Phát triển dược liệu ở Vị Xuyên

14:56, 01/07/2020

BHG - Mặc dù không được quy hoạch trong vùng phát triển dược liệu của tỉnh, nhưng với lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi; những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các cây dược liệu thế mạnh của vùng, như: Thảo quả, Đinh lăng, Lan kim tuyến, Ba kích tím, Hà thủ ô đỏ, Đương quy, Thất diệp nhất chi mai...

Cán bộ khuyến nông xã Phong Quang kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây Đinh lăng thôn Bản Mán.                                             Ảnh: YẾN VŨ
Cán bộ khuyến nông xã Phong Quang kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây Đinh lăng thôn Bản Mán. Ảnh: YẾN VŨ

Đến thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh hỏi thăm gia đình ông Phạm Văn Sơn thì mọi người ai cũng đều biết; bởi ông là người tiên phong đi đầu trồng cây dược liệu tại địa phương. Cuối năm 2018, ông Sơn mạnh dạn vay vốn và đầu tư gần 1 tỷ đồng để phát triển mô hình trồng cây Ba kích tím dưới tán cây sơn. Ông mua 20.000 gốc cây Ba kích tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh về trồng; sau hơn 1 năm, ông chọn ra những nhánh to khỏe để giâm hom, nhân giống ra 80.000 gốc. Để cây Ba kích tím sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán cây rừng, ông thuê 2 lao động làm giàn leo và thường xuyên làm cỏ, chăm sóc và vun gốc định kỳ 2 – 3 tuần/lần. Ông Sơn cho hay: “Cây Ba kích là cây dây leo ưa ẩm, chịu bóng, thích hợp trồng dưới tán cây rừng. Cây Ba kích ít khi bị bệnh, tuy nhiên có thể xuất hiện một số bệnh, như: Lở cổ rễ, vàng lá trong điều kiện thâm canh cao; do đó, cần xác định mật độ trồng phù hợp để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sử dụng các loại thuốc, chế phẩm sinh học để phòng, trị sâu, bệnh hại cho cây; đồng thời rắc vôi bột xung quanh gốc để chống kiến, chuột. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương thì chỉ mất khoảng 3 – 4 năm trồng là cây Ba kích có thể cho thu hoạch; mỗi gốc cho từ 3 – 4 kg củ, càng để lâu năm, sản lượng càng cao, chất lượng dược liệu càng tốt”.

Không tự đầu tư phát triển trồng cây dược liệu như gia đình ông Sơn, anh Nguyễn Văn Sinh, thôn Bản Mán, xã Phong Quang thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần sáng tạo phát triển nông nghiệp Á Châu (Hà Nội) trồng 3,7 ha cây Đinh lăng từ năm 2019. Anh Sinh cho biết: “Công ty Á Châu bỏ vốn thuê đất, đầu tư cây giống, phân bón và hệ thống tưới tự động; còn gia đình tôi chủ yếu bỏ công trồng, chăm sóc thường xuyên. Loại cây dược liệu này có khả năng chịu hạn, nên phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương. Hiện, cây Đinh lăng đang sinh trưởng và phát triển tốt. Cây trồng từ 3 năm trở lên có thể cho thu hoạch dần, toàn bộ cây Đinh lăng đều có thể khai thác sử dụng (lá, cành, rễ) nhưng giá trị nhất là rễ cây dùng làm thuốc, có công dụng chính là tăng cường sức khỏe, bồi bổ trí lực và thể lực”.

Hiện nay, huyện Vị Xuyên có trên 2.700 ha cây dược liệu các loại; chủ yếu là cây Thảo quả với hơn 2.630 ha. Trong đó, diện tích Thảo quả cho sản phẩm là 1.796,8 ha, năng suất Thảo quả tươi bình quân đạt 14 – 15 tạ/ha, sản lượng quả tươi đạt 2.695 tấn, sản lượng quả khô đạt từ 600 – 670 tấn. Còn lại 50 ha một số loại cây dược liệu khác, như: Đinh lăng, Nghệ, Hòe, Lan kim tuyến, Ba kích tím, Hà thủ ô đỏ, Đương quy, Thất diệp nhất chi mai… Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018 – 2020; xây dựng “Làng văn hóa du lịch gắn với phát triển dược liệu”. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng phương án cụ thể, chủ động lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình 135, chính sách theo Nghị quyết 209, 86 để đầu tư phát triển dược liệu. Bên cạnh đó, huyện cũng mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cây dược liệu cho người dân; đồng thời hỗ trợ hoàn thiện các sản phẩm theo chương trình OCOP (từ phát triển vùng nguyên liệu đến xây dựng mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…), phát triển hoàn thiện sản phẩm dược liệu Thảo quả.

Thời gian tới, đối với diện tích cây Thảo quả hiện có, huyện định hướng không mở rộng diện tích mà tập trung trồng dặm đảm bảo mật độ, cải tạo thay thế bằng giống mới và tăng cường thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng; từng bước chế biến sâu các sản phẩm dược liệu để tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP, như: Thảo quả khô, gừng, nghệ…; tích cực phát triển dược liệu gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng bền vững, đẩy mạnh phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm thu hút các doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu địa phương.

VŨ THÙY LINH (Trường Chính trị tỉnh)


Cùng chuyên mục

Phiên chợ đưa hàng Việt tại Niêm Sơn

BHG - Với chủ đề "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ ngày 29.6 – 2.7, tại xã Niêm Sơn (Mèo Vạc), Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương (Sở Công thương) phối hợp với huyện Mèo Vạc tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về huyện biên giới.

30/06/2020
"Luồng gió mới" trên đất ngoại thành

BHG - Liên kết sản xuất là yêu cầu tất yếu để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, từng bước tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sau 10 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới (NTM), việc liên kết sản xuất đang tạo "luồng gió mới" giúp người dân thành phố Hà Giang nâng cao thu nhập.

 

30/06/2020
Cùng doanh nghiệp vượt đại dịch Covid-19

BHG - Đại dịch toàn cầu Covid-19 khiến hàng chục doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) đóng chân trên địa bàn huyện Bắc Quang bị ảnh hưởng. Hệ lụy kế tiếp là hàng trăm lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc ngừng việc. Tuy nhiên, ngay khi cả nước "Thiết lập trạng thái bình thường mới: Vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH, vừa chống dịch hiệu quả"; cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang trở thành người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.

 

29/06/2020
Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng

BHG - Chiều 29.6, Sở NN&PTNT tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Dự hội thảo có lãnh đạo Sở NN&PTNT, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, hạt kiểm lâm các huyện, các ban quản lý rừng đặc dụng; lãnh đạo các huyện, thành phố.

29/06/2020