Hà Giang

Xã Phương Độ tích cực trồng cây vụ Đông

16:25, 02/12/2020

BHG - Nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ sản xuất cây vụ Đông, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) đang tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết, với quyết tâm cao nhất để hoàn thành vượt kế hoạch được giao, đảm bảo cơ cấu giống, lịch thời vụ tốt nhất. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Vừa, thôn Tha trồng rau vụ Đông.
Gia đình chị Nguyễn Thị Vừa, thôn Tha trồng rau vụ Đông.

Phương Độ là một trong những địa phương luôn hoàn thành vượt kế hoạch trồng cây vụ Đông. Là xã có thế mạnh về trồng cây vụ Đông; theo kế hoạch, năm 2020 xã trồng 107,4 ha; trong đó, diện tích cây ngô 4 ha, rau màu các loại 102,4 ha, khoai tây 1 ha... Trên cơ sở kế hoạch được giao, xã đã bố trí thời gian phù hợp để sau khi thu hoạch lúa Mùa có đất gieo trồng cây vụ Đông sớm; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân quy hoạch gọn vùng, gọn thửa để sản xuất các loại cây trồng. Chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. Mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến cáo bà con nông dân đảm bảo đủ nước tưới, không để khô hạn, hoặc ngập úng. Để đảm bảo cho trồng cây vụ Đông đạt kết quả cao, trước khi bắt đầu bước vào sản xuất, bà con đã tập trung làm đất, cày ải, diệt mầm sâu bệnh, nạo vét kênh mương, công trình thủy lợi, đảm bảo nước phục vụ sản xuất. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất vụ Đông, xã khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của thị trường, dần tiến tới mục tiêu xây dựng vùng rau an toàn mang tính bền vững ở địa phương. 

Chị Nguyễn Thị Vừa, thôn Tha, xã Phương Độ phấn khởi trò chuyện: Nông dân chúng tôi làm vụ Đông đã gần mười năm, mọi khoảng đất trống, đồng ruộng gần mương nước đều được tận dụng trồng các loại rau. Vụ Đông năm nay, gia đình tôi trồng Su hào, với 1.500 m². Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích Su hào của gia đình đã xuống giống và đang phát triển tốt. Dự kiến thương lái thu mua Su hào tại ruộng với giá 10.000 đồng/kg, theo tính toán của tôi thì trừ các chi phí cũng đem lại 12 triệu đồng cho vụ Đông năm nay. Giá trị kinh tế từ vụ Đông đem lại không thua kém, thậm chí cao gấp hai, ba lần so với cây lúa. Vì hiệu quả thấy rõ nên các gia đình tự giác, chủ động làm. Cây rau đã trở thành nguồn thu nhập chính giúp gia đình tôi có được cuộc sống ổn định hơn. 

Qua trao đổi với Chị Nguyễn Thị Lý, thôn Tân Tiến, xã Phương Độ chia sẻ: Ngay sau khi thu hoạch lúa Mùa xong, gia đình tôi tập trung làm đất và xuống giống trồng 500 m² Đậu Trạch lai xen kẽ khoai tây. Hiện nay phong trào thi đua sản xuất cây vụ Đông đang được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trồng cây vụ Đông, ngoài gieo trồng trên các cánh đồng chuyên canh, gia đình tôi tận dụng đất ruộng sau khi thu hoạch lúa. Cán bộ xã thường xuyên hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, bón phân; cách phòng, chống bệnh, sâu hại. 

Chủ tịch UBND xã Phương Độ, Bùi Đức Định, cho biết: Xác định tầm quan trọng của việc trồng cây vụ Đông, xã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các thôn thực hiện nghiêm lịch thời vụ. Sản xuất vụ Đông từ nhiều năm nay được người dân trên địa bàn tích lũy kinh nghiệm, tập trung đầu tư cây giống, công chăm sóc giúp tăng năng suất, sản lượng, đạt giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, vụ Đông đã trở thành vụ chính cho thu nhập cao đối với bà con nông dân. Vụ Đông năm nay, bà con tích cực lao động sản xuất, ngay từ đầu xã hướng dẫn, khuyến cáo người dân chủ động chăm sóc diện tích cây vụ Đông đã gieo trồng; vận động người dân mở rộng diện tích; lựa chọn các loại cây trồng có giá trị kinh tế và đáp ứng được nhu cầu thị trường trước và sau Tết Nguyên đán. Khuyến khích người dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP và hữu cơ.. Thời gian tới, xã quan tâm đến việc liên kết, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các siêu thị lớn nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị thu nhập, tạo động lực để người dân đầu tư phát triển sản xuất cây vụ Đông. 

Bài, ảnh: Đức Ninh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điểm sáng liên kết tiêu thụ nông sản địa phương

BHG - Với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm hướng đi, đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, HTX Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (HTX Po Mỷ) đã trở thành đầu mối thu mua nông sản với giá thành ổn định, liên kết tiêu thụ và sản xuất nông sản địa phương. 

30/11/2020
Khẳng định vai trò trong phát triển KT – XH

BHG - Với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, các HTX đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH chung của tỉnh. Trước thềm Đại hội đại biểu Liên minh HTX tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

 

30/11/2020
Mô hình cá - lúa - vịt

BHG - Bằng việc tận dụng diện tích ruộng sẵn có, mô hình cá – lúa – vịt đã mang lại lợi ích kép. Với việc giảm chi phí cho chăn nuôi, tiết kiệm diện tích và tận dụng được các thức ăn sẵn có từ đồng ruộng. Các sản phẩm cá, vịt nuôi theo phương thức tự nhiên có giá từ 120 – 150 nghìn đồng/ kg, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân; đảm bảo tính an toàn sinh học và là giải pháp hữu hiệu cho việc ngăn chặn sử dụng thuốc trừ sâu và các thuốc phun khác cho cây lúa… Qua đó, tạo nên môi trường sản xuất an toàn, thân thiện và sinh thái trong chăn nuôi.

 

30/11/2020
Hợp tác xã Hoa Bạc Hà chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm

BHG - Bắt đầu từ tháng 10 dương lịch, hoa Bạc hà vùng Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu nở rộ trong khoảng thời gian 2 tháng, đây là nguồn thức ăn chính của ong để có mật ong Bạc hà chất lượng tốt nhất. Yên Minh là một trong những huyện nằm trong vùng nguyên liệu nuôi ong. Nắm bắt được lợi thế trên, HTX Hoa Bạc Hà (Yên Minh) đã tập trung phát triển đàn ong, cũng như sản xuất sản phẩm mật ong đặc biệt này ra thị trường.

30/11/2020