513 hộ cận nghèo, chiếm 15,33%. Trong đó, 5 huyện, thành phố vùng thấp có 10.452 hộ nghèo, 10.699 hộ cận nghèo; 2 huyện phía Tây có 8.735 hộ nghèo, 5.225 hộ cận nghèo; 4 huyện vùng cao phía Bắc có 22.291 hộ nghèo và 12.589 hộ cận nghèo.

Những hạn chế trên đặt ra yêu cầu rất lớn trong việc thay đổi tư duy và phương pháp trồng trọt, chăn nuôi của người nông dân trên chính mảnh vườn của gia đình; thay đổi nhận thức, phong tục, tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao… từ đó tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Cải tạo vườn tạp được triển khai đồng bộ từ các cấp, ngành đến từng người dân, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”. Nhiệm vụ đặt ra là: Quy hoạch, sắp xếp bố trí cấu trúc lại không gian vườn hộ một cách hợp lý, khoa học, phù hợp quy mô thực tiễn từng hộ, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn “Xanh - sạch - đẹp”, giữa nhà ở - khu vực chăn nuôi - vườn hộ. Cơ cấu lại giống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, đưa các cây, con giống tốt có năng suất cao vào sản xuất như rau, củ, quả, nấm, dược liệu; phát triển chăn nuôi lợn, dê, gia cầm, thủy sản để tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo; liên kết giữa các hộ liền kề trong cùng thôn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Bám sát quan điểm chỉ đạo trong nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thí điểm Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững năm 2021. Theo đó, có 356 hộ nghèo, cận nghèo của 11 huyện, thành phố với 947 lao động, 208.811 m2 diện tích vườn hiện có được lựa chọn thí điểm các nội dung: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng rau, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, trồng cây ăn quả… Có 13 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc được lựa chọn thực hiện đổ đất tạo mặt bằng trồng rau và cải tạo nương xếp đá.

Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh nhận được sự cộng hưởng rất lớn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Sau lễ phát động tại huyện Vị Xuyên, các huyện, thành phố đều tổ chức ra quân giúp dân cải tạo vườn tạp; Ngân hàng Chính sách xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã giải ngân vốn kịp thời; các hộ dân đang tích cực triển khai nội dung đăng ký, phù hợp với thực tế sản xuất của gia đình, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, việc triển khai cải tạo vườn tạp được tiến hành đúng quan điểm chỉ đạo của tỉnh, người dân rất tích cực hưởng ứng, bước đầu có sức lan tỏa; nhiều hộ dân trong thôn, bản tích cực tìm hiểu, học tập những hộ đã tiến hành cải tạo vườn tạp và tự thực hiện trên diện tích vườn của gia đình.

Sự lan tỏa này đã minh chứng, nghị quyết ra đời xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của người dân, giải quyết những vấn đề bức thiết trong đời sống hàng ngày nên nhanh chóng đi vào cuộc sống. Kết quả bước đầu mở ra nhiều hy vọng đến năm 2025 không chỉ có 6.500 hộ, tương ứng với 6.500 vườn tạp được cải tạo, cho thu nhập khá mà con số này còn tăng thêm nhiều hơn nữa.

Bài, ảnh:  THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang thiệt hại hơn 2.700 tấn cam Sành

BHG - Từ đầu tháng 2 đến nay, nhiều diện tích cam Sành trên địa bàn huyện Bắc Quang bị rụng quả, khiến các nhà vườn thiệt hại hơn 2.700 tấn cam Sành. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại 4 xã: Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Đông Thành, Thượng Bình và thị trấn Việt Quang với gần 940 ha bị ảnh hưởng/477 hộ dân bị thiệt hại.

 

22/02/2021
Khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp đặc sản

BHG - Từ quyết sách quan trọng của UBND tỉnh, sản phẩm nông nghiệp (NN) đặc sản đang có những bước tiến quan trọng để khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường và xây dựng niềm tin với khách hàng.

 

21/02/2021
Lao Chải đa dạng các mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo

BHG - Là xã biên giới của huyện Vị Xuyên với 100% dân số là đồng bào Mông, trước đây, người dân xã Lao Chải chủ yếu sản xuất theo tập quán truyền thống, phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết nên đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, với sự năng động của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa các mô hình kinh tế đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

21/02/2021
Những công trình "mang mùa Xuân" về bản

BHG - Đồng bào miền cực Bắc Hà Giang cùng nhân dân cả nước vừa trải qua những ngày thật đặc biệt - vui Tết, đón Xuân trong tình hình mới. Dịch bệnh Covid - 19 tái bùng phát ngay trước Tết cổ truyền đã tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của nhân dân. Nhưng vượt lên tất cả, người dân tỉnh ta đồng lòng chống dịch, đón Xuân an toàn và Tết này vui hơn khi nhiều tuyến giao thông huyết mạch được hoàn thiện, đường về bản Xuân này thênh thang hơn.

 

20/02/2021