Hà Giang

Phát triển thuỷ sản theo chuỗi nông nghiệp "tuần hoàn"

10:12, 05/08/2020

BHG - Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của huyện Bắc Quang hiện có trên 960 ha; sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 350 tấn. Tuy nhiên, sự phát triển chưa tương xứng tiềm năng…

HTX Huỳnh Minh, xã Tân Thành nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Thủy điện Sông Lô 4.
HTX Huỳnh Minh, xã Tân Thành nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ Thủy điện Sông Lô 4.

Tiềm năng lớn

Bí thư Đảng ủy xã Vô Điếm, Vũ Đình Tuyên cho biết: Diện tích ao, đập thả cá của xã là gần 250 ha. Tuy nhiên, người dân cũng chỉ dừng lại ở việc nuôi cá với mục đích chủ yếu để cải thiện đời sống hàng ngày. Trong xã chưa có mô hình hoặc chưa có gia đình nào chuyên nuôi cá hàng hoá và làm giàu từ nghề nuôi cá. Tương tự như vậy, theo Bí thư Đảng uỷ xã Kim Ngọc, Lục Hải Xuyến khi dẫn tôi đi thăm các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của Kim Ngọc cũng nhận xét: Nghề nuôi cá ở Kim Ngọc mới chỉ dừng lại ở một vài mô hình, mặc dù tiềm năng phát triển nghề nuôi cá tại các ao, đập trong xã là rất lớn. Đối với ông Trần Đình Tuyên, Giám đốc HTX nuôi cá lồng bè trên sông Lô tại khu vực thị trấn Vĩnh Tuy thì rãi bày: Sau gần 5 năm thành lập tổ nuôi cá lồng, rồi nâng cấp thành HTX nuôi cá lồng bè đặc sản (cá Chiên, Lăng chấm), HTX vẫn bế tắc về đầu ra cho sản phẩm…

Bắc Quang được ví là rốn mưa của tỉnh và độ che phủ rừng của huyện hiện đạt trên 65%. Lượng mưa lớn, phù du giàu có; sông, suối, đập nước, ao, hồ nhiều… Thế nhưng, vì sao chưa có gia đình nào tận dụng được tiềm năng đó để phát triển nghề cá. Anh Nguyễn Ngọc Khánh, thôn Mâng, xã Kim Ngọc cho biết: Gia đình anh có 4 ao với diện tích hàng ngàn mét vuông, đủ điều kiện thả cá và anh đã đầu tư vốn nuôi cá, từ ương cá giống đến nuôi cá thương phẩm bán ra thị trường. xong khó khăn mà anh Khánh luôn gặp là, khó tiếp cận vốn đầu tư và khó tiêu thụ sản phẩm vì chỉ bán sỉ cho thương lái; lượng bán mỗi lứa thu hoạch lại nhỏ lẻ, thời gian thu hoạch kéo dài gây hao hụt sản lượng cá mỗi khi thu hoạch. Nói một cách khác, nuôi cá ở Kim Ngọc “không có thì thiếu, mà có thì thừa”. Hơn nữa, cá nuôi cả tấn/lứa lại chỉ bán tươi sống, không bán được khi cá đã chết và cũng chưa có cách nào chế biến để bảo quản cá sau mỗi kỳ tháo ao, đánh bắt. Không khác anh Khánh ở thôn Mâng, anh Triệu Văn Khương, thôn Minh Tường, xã Kim Ngọc cũng luôn bế tắc về khâu tiêu thụ sản phẩm tươi sống từ nghề nuôi cá trong 3 đập lớn của gia đình. Giá bán cá của anh luôn luôn bị tư thương ép giá, thời gian thu hoạch kéo dài ngày, sản lượng cá hao hụt nhiều. Lý do khó có thể phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông Lô của HTX nuôi cá lồng của ông Trần Đình Tuyên tại thị trấn Vĩnh Tuy cũng tương tự anh Khánh, anh Khương xã Kim Ngọc.

Khó khăn để thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy, hải sản ở Bắc Quang hiện vẫn là vốn đầu tư và tiêu thụ sản phẩm?

Đặt câu hỏi: Khó về vốn thì vay vốn ưu đãi theo các chương trình, nghị quyết của tỉnh; khó tiêu thụ cá tươi sống số lượng lớn thì quay sang chế biến cá thành nhiều sản phẩm khác nhau để đưa tới tay người tiêu dùng cả nước như các tỉnh sông nước ở miền Tây Nam Bộ vẫn làm. Có nghĩa, nghề nuôi cá thương phẩm hiện nay phải đi kèm theo “một làng nghề” chuyên chế biến thủy sản để giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Cá làm mắm, cá khô, cá cấp đông,... sẽ là những sản phẩm có thể bảo quản lâu và phù hợp thị hiếu tiêu dùng của rất nhiều người. Làm được điều đó, sẽ thúc đẩy được nghề nuôi trồng thuỷ sản tại Bắc Quang phát triển theo nhiều góc độ; tạo cơ hội cho phát triển làng nghề, như: tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của điạ phương; tạo ra một nghề mới là chế biến thủy sản sau thu hoạch; giúp người nông dân đa dạng hoá sản phẩm, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và dần hình thành các làng nghề để thu hút khách du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Xu hướng du lịch làng nghề để trải nghiệm đã, đang là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn hiện nay cũng như mai sau; bởi vì, mở ra ngành du lịch nông nghiệp tuần hoàn là chúng ta đưa du khách đến trực tiếp về nông thôn, khách tham gia trải nghiệm trực tiếp với người sản xuất và khách với chủ nhà cùng chế biến các sản vật làm ra từ đồng ruộng, ao, hồ mang đến bàn ăn. Du lịch nông nghiệp là kéo người tiêu dùng đến thẳng với người nông dân trực tiếp sản xuất, đưa các sản phẩm làm ra đến tận tay người tiêu dùng, bỏ qua khâu trung gian. Cách làm này đang tạo ra một xu thế du lịch mới đối với giới trẻ trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Giải pháp thúc đẩy

Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để người nông dân tiếp cận vốn vay đầu tư sản xuất sao cho đơn giản nhất, dễ tiếp cận nhất là trách nhiệm của các cấp chính quyền. Thực tế triển khai các nghị quyết của tỉnh hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm làm ra thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời. Ví dụ: Ở Hà Giang, đến giờ phút này có rất ít các sản phẩm được người tiêu dùng cả nước biết đến, như: Chè Hoàng Su Phì, mật ong Bạc hà trên Cao nguyên đá Đồng Văn, cam Sành Bắc Quang, gạo Già dui ở Xín Mần, gạo Khẩu mang ở Đồng Văn...

Còn tại địa bàn huyện Bắc Quang, sản phẩm nổi tiếng xưa, nay vẫn chỉ dừng lại ở thương hiệu cam Sành; tuy nhiên, cam Sành hiện mấy năm nay cũng khó tiêu thụ vì rất nhiều lý do. Sản xuất của ta đang yếu, đang thiếu về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Tiềm năng và khả năng thúc đẩy phát triển thủy sản còn chậm và đang bỏ lỡ thời cơ. Sản lượng ít, chăn nuôi nhỏ lẻ và phụ thuộc vào thương lái nên chưa kích thích được sản xuất. Các sản phẩm nuôi trồng thuỷ, hải sản nói riêng ở Bắc Quang không có chỗ đứng trên thương trường vì chưa có đầu tư hỗ trợ phát triển, chưa tạo ra chuỗi giá trị kinh tế. Đồng nghĩa với điều đó, Bắc Quang đang bỏ lỡ thời cơ, bỏ phí tiềm năng phát triển thuỷ sản được xem là lợi thế hiện nay. Muốn chiếm được lợi thế trong phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản thì Bắc Quang phải rà soát, phân vùng lại. Tiếp đó là từng bước tổ chức lại sản xuất hợp lý và hỗ trợ đầu tư phát triển nghề nuôi, làng nghề chế biến, hỗ trợ nông dân đăng ký thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối tiêu dùng.

 Tạo ra chuỗi giá trị nuôi trồng thuỷ sản theo xu hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn sẽ là tạo ra hàng ngàn việc làm và nâng cao đời sống cho hàng vạn lao động sống bằng nghề nghề nông đang khó tìm kiếm công ăn, việc làm hiện nay. Thúc đẩy được phát triển nghề nuôi trồng thủy, hải sản theo chuỗi sẽ giúp Bắc Quang phát triển nền sản xuất nông nghiệp có giá trị cao, bền vững tương ứng tiềm năng và thế mạnh địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Cùng chuyên mục

Hỗ trợ nông thôn miền núi phát triển

BHG - Hiện nay, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Hà Giang đang phát huy hiệu quả; giúp huyện Quản Bạ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn. Nhiều hộ dân vùng nông thôn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập.

31/07/2020
Đồng hành cùng nhà nông

BHG - Mặc dù hoạt động trên vùng đất khó khăn nhất của tỉnh, việc huy động và duy trì nguồn vốn đối với ngân hàng huyện là việc không dễ; song được sự giúp đỡ của Agribank tỉnh, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên Agribank Đồng Văn,… 

31/07/2020
Thay thế máy biến áp tại Trạm 110kV Yên Minh đảm bảo cấp điện cho 4 huyện vùng cao

BHG - Vừa qua, Công ty Điện lực Hà Giang phối hợp cùng các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã thí nghiệm, thay thế và đóng điện thành công máy biến áp T1 25MVA-115/38 tại Trạm 110kV Yên Minh.

31/07/2020
Xín Mần tái phát dịch tả lợn châu Phi

BHG – Ngày 31.7, UBND huyện Xín Mần cho biết, trên địa bàn huyện đã có 8 con lợn của 5 gia đình tại thôn Quán Thèn, xã Thèn Phàng và thôn Díu Thượng, xã Bản Díu có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Số lợn đã tiêu hủy là 10 con với tổng trọng lượng 476 kg.

31/07/2020