Nông nghiệp khởi sắc từ tái cơ cấu

10:25, 05/08/2020

BHG - Qua tái cơ cấu (TCC), ngành Nông nghiệp (NN) đã đảm bảo sinh kế cho 85% dân số khu vực vùng nông thôn; an ninh lương thực được đảm bảo, bình quân đạt 473 kg/người.

Người dân xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa.
Người dân xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) sử dụng máy gặt thu hoạch lúa.

Đề án (TCC) ngành NN tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020 nhận diện rõ thực trạng: Sản xuất NN đang mất cân đối trong nội bộ ngành. Những lĩnh vực mang tính lợi thế cạnh tranh cao chưa được tập trung phát triển mạnh trong cơ cấu. Tốc độ tăng trưởng của ngành NN có xu thế giảm dần bởi việc tăng trưởng NN theo chiều rộng (mở rộng diện tích sản xuất, tăng vụ) mà chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu của tỉnh. Hơn nữa, việc tăng nhanh sản lượng nông sản nhưng không cải tiến chất lượng, gắn kết với thị trường tiêu thụ; khiến giá trị thu nhập chưa cao. Mặt khác, vốn đầu tư cho ngành NN còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả như mong muốn...

Từ những lý do trên, yêu cầu cấp thiết đối với ngành NN là điều chỉnh toàn diện về cơ cấu phát triển, tổ chức và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của tỉnh và cả khu vực Trung du miền núi phía Bắc; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm NN dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Và nay, sau chặng đường TCC, ngành NN của tỉnh đã có bước phát triển tiến bộ. Minh chứng điển hình cho thấy, tỉnh đã xác định 6 cây, con chủ lực có thế mạnh, lợi thế so sánh để thực hiện TCC ngành NN, gồm: Cam, chè, dược liệu, trâu, bò, ong. Trên cơ sở đó, tập trung sản xuất thành hàng hóa theo chuỗi giá trị; tiêu chuẩn an toàn và theo tín hiệu thị trường gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đến nay, một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa có sản lượng đủ lớn và thị trường tiêu thụ ổn định, như: Cam, chè, mật ong Bạc hà. Trong đó, cam Sành được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý đối với 38 xã, thị trấn thuộc 3 huyện trọng điểm về cam là: Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Toàn tỉnh đã có trên 4,2 nghìn ha cam Sành/3.554 hộ trồng cam được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm 84,16% diện tích cho sản phẩm. Đặc biệt, năm 2019, giá trị sản xuất cam đạt trên 990 tỷ đồng, chiếm 14,8% giá trị ngành trồng trọt... Riêng cây chè, toàn tỉnh hiện có 17,9 nghìn ha cho sản phẩm trên tổng diện tích hơn 20,6 nghìn ha. Trong đó, diện tích chè được chứng nhận VietGAP và hữu cơ chiếm đến 61,25%. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt khoảng 65.000 tấn búp tươi. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành chè đem lại 654 tỷ đồng, chiếm 9% giá trị của ngành trồng trọt. Không những vậy, nhiều diện tích chè Shan tuyết thuộc địa bàn 5 huyện trọng điểm, gồm: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình đã được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Chè Shan tuyết Hà Giang. Đặc biệt, nhiều sản phẩm như: Chè đen, chè xanh, chè vàng, chè Phổ Nhĩ,… đã có mặt tại thị trường hơn 20 quốc gia; góp phần khẳng định vị thế, uy tín chè Hà Giang trên thị trường quốc tế.

Cùng với cây cam, chè, tỉnh ta đã ban hành Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 cùng nhiều chủ trương quan trọng khác. Trên cơ sở đó, đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành một trong 6 “trụ cột” TCC ngành NN. Và nay, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh lên đến 290 nghìn con; trong đó, đàn trâu tăng 5,8%, đàn bò tăng 20,9% so với năm 2015. Đặc biệt, theo giá hiện hành năm 2019, giá trị sản xuất chăn nuôi trâu, bò đạt trên 600 tỷ đồng, chiếm 22% giá trị ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, nghề nuôi ong được duy trì ở các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì – nơi có nhiều nhóm cây tự nhiên như Bạc hà, hoa dại. Với lợi thế này, tỉnh đã  kịp thời ban hành kế hoạch bảo tồn, phát triển giống ong nội và xây dựng thành công quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Bạc hà. Đến nay, toàn tỉnh có 74 cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong với gần 52.300 tổ; sản lượng mật sản xuất hàng năm đạt trung bình gần 250 tấn; trong đó, sản lượng mật ong Bạc hà đạt trên 170 tấn. Đặc biệt hơn, sản phẩm mật ong Bạc hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” và có thị trường tiêu thụ khá ổn định…

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, Phùng Viết Vinh, cho biết: Tỉnh ta đã xây dựng và ban hành được các kế hoạch để thực hiện đề án theo lộ trình hàng năm và từng chỉ tiêu cụ thể. Đặc biệt là việc ban hành chính sách để khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư vào NN, nông thôn, như: Nghị quyết 209, 29, 86 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất NN hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hình thành các tổ chức sản xuất trong NN để tổ chức lại sản xuất cho nông dân, như hợp tác xã, tổ hợp tác... Qua TCC ngành NN đã thực hiện tốt vai trò đảm bảo sinh kế cho 85% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. An ninh lương thực trên địa bàn được đảm bảo; sản lượng lương thực đạt 40,62 vạn tấn (năm 2019), bình quân lương thực đầu người đạt khoảng 473 kg. Cùng với đó, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao giá trị bình quân thu nhập/đơn vị diện tích đất cây trồng hàng năm, thông qua các chương trình: Dồn điền đổi thửa, đầu tư có thu hồi, cánh đồng mẫu, cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Và nay, giá trị thu hoạch bình quân ước đạt 46,38 triệu đồng/ha.

Dự kiến trung tuần tháng 8 tới, tỉnh ta sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án TCC ngành NN tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở đó, đánh giá thực chất kết quả triển khai thực hiện đề án; phân tích, làm rõ những ưu điểm, hạn chế để đề xuất nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo. Từ đây, kỳ vọng tiếp tục nâng cao giá trị và sự đóng góp của ngành NN trong phát triển KT-XH của tỉnh – Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, Phùng Viết Vinh chia sẻ thêm.

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Xín Mần tái phát dịch tả lợn châu Phi

BHG – Ngày 31.7, UBND huyện Xín Mần cho biết, trên địa bàn huyện đã có 8 con lợn của 5 gia đình tại thôn Quán Thèn, xã Thèn Phàng và thôn Díu Thượng, xã Bản Díu có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Số lợn đã tiêu hủy là 10 con với tổng trọng lượng 476 kg.

31/07/2020
Đồng hành cùng nhà nông

BHG - Mặc dù hoạt động trên vùng đất khó khăn nhất của tỉnh, việc huy động và duy trì nguồn vốn đối với ngân hàng huyện là việc không dễ; song được sự giúp đỡ của Agribank tỉnh, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên Agribank Đồng Văn,… 

31/07/2020
Hỗ trợ nông thôn miền núi phát triển

BHG - Hiện nay, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Hà Giang đang phát huy hiệu quả; giúp huyện Quản Bạ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn. Nhiều hộ dân vùng nông thôn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập.

31/07/2020
Thay thế máy biến áp tại Trạm 110kV Yên Minh đảm bảo cấp điện cho 4 huyện vùng cao

BHG - Vừa qua, Công ty Điện lực Hà Giang phối hợp cùng các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã thí nghiệm, thay thế và đóng điện thành công máy biến áp T1 25MVA-115/38 tại Trạm 110kV Yên Minh.

31/07/2020