Đánh thức Chu Thượng

14:48, 01/07/2020

BHG - Xóm 3, thôn Chu Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang) nằm dọc tỉnh lộ 177 (Bắc Quang – Hoàng Su Phì), có 20 hộ đồng bào Dao đỏ sinh sống. Mùa Hè ở vùng sơn cước này nhiệt độ không vượt quá 30 độ C, thời tiết mát mẻ và lý tưởng cho những hoạt động du ngoạn khám phá...

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ trăm tuổi thôn Chu Thượng.                                                                  Ảnh: T.L
Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ trăm tuổi thôn Chu Thượng. Ảnh: T.L

Nằm ngay dưới Cổng trời 1 khoảng 1 km, lùi ra tuyến tỉnh lộ 177 là lối lên xóm 3, Chu Thượng. Mất gần tiếng đồng hồ leo dốc, bóng dáng những ngôi nhà truyền thống của người Dao đỏ dần hiện ra; bờ rào bao quanh nhà cũng đồng thời là vườn treo rau quả xanh mướt cùng những cây chè Shan tuyết cổ thụ và những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa nước đổ trông tuyệt đẹp. Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Tống Xuân Ngự, bật mí: Xã đã quy hoạch Chu Thượng thành điểm du lịch cộng đồng, phía trên bản Chu Thượng là rừng già ẩn chứa nhiều câu chuyện truyền thuyết về tướng quân Hoàng Vần Thùng giữ nước đời vua Trần Anh Tông. Mộ thờ Hoàng Vần Thùng cũng như giai thoại về sự chôn cất được rất nhiều nhà sử học nghiên cứu đến giờ vẫn chưa có lời giải cuối cùng, càng làm Chu Thượng ẩn chứa bao điều bí ẩn... Ấn tượng nhất với tôi là những gốc chè Shan tuyết to gần một người ôm, thân sù sì già nua bởi địa y bám kín, cành khẳng khưu, tán xoè rộng như những chiếc ô đen của người Dao xuống chợ. Mùa này, chè Shan búp nõn nà, bám vào nách cành đâm ra đón nắng toả hương thơm nhè nhẹ…

 Lối vào nhà ông Triệu Vàn Quấy được quần thể những cây chè già che kín, như dấu trong đó bao điều bí mật. Đón chúng tôi là lão làng nhỏ thon, nhanh như con sóc rừng. Nắm chặt cái bắt tay, ông Quấy nói: “Năm nay, lão tròn 75 tuổi, vừa nghỉ làm Trưởng thôn Chu Thượng sau 12 năm gắn bó với người dân, hàng xóm”. Hiện, quần thể những cây chè cổ thụ ở Chu Thượng còn trên 400 cây và những cây chè này phần lớn thuộc về 3 anh em gia đình họ Triệu đã sống qua mấy đời người. Cụ tổ gìn giữ, bảo tồn và thu hái đám chè cổ thụ là ông Triệu Triều Phú; cuộc đời ông Phú đã gắn bó, thu hái chè, làm ruộng nước và nuôi con cháu khôn lớn. Ông Triệu Triều Phú mất đi, để lại toàn bộ quần thể chè cho 2 con trai kế thừa là ông Triệu Vàn Quấy và Triệu Dào Châu. Đến bây giờ, ông Châu cũng đã về với Tổ tiên sinh ra cây chè và để lại vườn chè cho đứa con trai nối nghiệp thừa kế chăm sóc là ông Triệu Dào Phâu. Ông Quấy bảo, quần thể chè Shan tuyết cổ thụ họ Triệu ở Chu Thượng đã nuôi sống ít nhất 3 đời họ Triệu. Lớn lên từ cây chè, nên cách trồng chè của người Dao là trồng thành rừng, thu hái chè chỉ từ 3 – 4 vụ/năm và chế biến chè của người Dao gồm có: Chè xanh, chè lam ống, chè ủ trong quẩy tấu trên bếp cho lên men; khi uống thì nướng trên bếp than,... rất nhiều cách làm chè giờ đã trở thành nét văn hoá của người Dao được chuyền từ đời này sang đời khác trên vùng sơn cước Chu Thượng. Còn hiện nay, giá bán chè búp tươi của quần thể chè cổ thụ đang được các doanh nghiệp thu mua cao gấp nhiều lần so với giá chè vùng thấp. Ông Quấy cho biết, các cụ xưa bảo rằng, cây chè Shan tuyết càng già, càng giàu dưỡng chất và có lợi cho sức khoẻ con người; vì nó được tích tụ cả trăm năm trên đỉnh núi cao. Nhìn ông Quấy, tuổi đã ngoài 75, sống nhờ từ cây chè, uống nước chè nên rắn chắc và vẫn leo núi, làm ruộng nương, leo cây chè cổ thu hái búp... Cây chè cổ thụ được gia đình họ Triệu coi là bảo vật gia truyền để đời cho con cháu. Cây chè quý lắm cháu ạ. Nói rồi, ông Quấy chắt trà ra chén, một làn hơi nóng mỏng tựa khói lam khi ánh chiều buông bao quanh miệng chén và mùi hương cốm đầu mùa thơm ngậy xộc vào mũi. Ông Quấy cho biết: Cây chè cổ mà gia đình họ Triệu ở Chu Thượng thường chỉ thu hái búp mỗi năm 3 – 4 lứa, lứa thứ nhất cũng là lứa chè ngon nhất được hái vào dịp Xuân sang, lúc cây chè vượt qua mùa Đông lạnh giá bật chồi khi Xuân về. Cây sống nhờ vào dưỡng chất tự nhiện trong đất, hút nước từ rừng già và hút khí chất của trời trên độ cao chừng 1.000 m, tạo ra chất quý chống ô xy hoá, ngừa ung bướu, chống già nua... Chè sạch, nước sạch và không khí sạch là 3 yếu tố để tạo ra chất lượng tốt nhất của chè Chu Thượng. Ông Quấy khẳng định: Người Dao Chu Thượng sống khoẻ là nhờ yếu tố: Uống sạch, ăn sạch và hít thở không khí sạch nên sống thọ, sống khoẻ. Tôi đón chén trà, đưa lên mũi hít nhẹ, rồi nhấp một hụm nhỏ chầm chậm nuốt rồi tĩnh tâm lại thấy mình như trai trẻ. Đúng là trà cổ thụ trăm năm tuổi được pha từ nước sạch chảy ra từ rừng già và đun trên bếp củi vừa đúng độ sôi,... thật tuyệt.

Trong lúc vui vẻ, Trưởng thôn Chu Thượng, Triệu Tràn Phú, khoe: Nhờ quần thể chè cổ thụ xóm 3 mà Công ty trà Hoàng Long đã cho ra sản phẩm chè hữu cơ bán sang châu Âu, châu Mỹ và được thế giới công nhận vào năm 2019, đầu năm 2020. Khi biết tin này, ông Quấy vui lắm. Thật cũng bõ công cho họ Triệu chúng tôi đã gắn bó, bảo tồn quần thể chè suốt mấy đời người. Bây giờ, cây chè cổ thụ được công nhận là loại chè tốt cho sức khoẻ nên cần được gìn giữ cho con cháu, cho loài người sau này phải không cháu? Nói xong, ông Quấy bảo tôi: Ở cách nhà ông chừng 1 km đường đi lên núi cao phía sau nhà còn chừng 4 – 6 cây chè cổ thụ gốc một người ôm. Truyền rằng, những cây chè cổ trên núi có từ đời danh tướng Hoàng Vần Thùng trồng khi chống giặc phương Bắc bảo vệ nước Nam. Tính đến nay đã vài trăm năm tuổi; cây chè cổ trên đó vẫn cho thu hái. Người Chu Thượng luôn bảo vệ những cây chè quý trên núi để mong có ngày nó được công nhận là cây di sản. Bảo tồn được cây chè cổ trên núi là bảo vệ sự sống người Chu Thượng, bảo vệ tài sản quý để con cháu biết quý cây chè, quý truyền thống dân tộc, biết yêu đất nước mình giàu có, tươi đẹp. Khám phá trên núi, bên cạnh những cây chè cổ còn những bàn đá, bàn trà và đầy những lưu truyền huyền thoại về một vị tướng tài thời nhà Trần giúp dân đánh giặc, giữ nước.

Khảo sát, đánh giá về tiềm năng, thế mạnh ở Chu Thượng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Tống Xuân Ngự, cho biết: UBND xã đã quyết định xây dựng xóm 3, thôn Chu Thượng làm điểm xây dựng Nông thôn mới với hình mẫu du lịch khám phá homestay ngay trong năm nay. Mục tiêu xây dựng Chu Thượng là bảo tồn giá trị quần thể những cây chè Shan tuyết cổ thụ trăm tuổi gắn với giá trị lịch sử dân tộc Việt. Xây dựng một vùng chăn nuôi lợn đen, dê núi, cá ruộng và trồng rau, quả ôn đới: Su su, cải nương, bí đỏ, dưa Mán,... cung cấp cho thị trấn Việt Quang, Tân Quang. Tiếp đó là, bảo tồn và khai thác giá trị văn hoá đặc sắc dân tộc Dao đỏ gắn liền văn hoá trà của người Dao đỏ. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm sạch theo hướng OCOP để làm điểm chỉ đạo xây dựng và hoàn thành mục tiêu NTM toàn xã Tân Lập vào năm 2024. 

NGUYỄN HÙNG


Cùng chuyên mục

Phiên chợ đưa hàng Việt tại Niêm Sơn

BHG - Với chủ đề "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ ngày 29.6 – 2.7, tại xã Niêm Sơn (Mèo Vạc), Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương (Sở Công thương) phối hợp với huyện Mèo Vạc tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về huyện biên giới.

30/06/2020
"Luồng gió mới" trên đất ngoại thành

BHG - Liên kết sản xuất là yêu cầu tất yếu để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, từng bước tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sau 10 năm triển khai xây dựng Nông thôn mới (NTM), việc liên kết sản xuất đang tạo "luồng gió mới" giúp người dân thành phố Hà Giang nâng cao thu nhập.

 

30/06/2020
Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng

BHG - Chiều 29.6, Sở NN&PTNT tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Dự hội thảo có lãnh đạo Sở NN&PTNT, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, hạt kiểm lâm các huyện, các ban quản lý rừng đặc dụng; lãnh đạo các huyện, thành phố.

29/06/2020
Công bố số liệu thống kê KT – XH 6 tháng đầu năm 2020

BHG - Chiều 29.6, Cục Thống kê tỉnh tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê KT – XH 6 tháng đầu năm 2020. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và thời tiết diễn biến bất thường, hạn hán xảy ra trên diện rộng, thiên tai, giông lốc, mưa đá xuất hiện ở nhiều địa phương gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và tài sản của nhân dân…

29/06/2020