Hà Giang

Hợp tác xã Hoa Bạc Hà chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm

10:57, 30/11/2020

BHG - Bắt đầu từ tháng 10 dương lịch, hoa Bạc hà vùng Cao nguyên đá Đồng Văn bắt đầu nở rộ trong khoảng thời gian 2 tháng, đây là nguồn thức ăn chính của ong để có mật ong Bạc hà chất lượng tốt nhất. Yên Minh là một trong những huyện nằm trong vùng nguyên liệu nuôi ong. Nắm bắt được lợi thế trên, HTX Hoa Bạc Hà (Yên Minh) đã tập trung phát triển đàn ong, cũng như sản xuất sản phẩm mật ong đặc biệt này ra thị trường.

Sản phẩm mật ong của HTX Hoa Bạc Hà được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Sản phẩm mật ong của HTX Hoa Bạc Hà được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Với mục đích phát triển nghề ong và phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, cuối năm 2017, HTX Hoa Bạc Hà được thành lập với ngành nghề chính là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay HTX có 12 thành viên tập trung chủ yếu nuôi ong lấy mật; tổng số đàn ong HTX hiện có trên 800 tổ, sản lượng mật hàng năm đạt trên 3.000 lít, các thành viên trong HTX có doanh thu bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX tạo ra dựa trên nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa kiến thức bản địa nuôi ong địa phương và các kỹ thuật nuôi ong tiên tiến đang được áp dụng tại Việt Nam.

HTX Hoa Bạc Hà hiện ở tổ 5 thị trấn Yên Minh, là đơn vị đầu tiên của huyện có sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, với 3 mẫu đóng chai có thể tích 100 ml, 250 ml và 350 ml. Đây là những sản phẩm được thực hiện chung quy trình nuôi ong để đảm bảo chất lượng mật và chỉ thu mật vào mùa hoa Bạc hà; đàn ong được lựa chọn đặt ở những nơi có nguồn hoa Bạc hà nhiều nhất, kết hợp bảo vệ cây Bạc hà khi đến vụ, không đặt ở những nơi ô nhiễm và việc nuôi ong phải bằng mật hoa tự nhiên, không nuôi bằng đường, tạp chất… Để cung cấp ra thị trường sản phẩm mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng, HTX đã phổ biến nhận thức về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập huấn kiến thức về phương pháp chăm sóc đàn ong trước khi vào vụ khai thác, cách phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm mật ong tới tất cả các thành viên. Để đạt các chứng nhận HACCP, VietGAP, HTX luôn tuân thủ các quy trình chăn nuôi, sơ chế, đóng chai, tiêu thụ. Tất cả các sản phẩm trên của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2019.

Anh Hà Văn Ngọc, thành viên HTX Hoa Bạc Hà chia sẻ: Từ khi tham gia HTX chúng tôi đều được tập huấn các quy trình, kỹ thật nuôi và khai thác mật. Ngay từ khai thác mật, phải đảm bảo khi nào trên sáp ong tất cả đều vít nắp mật và vào những ngày nắng ấm mới thực hiện quay mật, không quay trong những ngày mưa hay sương mù, rét; mật khi quay xong phải được lọc tạp chất. Sau đó mật được chuyển về đơn vị sản xuất sẽ tiếp tục được lọc lại một lần nữa đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tạp chất trong quá trình quay mật. Đồng thời được đưa vào máy hạ thủy phần đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Bạc hà của Hà Giang do Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận.

Giám đốc HTX Hoa Bạc Hà, Nguyễn Văn Cương cho biết: Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, HTX luôn quan tâm giữ vững các tiêu chí, tập trung vào chất lượng, bởi đây là yếu tố quyết định sự thành bại của sản phẩm trên thị trường. Để tạo dựng điểm khác biệt của sản phẩm, HTX đã quan tâm xây dựng thương hiệu một cách bài bản; cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương mà HTX đã nhanh chóng hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu, làm tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giới thiệu sản phẩm mật ong ra thị trường… Cùng với đó, HTX còn chú trọng đến chất lượng mật ong, cam kết bán mật ong Bạc hà nguyên chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, HTX luôn ý thức được sự quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và giữ cho giá thành được đảm bảo. Trong năm 2020, HTX tiếp tục phấn đấu nâng từ 3 sao lên 4 sao đối với 2 hũ mật ong Bạc hà 250ml và 350ml.

Bài, ảnh: HỒNG CỪ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khẳng định vai trò trong phát triển KT – XH

BHG - Với sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, các HTX đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT – XH chung của tỉnh. Trước thềm Đại hội đại biểu Liên minh HTX tỉnh khóa V, nhiệm kỳ 2020 – 2025, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

 

30/11/2020
Mô hình cá - lúa - vịt

BHG - Bằng việc tận dụng diện tích ruộng sẵn có, mô hình cá – lúa – vịt đã mang lại lợi ích kép. Với việc giảm chi phí cho chăn nuôi, tiết kiệm diện tích và tận dụng được các thức ăn sẵn có từ đồng ruộng. Các sản phẩm cá, vịt nuôi theo phương thức tự nhiên có giá từ 120 – 150 nghìn đồng/ kg, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân; đảm bảo tính an toàn sinh học và là giải pháp hữu hiệu cho việc ngăn chặn sử dụng thuốc trừ sâu và các thuốc phun khác cho cây lúa… Qua đó, tạo nên môi trường sản xuất an toàn, thân thiện và sinh thái trong chăn nuôi.

 

30/11/2020
Xây dựng lực lượng Kiểm lâm tinh thông nghiệp vụ

BHG - Tỉnh ta có tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp lớn, chiếm 72,7% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, tương tương gần 576,3 nghìn ha; trong đó, trên 459,8 nghìn ha đất có rừng. Hơn nữa, tỉnh ta có trên 277 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc. Khu vực giáp biên chủ yếu là rừng tự nhiên, có chức năng đặc dụng, phòng hộ và là nơi bảo tồn nguồn gen quý hiếm của vùng núi phía Bắc Việt Nam.

28/11/2020
Người mang giống gà đen về Đồng Tâm

BHG - Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm cùng sự năng động, niềm đam mê của tuổi trẻ, thanh niên Đặng Văn Thừa, thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi gà đen thương phẩm. Anh là một trong những tấm gương tiêu biểu cho tuổi trẻ có ý chí vươn lên làm giàu trên vùng đất khó.

 

28/11/2020