Nông sản Hà Giang vươn ra "biển lớn"- Kỳ II: Từng bước khẳng định thương hiệu

16:11, 26/01/2021

BHG - Trong giai đoạn 2018 – 2020, 2 sản phẩm chè Shan tuyết được công nhận OCOP quốc gia và 3 sản phẩm cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn như Vinmart, Sài Gòn Coopmart, BigC…

Chè Shan tuyết

Chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.
Chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.

Từ bao đời nay, chè Shan tuyết đã gắn bó với người dân các vùng miền của tỉnh; 11 huyện, thành phố đều có những địa phương trồng chè Shan tuyết nổi tiếng như: Lũng Phìn (Đồng Văn), Ngam La (Yên Minh), Cao Mã Pờ (Quản Bạ), Phiêng Luông (Bắc Mê), Cao Bồ, Thượng Sơn (Vị Xuyên), Phương Độ (thành phố Hà Giang), Nậm Ty, Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), Nà Chì, Chế Là (Xín Mần), Tiên Nguyên (Quang Bình)… Đến nay, Hà Giang là tỉnh có diện tích trà Shan tuyết lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 80%. Đặc biệt, đa phần diện tích trà Shan tuyết đều là chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thậm chí có cây 500 – 700 tuổi. Vì thế, ở nhiều địa phương, chè Shan tuyết đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Danh tiếng chè Shan tuyết của tỉnh cũng được khẳng định không chỉ trong nước mà cả quốc tế; có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc… Đặc biệt, sản phẩm chè Shan tuyết của tỉnh đã đoạt các giải cao như Vàng, Bạc, Đồng và Ấn tượng tại Cuộc thi trà quốc tế tại Pháp và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cam Sành

Cam Sành là cây trồng chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế cao. Cây cam Sành đã được người dân trên địa bàn tỉnh trồng và phát triển từ khoảng 40 năm trước, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Có thời điểm, cam Sành được bán với giá 30 – 40 nghìn đồng/kg. Trồng cam đã trở thành sinh kế, tạo việc làm ổn định, thu nhập khá, góp phần thoát nghèo và làm giàu cho hàng nghìn nông hộ. Nhiều hộ trồng cam ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng như anh Sùng Diu Sì, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), Nguyễn Đức Nghĩa, xã Hương Sơn (Quang Bình)... Hiện tại, diện tích cam Sành của tỉnh được người dân phát triển đạt trên 7.000 ha, chiếm 82,4% diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh.

Cam Sành đã khẳng định vị thế trên thị trường.
Cam Sành đã khẳng định vị thế trên thị trường.

Niên vụ cam Sành năm nay có sản lượng dự kiến đạt khoảng 80.000 tấn và đã được nhiều đơn vị phân phối lớn như Vinmart, Sài Gòn Coopmart, BigC cũng như nhiều cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn cam kết thu mua, phân phối.

Mật ong Bạc hà

Mật ong Bạc hà là sản phẩm đặc hữu của Hà Giang, không nơi nào trên dải đất Việt có. Bởi cây Bạc hà dại - nguồn mật chính của ong chỉ sống trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và chỉ ra hoa trong khoảng thời gian từ tháng 9 tới tháng 12. Các chỉ tiêu về chất lượng lý hóa của mật ong Bạc hà đều vượt tiêu chuẩn CODEV của châu Âu, nhất là hàm lượng chất kháng khuẩn, chất ô xi hóa, khả năng chống ô xi hóa… Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý trong khu vực gồm phần lớn các xã, thị trấn trên 4 huyện vùng cao của tỉnh.

Từ danh tiếng và chất lượng đã được khẳng định, mật ong Bạc hà luôn có giá thành cao so với các loại mật ong khác, khoảng 500.000 đồng/lít. Dù vậy, hàng năm với sản lượng mật trên 200 tấn nhưng mật ong Bạc hà luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.

… Và nhiều sản phẩm đặc hữu

Không chỉ cam Sành, chè Shan tuyết và mật ong Bạc hà, Hà Giang thực sự là vùng nông nghiệp đặc hữu với 188 sản phẩm OCOP và có tới 178 sản phẩm được chế biến từ nông sản địa phương. Với tiềm năng lớn đó, để các sản phẩm nông sản tiêu biểu, chủ lực của tỉnh có chỗ đứng và khẳng định thương hiệu trên thị trường, tỉnh ta đã định hướng và triển khai nhiều chương trình, chính sách, ban hành các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và trong nước; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm… Đến nay, có trên 3.500 ha/47 vùng/2.355 hộ trồng cam được cấp chứng nhận VietGAP; trên 11.800 ha/88vùng/12.864 hộ trồng chè được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; nhiều cơ sở chế biến chè được đánh giá và cấp chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP. Đặc biệt, tỉnh ta là một trong những tỉnh có nhiều sản phẩm được cấp Chỉ dẫn địa lý và chứng nhận sản phẩm nhất cả nước như: Chè Shan tuyết, cam Sành, mật ong Bạc hà, gạo Già Dui, Hồng không hạt, thịt bò Vàng vùng cao.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương (Sở Công thương) cho biết: Qua các chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản tiêu biểu, OCOP của tỉnh tại các thị trường lớn như Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... các doanh nghiệp, nhà phân phối, chuỗi các siêu thị đánh giá cao các sản phẩm của tỉnh; bởi sản phẩm của chúng ta có nét đặc trưng riêng. Hơn nữa, Hà Giang có khí hậu trong lành, nguồn nước tự nhiên sạch, không chịu ảnh hưởng môi trường của các khu, cụm công nghiệp; hầu hết nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm được canh tác đạt tiêu chuẩn GAP hoặc hữu cơ nên luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh:  DUY TUẤN

Kỳ cuối: Tập trung vào sản phẩm chủ lực

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảm bảo cung cấp điện phục vụ nhân dân đón Tết

BHG - Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ các hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa, sản xuất, kinh doanh, vui chơi giải trí của nhân dân trong dịp Đại hội XIII của Đảng và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Công ty Điện lực Hà Giang đã lập phương án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc.

26/01/2021
Nông sản Hà Giang vươn ra "biển lớn"- Kỳ 1: Quyết tâm phát triển sản phẩm đặc sản

BHG - Ngày 22.3.2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 500 phê duyệt Đề án Mỗi xã một sản phẩm (Đề án OCOP) giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến năm 2030. Chủ trương trên thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, đưa hàng nông sản của tỉnh vươn ra "biển lớn".

 

25/01/2021
Quản Bạ tập trung phát triển bò Vàng

BHG - Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định, bò Vàng là vật nuôi chủ lực trong phát triển chăn nuôi của huyện. Với truyền thống, kinh nghiệm chăn nuôi đại gia súc của nhân dân, cùng cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của T.Ư, tỉnh để khuyến khích, phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Vì vậy, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tư duy sản xuất và phương thức chăn nuôi của nhân dân có sự chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao.

25/01/2021
Thoát nghèo nơi biên cương

BHG - Thực hiện chính sách di dãn dân lên định cư vùng biên giới, gia đình ông Lý Sèo Phù lựa chọn xóm nghèo Hán Dương, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) để định cư và lập nghiệp. Với bản tính cần cù, chăm chỉ, đến nay cuộc sống của gia đình ông đã ổn định. 

25/01/2021