Tươi sáng "bức tranh" giảm nghèo: Kỳ 2 - "Quả ngọt" giảm nghèo

11:28, 04/11/2020

BHG - Với nhiều cách làm mới, sáng tạo, linh hoạt; công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh gặt hái nhiều “quả ngọt”. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh giảm 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%. trong đó, các huyện nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34%, bình quân mỗi năm giảm 6%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Trao “cần câu” cho người nghèo

Với hình thức chăn nuôi luân chuyển, năm 2018, chị Nguyễn Thị Điểm, thôn Chang, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) nhận nuôi một con lợn nái từ Hội Phụ nữ xã.  Đến nay, lợn mẹ sinh được 3 lứa. Chị đã luân chuyển 1 con lợn cho hội viên khác trong chi hội của thôn. Số còn lại chị xuất bán và có thêm thu nhập 20 triệu đồng. Hình thức nuôi lợn nái luân chuyển được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai từ năm 2016, đến nay có hàng nghìn lợn nái được luân chuyển, giúp nhiều hội viên nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Anh Hoàng Ngọc Xanh, thôn  Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Anh Hoàng Ngọc Xanh, thôn Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Chủ tịch UBND xã Quản Bạ (Quản Bạ) Nông Minh Tiến, chia sẻ: “Là xã có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước đây, một bộ phận người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chịu khó làm ăn. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo được xã triển khai quyết liệt bằng hình thức cầm tay chỉ việc, rà soát hộ nghèo thiếu hụt nội dung nào thì giúp nội dung đó. Đặc biệt, xã nhân rộng mô hình giảm nghèo bằng hình thức đầu tư có thu hồi; mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 8 triệu đồng phát triển sản xuất, nuôi lợn, gà, ốc nhồi, ếch, cây ăn quả. Đến nay đã thu hồi gần hết nguồn vốn đầu tư, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trên 6%/năm. Năm 2020 ước giảm xuống còn 5,79%, thu hập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/năm; mức sống của người dân không ngừng được nâng lên, xã đạt chuẩn Nông thôn mới”.

Giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh gần 8.226 tỷ đồng. Các chương trình 30a, 135, xây dựng Nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ và mang lại hiệu quả rõ nét. Bên cạnh đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, giúp người dân tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản; các địa phương chú trọng lồng ghép nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng; tập trung vào các hoạt động chủ yếu, như: Chăm sóc, bảo vệ rừng, hỗ trợ giống, phân bón, làm chuồng trại chăn nuôi, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mua vắc - xin phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ 2.574 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 12.651 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp.

Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 326 nhà đại đoàn kết từ Quỹ “Vì người nghèo”; Hội Nông dân vận động hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi hỗ trợ cho 72.341 lượt hộ nghèo về vốn sản xuất, cây con giống, tiền trị giá 15 tỷ đồng và giúp được 5.467 hộ thoát nghèo... Huyện Mèo Vạc sáng tạo trong triển khai chương trình đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo và giải quyết việc làm cho lao động đi làm việc tại Trung Quốc; huyện Xín Mần đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”... Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 91.760 lao động, trong đó 39.644 lao động đi làm việc ngoài tỉnh và 2.996 người đi xuất khẩu.

Khơi dậy ý chí vươn lên

Chị Vần Thị Máy là một trong những hộ nghèo của xã Quản Bạ. Năm 2018, được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 80 triệu đồng, chị mua trâu nuôi vỗ béo và nuôi lợn hàng hóa. Sau 2  năm, chị có thu nhập ổn định, sắm được nhiều tiện nghi trong gia đình như: Ti vi, tủ lạnh, xe máy, xây nhà mới. “Nhà nước cho vay vốn, mình phải tự chăn nuôi, chịu khó cắt cỏ cho trâu, chăm sóc đàn lợn. Tiền phải tự mình làm ra thì mới lâu bền, Nhà nước chỉ hỗ trợ một lần thôi” - chị Máy chia sẻ.

Nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, chị Vù Thị Hoa, thôn Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo và xây được nhà kiên cố.
Nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, chị Vù Thị Hoa, thôn Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo và xây được nhà kiên cố.

Chung quyết tâm như chị Máy, năm 2016, anh Hoàng Ngọc Xanh, thôn  Mịch A, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) còn là hộ nghèo. Không bằng lòng với thực tại, anh đã vay mượn bạn bè, người thân, Ngân hàng Chính sách xã hội mua bò nuôi vỗ béo, nuôi lợn, đào ao thả cá. Lợi nhuận thu được từ năm đầu tiên, anh tiếp tục quay vòng đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay anh đã vươn lên trở thành hộ khá với thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Trong chuồng lúc nào cũng có 5 – 7 con bò nuôi vỗ béo, trên 10 con lợn, ao cá cho thu hoạch hàng năm.

Trao đổi với chúng tôi về sự vào cuộc của người dân trong công tác giảm nghèo, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, Củng Thị Mẩy, chia sẻ: “Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống thì vấn đề cốt lõi là khơi dậy ý chí vươn lên của hộ nghèo. Huyện Bắc Mê chú trọng đồng hành cùng người nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo và tạo sinh kế giúp người nghèo nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 38,73% (năm 2015) xuống còn 25,88% (năm 2020), đạt 130% mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH Phạm Ngọc Dũng, cho biết: Những năm qua, công tác giảm nghèo được các cấp, ngành đổi mới, linh hoạt trong triển khai thực hiện, từ hình thức cho không sang đầu tư có thu hồi, luân chuyển, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách, khơi dậy sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân. Nhờ vậy, tỷ lệ tái nghèo giai đoạn 2016 – 2020 giảm đảng kể so với giai đoạn trước.

BÀI, ẢNH: BIỆN LUÂN

Kỳ cuối: Định hướng trong giai đoạn mới

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Phong Quang hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới

BHG - Nằm trong lộ trình về đích xã Nông thôn mới (NTM) năm 2020, đến nay, xã Phong Quang (Vị Xuyên) cơ bản hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM theo đúng lộ trình. 

30/10/2020
Sức trẻ khởi nghiệp trên dòng sông Lô

BHG - Xuất phát từ khát khao và nhiệt huyết của tuổi trẻ, luôn mong muốn biến những khó khăn thành cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương, đoàn viên Trần Tuấn Minh cùng một số người bạn mạnh dạn đầu tư thành lập HTX Huỳnh Minh phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Lô.

 

29/10/2020
Tùng Bá phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế

BHG - Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xây dựng Đảng là then chốt; những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên) luôn quan tâm tạo điều kiện phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu và vận động, tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

28/10/2020
Hội nghị giải ngân nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới

BHG - Sáng 28.10, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến các bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn năm 2020. Dự tại điểm cầu Hà Giang có đại diện một số sở, ngành liên quan.

 

28/10/2020