Phụ nữ xã Thanh Thủy tích cực phát triển kinh tế

09:02, 30/09/2020

BHG - Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nhiều gia đình thuộc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) điêu đứng khi chứng kiến cả đàn lợn bị tiêu hủy. Nhưng nay, phụ nữ xã vùng biên với sự kiên cường, nỗ lực đã có nhiều cách làm hay, vươn lên gây dựng kinh tế gia đình và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Mô hình trồng na của gia đình chị Nông Thị Hằng, thôn Nà Sát.
Mô hình trồng na của gia đình chị Nông Thị Hằng, thôn Nà Sát.

Từng có một đàn lợn to, đẹp và được xem là một hộ khá của thôn với việc làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn đen. Tại thời điểm bùng phát dịch, toàn bộ đàn lợn với gần 40 con cả to, nhỏ của gia đình chị Lý Thị Quả, thôn Cóc Nghè, xã Thanh Thủy đều bị đem đi tiêu hủy; tưởng chừng đây là dấu mốc cho sự lụi bại kinh tế của gia đình. Chị Quả tâm sự: “Công nuôi, công chăm sóc, tiền cám và tại thời điểm giá lợn đang ở mức cao, thì đàn lợn bị mang đi tiêu hủy khiến cả nhà ứa nước mắt. Nhưng, xác định sẽ khôi phục lại và đảm bảo không cho dịch tái phát, dưới sự hướng dẫn, quan tâm sát sao của thôn và cán bộ xã, gia đình đã tiến hành đầy đủ các bước tiêu độc, khử trùng và tiếp tục tái đàn. May mắn, với việc thực hiện đúng và đảm bảo đủ các điều kiện về vệ sinh, hiện gia đình đã có hơn 20 con lợn phát triển tốt. Bên cạnh tái đàn lợn, gia đình cũng chăn nuôi thêm dê, gà và trồng rau… Qua đó giúp kinh tế gia đình dần phục hồi”.

Không chạy theo xu hướng của thị trường và không nghe những lời dụ dỗ của nhiều người vượt biên đi làm thêm. Trên mảnh đất quê hương, tuy còn nhiều khó khăn, chị Nông Thị Hằng, thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy đã tìm và phát triển những cây thế mạnh của địa phương. Chị Hằng chia sẻ: “Được sinh ra và lớn lên tại nơi từng mưa bom, lửa đạn và ở một thôn vùng cao, khó khăn. Để vượt khó đi lên, trang trải cho những bữa ăn hàng ngày của gia đình, bản thân đã mày mò thử nghiệm trồng và chăn nuôi nhiều loại. Ban đầu nuôi, trồng mỗi loại một ít, nhưng sau nhiều năm, gia đình đã chọn ra những loại cây, con chính như tập trung trồng na; phát triển nuôi trâu, lợn, gà… Hiện, mỗi vụ na cho thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng; trên 20 triệu đồng tiền bán gia súc, gia cầm. Từ đó, kinh tế ổn định, thu nhập đủ chi trả cho học phí của các con và sinh hoạt của gia đình”.

Là nơi xây dựng và chắp cánh cho những ước mơ, với phương châm “Quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp” trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Thanh Thủy đã trở thành cầu nối, là nguồn động viên giúp phụ nữ xã vùng biên đi lên phát triển kinh tế. Nói về những chính sách, cơ chế, những điều kiện để phụ nữ xã yên tâm phát triển, chị Nông Thị Luyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Với địa hình khó khăn và đặc điểm là xã biên giới, để chị em có thể tự làm giàu, phát triển kinh tế hộ, xã và Hội đã tích cực tuyên truyền cũng như triển khai các mô hình mới, tạo sự đa dạng; phát triển những nghề truyền thống như: Chăn nuôi lợn, dê; trồng cây ăn quả… thông qua việc hỗ trợ giống cây, con. Tìm tòi hướng đi mới cho hội viên và đặc biệt vận động hội viên tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn vay hiện nay đã lên đến hơn 3 tỷ đồng… Qua đó, giúp hội viên phát triển kinh tế, làm giàu quê hương và hạn chế tình trạng vượt biên trái phép đi làm thêm ở nước ngoài…”.

Nhằm tiếp tục đáp ứng cho hơn 425 hội viên tại 7 chi hội phát triển kinh tế và tạo hướng đi mới, Hội Phụ nữ xã đã đưa ra kế hoạch cụ thể trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo với việc rà soát tới từng chi hội những hội viên còn khó khăn, có mong muốn làm giàu để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ; nhân rộng việc trồng cây ăn quả như mận, na; phát triển cây lúa nương tại 4 thôn vùng cao; nhân rộng mô hình nuôi dê sinh sản và nuôi lợn đen với quy mô lớn…

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Cùng chuyên mục

"Đầu tàu" thi đua yêu nước

BHG - Quan tâm đổi mới nội dung và hình thức, chú trọng xây dựng điển hình tiên tiến, làm tốt công tác khen thưởng là cách làm hay và hiệu quả giúp phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện Quản Bạ phát triển rộng khắp trên các lĩnh vực.Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về thi đua yêu nước, 5 năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Quản Bạ đã đẩy mạnh phong trào thi đua đi vào thực chất, hiệu quả; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH...

29/09/2020
"Bà đỡ" cho nông dân Xín Mần

BHG - Xác định vai trò "doanh nhân là người lính thời bình" và sứ mệnh kiến thiết nước nhà như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới công thương; trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH – Tổng công ty Gia Long (Xín Mần) luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất cùng, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.

 

29/09/2020
Đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp năm 2020

BHG - Nhằm nắm bắt, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách xuất, nhập khẩu (XNK), chiều 28.9, tại trụ sở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Cục Hải quan tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp năm 2020. Dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, đại diện các doanh nghiệp, tư thương tham gia hoạt động XNK trên địa bàn. 

28/09/2020
"Tấc đất, tấc vàng" của tỷ phú người Mông

BHG - Tháng 10 tới, ông Sùng Diu Sì – đại biểu duy nhất của tỉnh vinh dự được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý: "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Niềm vui này nhanh chóng lan tỏa đến cộng đồng người Mông nơi ông sinh sống – thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang). 

28/09/2020