Bứt phá trong giảm nghèo nơi địa đầu Tổ quốc - Kỳ đầu: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị

14:36, 06/09/2020

BHG - Gần 6 năm đi vào cuộc sống, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (TDCSXH) đã kết tinh giá trị nhân văn nơi địa đầu Tổ quốc.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân xã Quang Minh (Bắc Quang) đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.                                          Ảnh: THU PHƯƠNG
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân xã Quang Minh (Bắc Quang) đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả. Ảnh: THU PHƯƠNG

Ngày 22.11.2014, Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 40 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH”. Đây là chủ trương thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với việc ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo; nhằm tạo điều kiện giúp họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Từ đó, góp phần tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, tích cực thực hiện mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển KT-XH.

Để thực hiện chỉ thị này, tỉnh ta đã thể hiện sự lãnh, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động TDCSXH; nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) đối với hoạt động TDCSXH theo phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Việc đảm bảo hoạt động xuyên suốt về TDCSXH trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của các cấp, ngành. Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò, vị trí của TDCSXH, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện hiệu quả các nguồn lực để tổ chức triển khai tốt TDCSXH trên địa bàn. Điều đó được thể hiện thông qua việc hàng năm bố trí ngân sách địa phương các cấp, chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để bổ sung vốn ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Theo đó, tổng ngân sách tỉnh và 11 huyện, thành phố đã chuyển 73,3 tỷ đồng sang NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố để cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Quang trao đổi nghiệp vụ.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Quang trao đổi nghiệp vụ.

Đặc biệt, NHCSXH tỉnh đã phối hợp, thành lập 193 điểm giao dịch tại trụ sở UBND 193 xã, phường, thị trấn. Từ đó, tiết giảm chi phí xã hội và tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân dễ dàng giao dịch và thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi. Tại những điểm giao dịch này, các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai; người vay giao dịch trực tiếp với cán bộ NHCSXH vào ngày cố định trong tháng để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ khoản vay trước sự chứng kiến của Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), đại diện tổ chức CT-XH nhận ủy thác và chính quyền sở tại. Nhờ đó, hạn chế việc thất thoát, tham ô, lợi dụng tiền vốn; tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Mặt khác, Tỉnh ủy còn chỉ đạo UBND tỉnh đôn đốc đơn vị hữu quan điều tra, rà soát, thống kê, xác nhận hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Trên cơ sở đó, chỉ đạo NHCSXH tỉnh thường xuyên rà soát đối tượng cho vay, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, phấn đấu 100% đối tượng chính sách có nhu cầu đều được vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động TDCSXH, các tổ chức CT-XH đã tham gia trực tiếp vào Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban đại diện HĐQT của NHCSXH các cấp; vừa đại diện cho đoàn thể, vừa trực tiếp chăm lo cho đối tượng thuộc đơn vị mình quản lý. Không những vậy, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên được củng cố, kịp thời kiện toàn, đảm bảo công tác chỉ đạo triển khai TDCSXH một cách liên tục, thông suốt, hiệu quả. Việc kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT các cấp và hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của NHCSXH đã góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phát huy tính chủ động trong công tác, phòng ngừa sai phạm, kịp thời xử lý tồn tại, hạn chế trong hoạt động TDCSXH. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức CT-XH nhận ủy thác các cấp được thực hiện thường xuyên, đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả; từng bước đưa chất lượng hoạt động ủy thác đi vào nền nếp...

Hơn nữa, công tác phối hợp giữa các tổ chức CT-XH với NHCSXH được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ; nhất là việc xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV ở cơ sở. Tính đến đầu tháng 7.2020, các tổ chức CT-XH, gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đã nhận ủy thác với doanh số cho vay lên đến gần 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ cho vay ủy thác qua 4 tổ chức CT-XH này đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 99,8%/tổng dư nợ tại NHCSXH tỉnh. Nguồn vốn TDCSXH trên đã giúp 84.785 hộ vay tại 2.605 Tổ TK&VV có vốn để sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng cuộc sống. Đáng lưu ý, chất lượng tín dụng tại các Tổ TK&VV từng bước được nâng cao; đây chính là khâu then chốt để nâng cao chất lượng TDCSXH tại các đơn vị nhận ủy thác. Do vậy, trong tổng số 2.605 Tổ TK&VV trên phạm vi toàn tỉnh, chất lượng Tổ TK&VV xếp loại trung bình, yếu kém chỉ chiếm 4,3%; riêng loại tốt chiếm đến 83%, còn lại là Tổ TK&VV xếp loại khá. Nếu như năm 2014, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,67% thì nay, nợ quá hạn chỉ còn 0,12%/tổng dư nợ ủy thác. Kết quả này thực sự là nỗ lực rất lớn của NHCSXH tỉnh và các đơn vị nhận ủy thác…

Thực tế chứng minh, Chỉ thị số 40 chính là chỉ đạo mang tính chiến lược, đột phá của Đảng, Nhà nước trong tổ chức triển khai TDCSXH; trở thành “đòn bẩy” kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Thực hiện Chỉ thị số 40 chính là làm tốt công tác dân vận ở cơ sở nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... Kết quả trên đã phần nào chứng minh sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị nơi địa đầu Tổ quốc đối với hoạt động TDCSXH, để tạo nên những thành quả trân quý.

    Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Kỳ cuối: Giá trị nhân văn từ tín dụng chính sách


Cùng chuyên mục

Bắc Quang cần "cú hích" mới

BHG - Trong 5 năm tới, Bắc Quang quyết tâm cao để đưa 12 xã còn lại hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Công việc bộn bề, nguồn lực đầu tư từ Nhà nước còn hạn chế, chỉ có quyết tâm chính trị là chưa đủ, vì vậy lời giải cho bài toán này cần một "cú hích" đủ lớn để tạo ra nguồn lực thúc đẩy phong trào xây dựng NTM ở Bắc Quang.

 

31/08/2020
Thu tiền tỷ từ nuôi lợn địa phương

BHG - Chọn chăn nuôi lợn đen địa phương theo hướng hàng hóa với quy mô lớn để phát triển kinh tế, HTX tiểu thủ công nghiệp Minh Hậu (HTX Minh Hậu), thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đã và đang cho thấy hướng đi đúng khi lợi nhuận thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

31/08/2020
Bắc Quang tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

BHG - Bằng các giải pháp cụ thể, huyện Bắc Quang đang từng bước xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư phát triển kinh doanh. Từ Chương trình hành động số 185 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16.5.2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; UBND huyện Bắc Quang đã triển khai nhiệm vụ trọng tâm là cải cách hành chính (CCHC) và cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN phát triển.

 

31/08/2020
Yên Minh tập trung chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại

BHG - Những năm gần đây, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Minh đã mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng tập trung với quy mô trang trại, gia trại; không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là hướng đi thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hóa hiệu quả; góp phần xoá đói, giảm nghèo ở địa phương.

 

31/08/2020