Hà Giang

Ngày mới ở Đông Rìu

09:05, 03/06/2020

BHG - Chen vào làn sương sớm, chúng tôi tìm về thôn Đông Rìu, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì). Ngày mới ở đây bắt đầu bằng nhiều hoạt động quen thuộc, như: Vun luống, chăm bón, thu hái; cắt cỏ làm thức ăn cho gia súc hoặc chăm sóc đàn lợn, gà… Tất cả tạo nên một bức tranh yên ả tràn đầy sức sống ở một vùng quê đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Mô hình nuôi thỏ của Bí thư Chi bộ thôn Đông Rìu, Lù Seo Trường.
Mô hình nuôi thỏ của Bí thư Chi bộ thôn Đông Rìu, Lù Seo Trường.

Bình minh vừa ló rạng trên rặng núi phía sau bản, bóng dáng người nông dân đã xuất hiện trên mảnh ruộng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa một vụ sang trồng rau chuyên canh. Đang khẩn trương cuốc đất, vun luống để trồng vụ rau mới, anh Tải Seo Đông phấn khởi, cho biết: Nhà tôi có khoảng 300 m2 đất ruộng, trước đây chỉ trồng lúa một vụ, giá trị kinh tế không cao. Cách đây hơn 2 năm, từ sự tuyên truyền của lãnh đạo xã, thôn, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau chuyên canh. Mùa nào thức nấy, trong vườn luôn đủ các loại rau. Sau khi thu hái, gia đình đem bán ngoài chợ huyện, mức thu nhập trung bình đạt khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với trồng lúa trước đây.

Cũng chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang trồng rau; gia đình anh Lương lại lựa chọn trồng bí trái vụ. Anh Lương cho biết: Sau khi tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng và nghiên cứu kỹ mô hình trồng bí trái vụ, tôi đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích 500 m2 của gia đình sang trồng bí trái vụ. Với cách làm này, gia đình tôi gieo giống vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch. Giai đoạn này cần đặc biệt tưới đủ nước cho cây. Đến khoảng tháng 11, 12 thì cây bắt đầu cho thu hoạch ngọn với giá bán bình quân khoảng 5.000 – 7.000 đồng/mớ. Đến tháng 1, 2 năm sau thì cho thu quả đến tận tháng 5. Với cách trồng như vậy, cây được thu hoạch liên tục từ ngọn đến bí bao tử rồi quả già. Mức thu nhập bình quân của gia đình đạt khoảng 5 – 7 triệu đồng/tháng, một con số mà trước đây các hộ nông dân trong thôn ít khi đạt được.

Không tất bật trên cánh đồng để chăm bón rau như nhiều hộ, gia đình anh Tải Sào Sơn lại lựa chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, gia đình anh chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ để lấy sức cày kéo; đến nay, anh phát triển đàn bò của gia đình lên 5 con theo hướng nuôi sinh sản. Tận dụng diện tích đất đồi tạp của gia đình, anh tiến hành trồng cỏ với diện tích khoảng 500 m2 để làm thức ăn cho đàn gia súc. Hàng ngày, mỗi sáng sớm, anh lên đồi cắt cỏ về cho đàn bò. Anh Sơn cho biết: Nuôi bò sinh sản không khó, nhưng phải kỳ công chăm sóc. Bò sinh sản mỗi năm 1 lứa hoặc chậm thì 3 năm 2 lứa. Bê sinh ra cần chăm sóc riêng khoảng 3 ngày là theo mẹ được. Sau 1 năm có thể xuất bán. Khi đó, bê bán cho thương lái làm thực phẩm thường có giá từ 10 - 15 triệu đồng. Bây giờ nhu cầu bò thịt làm thực phẩm cũng rất lớn, nên gia đình tôi hầu như không phải lo đầu ra, nhiều khi thương lái đến tận nhà tìm mua.

Đồng chí Lù Seo Trường, Bí thư Chi bộ thôn Đông Rìu, cho biết: Thôn có 29 hộ, 137 khẩu với gần 100% dân tộc Nùng sinh sống. Trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa, ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng tự cung, tự cấp nên cuộc sống của bà con rất khó khăn, thu nhập bình quân đạt thấp, hộ nghèo chiếm phần lớn. Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ xã về đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chi bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi từ các loại cây trồng truyền thống sang trồng rau chuyên canh. Đối với diện tích đất tạp, chi bộ vận động nhân dân trồng cỏ để chăn nuôi gia súc. Đồng thời, phối hợp với cán bộ xã tích cực tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Từ định hướng của cấp ủy, chính quyền, sự tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên trong chi bộ đã động viên, khuyến khích nhân dân thôn Đông Rìu tích cực phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu, đem lại diện mạo mới no ấm và hạnh phúc cho quê hương.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sơ kết sản xuất nông, lâm nghiệp 5 tháng đầu năm 2020

BHG - Chiều 29.5, các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì Hội nghị trực tuyến với 11 huyện, thành phố sơ kết sản xuất nông, lâm nghiệp 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ Mùa và vụ Đông năm 2020. Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND – UBND tỉnh, các đơn vị trực thuộc sở NN&PTNT.

30/05/2020
Mô hình liên kết chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Lùng Tám

BHG - Khởi nguồn từ Đề án số 10 – ĐA/HU của BTV Huyện ủy Quản Bạ về "Nâng cao hiệu quả liên kết, phát triển kinh tế của nông dân huyện Quản Bạ, giai đoạn 2018 – 2023" được ban hành từ năm 2018. Đến nay, mô hình liên kết chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Lùng Tám (Quản Bạ) bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao; góp phần tích cực vào việc phát triển KT – XH tại địa phương.

 

29/05/2020
Phục hồi sản xuất, chăn nuôi sau đại dịch

BHG - Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, do ảnh hưởng của dịch bệnh Tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 đã khiến cho việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp,… trong đó, việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Từ đầu năm đến nay, tổng đàn trâu trên toàn tỉnh giảm 2,96% so với cùng kỳ; đàn bò giảm 2,22%; đàn lợn giảm 6,79%... Ngoài ra, dịch bệnh cũng tác động đến đầu vào của sản xuất nông nghiệp, như: Thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống…

 

29/05/2020
Thị trấn Vinh Quang vững bước trên chặng đường mới

BHG - Với tiềm năng, lợi thế trung tâm huyện, thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) đang từng ngày "thay da, đổi thịt"; hạ tầng đô thị và dịch vụ thương mại phát triển nhanh, bền vững, "Sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh". Nhiệm kỳ 2015 – 2020, là một trong những dấu mốc cho sự phát triển vượt bậc của thị trấn, nền kinh tế tiếp tục ổn định, tổng mức lưu chuyển hàng hóa đạt 234 tỷ đồng/năm, tăng 57% so với đầu nhiệm kỳ. 

29/05/2020