Hà Giang

Bắc Quang xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung

15:06, 13/01/2021

BHG - Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo vùng là hướng đi bền vững, huyện Bắc Quang triển khai các giải pháp vừa mang tính trước mắt, vừa lâu dài nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và thay đổi tập quán canh tác của người dân từ hình thức nhỏ, lẻ sang hướng hàng hóa.

Người dân xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) kiểm tra tình hình phát triển cây cam Sành theo quy trình VietGap.
Người dân xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) kiểm tra tình hình phát triển cây cam Sành theo quy trình VietGap.

Bắc Quang là huyện động lực của tỉnh, có nhiều lợi thế sản xuất nông, lâm nghiệp với một số loại cây, con như: Cam, chè, lúa chất lượng cao, gỗ rừng và chăn nuôi gia súc. Đặc biệt, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng giúp huyện có thế mạnh về trồng cây ăn quả có múi. Tính riêng cây cam, niên vụ 2020 – 2021, tổng diện tích cam toàn huyện trên 6.212 ha; trong đó, trên 2.422 ha cam Sành có Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và ổn định, địa phương quy hoạch phát triển cây có múi và phát triển sản xuất hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích đất; cơ cấu nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; góp phần làm bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng cải thiện; thậm chí, có nhiều hộ dân trở thành tỷ phú khi áp dụng KHKT vào sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chấp hành và tuân thủ theo quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện chưa nghiêm túc; người dân tự ý mở rộng diện tích; trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch, được mùa nhưng mất giá. Mặt khác, cơ chế, chính sách tác động chưa đủ mạnh để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp có bước đột phá. Sự liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa đồng đều giữa các vùng. Một bộ phận người dân giữ thói quen canh tác truyền thống, ngại đổi mới, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã kìm hãm sự phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết thực trạng đó, Bắc Quang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các sản phẩm có thế mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT – XH từng vùng, nhằm phát triển theo quy mô lớn để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động, khí hậu và bảo vệ môi trường. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hình thành các gia trại, trang trại. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng NTM với chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Quang Trần Minh Hữu, cho biết: Nhằm tạo bước chuyển biến trong ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất, huyện khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, tập trung vào một số lĩnh vực: Giống, công nghệ sinh học, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huyện đẩy mạnh sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quy mô hợp lý theo quy trình sản xuất VietGap, GAP; thúc đẩy chuyển giao khoa học, công nghệ cho các vùng sản xuất thâm canh; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch; chủ động kiểm soát dịch hại trên cây trồng, vật nuôi và xử lý môi trường.

Tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, tạo động lực xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng bền vững, huyện tăng cường thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, bao tiêu, chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị. Xúc tiến thương mại, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; duy trì, nâng cấp hệ thống chợ, đường giao thông trên địa bàn để thuận tiện cho việc trao đổi, mua, bán sản phẩm; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác đầu tư vào sản xuất hàng hóa các sản phẩm chủ lực; gắn sản xuất với chế biến để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh liên kết 4 nhà (nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý). Hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất nghiên cứu thông tin, dự báo, điều chỉnh phương án sản xuất gắn với thị trường. Đối với các sản phẩm đang có thị trường tiêu thụ thuận lợi, có giá trị cao như: Cam, chè, lạc, huyện tập trung xây dựng chuỗi liên kết phát triển sản xuất, chế biến sâu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi…

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo vùng, cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các daonh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa đang giúp Bắc Quang đưa lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cục Hải quan triển khai đồng bộ các giải pháp thu ngân sách

BHG - Năm 2020, Cục Hải quan được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) 285 tỷ đồng, trong đó trên địa bàn Hà Giang 176 tỷ đồng; Tổng cục Hải quan giao dự toán thu phấn đấu 314 tỷ đồng, trong đó trên địa bàn Hà Giang 200 tỷ đồng; HĐND, UBND tỉnh giao dự toán thu 270 tỷ đồng.

 

12/01/2021
Cải tạo vườn tạp tạo sinh kế cho người dân

BHG - Ngày 1.12.2020, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025" (Nghị quyết cải tạo vườn tạp). Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ tỉnh nhằm hiện thực hóa 1 trong 3 khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là "tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân".

12/01/2021
Thu nhập cao từ làm việc ngoài tỉnh

BHG - Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là việc làm vô cùng cấp thiết của các cấp, các ngành, địa phương. Đặc biệt, đối với các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, việc giải quyết việc làm càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều năm trở lại đây, thực hiện công tác giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh, huyện Đồng Văn đã chủ động đưa đoàn công tác của huyện đi khảo sát, tiếp cận thị trường lao động ở các Khu công nghiệp tại các tỉnh như: Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh… 

12/01/2021
Giá xăng dầu tăng lần thứ 4 liên tiếp

BHG - Từ 15h, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 430 đồng, RON 95 III tăng 451 đồng, các mặt hàng dầu tăng tối đa 370 đồng.

11/01/2021