Giải pháp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chè Hoàng Su Phì

14:29, 04/12/2020

BHG - Hà Giang vốn sở hữu diện tích chè lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau Lâm Đồng và Thái Nguyên. Tính đến tháng 9.2020, tổng diện tích chè của Hà Giang đạt khoảng 20.450 ha, trong đó có 16.970 ha cho thu hoạch. Sản phẩm chè Hà Giang cũng được biết đến rộng rãi với hương vị đậm đà, đặc biệt là chè Shan tuyết. Nổi tiếng là vậy, nhưng sức cạnh tranh của chè Hà Giang lại chưa mạnh trên thương trường. Vấn đề thu hái và chế biến chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật; sản phẩm chè xuất khẩu chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô; tỉnh chưa có hệ thống kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm chè toàn diện trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ… đó là những yếu tố làm giảm năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của cây chè.

Xác định chè là cây chiến lược để giảm nghèo, tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Hoàng Su Phì nói riêng đã tập trung chỉ đạo, đưa ra một số chính sách cũng như giải pháp để khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh chè. Trong đó có thể kể đến như Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) và Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giúp đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập và từng bước nâng cao đời sống.

Được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền, anh Nguyễn Trung Dũng (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì) đã mạnh dạn khai trương Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Hoàng Su Phì, địa chỉ tại phường Quang Trung, Tp. Hà Giang. Vốn là một người làm khoa học, quê ở Thái Nguyên – cũng là một vùng chè nổi tiếng – nhưng vì niềm đam mê chè và nhìn nhận được tiềm năng phát triển của chè Shan tuyết sau một chuyến công tác Hà Giang, anh Dũng “bỏ phố, bỏ nghề” lên Hà Giang đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc với quyết tâm đưa thương hiệu chè Hoàng Su Phì chất lượng cao ra thị trường trong và ngoài nước.

Anh Nguyễn Trung Dũng thực hiện quy trình pha chè Shan tuyết theo đúng quy chuẩn
Anh Nguyễn Trung Dũng thực hiện quy trình pha chè Shan tuyết theo đúng quy chuẩn

Mô hình quảng bá chè mà anh Dũng xây dựng gồm 2 khu: Khu thứ nhất là Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Hoàng Su Phì Tea Shop - nơi trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm chè Shan tuyết của tất cả các hợp tác xã, hộ sản xuất chè của huyện Hoàng Su Phì. Điểm nhấn sáng tạo tại khu này là không gian thưởng chè miễn phí, nơi khách hàng sẽ được phục vụ, thưởng thức chè Shan tuyết một cách bài bản, đúng quy chuẩn. Không gian thứ hai là nhà hàng ăn uống mang tên Hanoi of Dumatri, gồm một khu trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm nông sản địa phương và một khu nhà hàng ẩm thực – nơi các sản phẩm sẽ được phục vụ theo tiêu chí “từ đồng ruộng đến bàn ăn”, tận dụng tối đa các sản vật địa phương.

Bên cạnh Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Hoàng Su Phì, anh Dũng hiện đang là Trưởng ban vận động thành lập Hội chè Hoàng Su Phì – nơi sinh hoạt, giao lưu của những người sản xuất, kinh doanh, yêu thích chè trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và toàn quốc nói chung. Đây đồng thời cũng là Hội chè đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh. Anh Dũng còn thuê lại xưởng HTX Chế biến chè Hồ Thầu, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với quyết tâm xây dựng thương hiệu chè sạch, chất lượng cao. Hiện, hoạt động của HTX Chè Hồ Thầu đang tập trung sản xuất từ chè ra bốn dòng trà chính: Trà xanh, Bạch trà, Hồng trà và trà Phổ nhĩ.

Không gian trưng bày sản phẩm chè Shan tuyết tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Hoàng Su Phì
Không gian trưng bày sản phẩm chè Shan tuyết tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Hoàng Su Phì

Nói về việc quảng bá thương hiệu chè Hoàng Su Phì, anh Dũng chia sẻ: “Nếu như sản phẩm cà phê của Việt Nam đã có thể vươn tầm thế giới, thì tại sao chè lại không? Với lịch sử lâu đời, chè hoàn toàn có tiềm năng để phát triển, đặc biệt là chè Hà Giang – một trong 6 vùng khởi sinh của cây trồng trên thế giới. Lượng chè chất lượng cao sẽ không chỉ để phục vụ khách hàng cao cấp ở Việt Nam mà còn có thể xuất khẩu sang các nước như Đài Loan, châu Âu và các thị trường khó tính khác.” 

Việc khai trương Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Hoàng Su Phì là một hướng đi chuyên nghiệp trong ý tưởng và sáng tạo trong cách thực hiện của anh Nguyễn Trung Dũng, giúp nông sản địa phương tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách từ người sản xuất đến người tiêu dùng, khẳng định đầu ra cho sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điểm sáng liên kết tiêu thụ nông sản địa phương

BHG - Với tâm huyết xây dựng thương hiệu và tìm hướng đi, đầu ra ổn định cho các loại nông sản, đặc sản địa phương, HTX Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (HTX Po Mỷ) đã trở thành đầu mối thu mua nông sản với giá thành ổn định, liên kết tiêu thụ và sản xuất nông sản địa phương. 

30/11/2020
Hợp tác xã Hoa Bạc Hà chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm

BHG - Bắt đầu từ tháng 10 dương lịch, hoa Bạc hà vùng Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu nở rộ trong khoảng thời gian 2 tháng, đây là nguồn thức ăn chính của ong để có mật ong Bạc hà chất lượng tốt nhất. Yên Minh là một trong những huyện nằm trong vùng nguyên liệu nuôi ong. Nắm bắt được lợi thế trên, HTX Hoa Bạc Hà (Yên Minh) đã tập trung phát triển đàn ong, cũng như sản xuất sản phẩm mật ong đặc biệt này ra thị trường.

30/11/2020
Khẳng định vai trò trong phát triển KT – XH

BHG - Với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, các HTX đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH chung của tỉnh. Trước thềm Đại hội đại biểu Liên minh HTX tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

 

30/11/2020
Mô hình cá - lúa - vịt

BHG - Bằng việc tận dụng diện tích ruộng sẵn có, mô hình cá – lúa – vịt đã mang lại lợi ích kép. Với việc giảm chi phí cho chăn nuôi, tiết kiệm diện tích và tận dụng được các thức ăn sẵn có từ đồng ruộng. Các sản phẩm cá, vịt nuôi theo phương thức tự nhiên có giá từ 120 – 150 nghìn đồng/ kg, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân; đảm bảo tính an toàn sinh học và là giải pháp hữu hiệu cho việc ngăn chặn sử dụng thuốc trừ sâu và các thuốc phun khác cho cây lúa… Qua đó, tạo nên môi trường sản xuất an toàn, thân thiện và sinh thái trong chăn nuôi.

 

30/11/2020