Hà Giang

Từng bước thay đổi diện mạo nông thôn

09:05, 28/05/2020

BHG - Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, MTTQ, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh.

Người dân xã Tả Nhìu (Xín Mần) thu hoạch mướp đắng rừng.
Người dân xã Tả Nhìu (Xín Mần) thu hoạch mướp đắng rừng.

Xác định nhiệm vụ phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trung tâm trong xây dựng NTM. Vì vậy, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo thu nhập. Đồng thời, ban hành kế hoạch thực hiện để nâng tầm về quy mô, chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu của một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, như: Gạo, mật ong Bạc hà, cam Sành, chè VietGAP, chè hữu cơ, dược liệu và Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh việc phát triển các mô hình sản xuất, nhiệm vụ tái cơ cấu, đổi mới quy mô sản xuất cũng luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình và cách làm hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất, như: Việc thành lập các tổ quản lý điều hành sản xuất tại thôn, bản; phát triển các nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ được thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh triển khai được 987 mô hình phát triển kinh tế; mở trên 1.259 lớp dạy nghề ngắn hạn, đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp với 46.462 người tham gia. Riêng năm 2019, triển khai thực hiện được trên 348 mô hình phát triển kinh tế; nhiều địa phương đã xây dựng phương án liên kết giữa các hộ kinh doanh, doanh nghiệp để phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ; góp phần tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm thực hiện, các huyện đã mở được trên 166 lớp dạy nghề ngắn hạn, đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp giúp cho 6.276 người dân tham gia nâng cao nhận thức về khuyến nông, trồng trọt, chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Trong đó, gắn các tiêu chí giảm nghèo với Chương trình Quốc gia về xây dựng NTM, áp dụng các cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM tại 7 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, như: Trồng cây ăn quả, dược liệu, phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa gắn với trồng cỏ; đẩy mạnh xúc tiến du lịch gắn với tạo sinh kế cho người dân tại các huyện... Cùng với đó, nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đang được các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp trong tỉnh phối hợp với các địa phương và nông dân triển khai thực hiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 31,17%.

Một trong những kết quả tích cực trong quá trình triển khai xây dựng NTM của tỉnh là vai trò chủ thể của người dân đã từng bước được xác lập, nhiều mô hình, phong trào thi đua được triển khai mạnh mẽ. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng NTM đã giúp cho các cấp ủy, chính quyền nâng cao vai trò trách nhiệm và mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của người dân. Các huyện, thành phố đã ban hành nghị quyết, kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện địa phương, tạo thành phong trào xây dựng NTM với khí thế thi đua sôi nổi trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết các xã đã tích cực triển khai chương trình và đạt được nhiều kết quả, như: Phong trào hiến đất, tham gia đóng góp ngày công để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi; phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”; kế hoạch “mỗi tháng một việc”, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2019, các địa phương đã nâng cấp được 2.061 km đường giao thông nông thôn các loại, làm mới đường đất, đá được 920 km; cải tạo, nâng cấp 933 phòng học; xây mới 434 nhà văn hóa thôn; kiên cố hoá được 308 km kênh mương; xây dựng, sửa chữa được 22.039 bể nước; nhân dân hiến trên 1.561.349 m2 đất, đóng góp trên 1.189.718 ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng... Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình là 2.544 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 430,6 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tỉnh có 38 xã đạt chuẩn NTM, bình quân tiêu chí đạt 11,9 tiêu chí /xã; trong đó, các xã thuộc huyện 30a đạt 10,9 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 7 tiêu chí.

Với quan điểm xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là chương trình có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc; ngay từ đầu năm 2020,  tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, tránh đầu tư dàn trải. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các huyện, xã. Đẩy mạnh huy động và bố trí, sử dụng hợp lý các nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó, huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân phải cân nhắc, đảm bảo vừa sức dân; tuyệt đối không được bắt buộc dân đóng góp. Trên cơ sở đó, năm 2020, tỉnh phấn đấu có 5 xã về đích NTM, nâng tổng số 43 xã đạt chuẩn trong toàn tỉnh và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Bài, ảnh: VĂN LONG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sức bật Vị Xuyên

BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), thời gian qua,  huyện Vị Xuyên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tranh thủ sự giúp đỡ kịp thời của nhà nước... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn Vị Xuyên có nhiều đổi thay tích cực.

 

28/05/2020
Họp Hội đồng quản lý Quỹ đầu tư phát triển

BHG - Chiều 27.5, Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ đầu tư phát triển (ĐTPT) tỉnh tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động những tháng đầu năm 2020. Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐQL Quỹ ĐTPT của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự họp có lãnh đạo các sở, ngành, thành viên HĐQL Quỹ.

 

28/05/2020
Cơ hội phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện

BHG - Từ nay đến năm 2025, tỉnh ta dành nguồn kinh phí trên 15 tỷ đồng nhằm phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện. Đây thực sự là "cú hích" thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tận dụng lợi thế mặt nước, đầu tư thâm canh nuôi các loại cá đặc sản, giá trị cao.

 

27/05/2020
Tiếp sức cho những nỗ lực vượt khó làm giàu ở Hoàng Su Phì

BHG - Đồng hành cùng người nông dân trong phát triển chăn nuôi, Agribank Chi nhánh Hoàng Su Phì đã trở thành địa chỉ tin cậy, giúp bà con tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế. Từ ngồn vốn vay này, nhiều người dân đã có vốn để phát triển kinh tế hộ và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

 

27/05/2020