Nhiều giải pháp "tiếp sức" cho doanh nghiệp

16:55, 21/05/2020

BHG - Dịch bệnh Covid – 19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp (DN), HTX, nhà đầu tư và các hộ kinh doanh trên địa bàn. Toàn tỉnh có 135 đơn vị, 1.878 người lao động bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính khoảng 628,99 tỷ đồng.

Các cơ sở bán lẻ khôi phục hoạt động sau dịch bệnh Covid-19.                                                                                                  Ảnh: LÊ HẢI
Các cơ sở bán lẻ khôi phục hoạt động sau dịch bệnh Covid-19. Ảnh: LÊ HẢI

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, các DN và nhà đầu tư trong tỉnh chỉ hoạt động cầm chừng, một số DN ngừng hoạt động do không tiêu thụ được sản phẩm. Những nhà đầu tư, DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: Du lịch, thương mại – dịch vụ, vận tải hành khách, xuất - nhập khẩu… Theo ghi nhận, du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid – 19 khi các hoạt động du lịch tạm dừng và đóng cửa. Trong 4 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đạt trên 28,7 nghìn lượt, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động lữ hành, lượng khách phục vụ chỉ đạt 10% so với cùng kỳ; kinh doanh dịch vụ du lịch giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính thiệt hại khoảng 27,73 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vận tải cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 15 DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, 5 đơn vị quản lý, khai thác bến xe phải tạm dừng toàn bộ hoạt động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, từ sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lượng khách đã giảm đáng kể. Một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này nhận định, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài nguy cơ cao sẽ dẫn đến nhiều đơn vị vận tải bị phá sản, bởi họ phải chịu rất nhiều chi phí, như: Trả lương nhân viên, tiền thuê văn phòng, bãi đỗ xe, bảo dưỡng phương tiện… Theo thống kê, thiệt hại trong lĩnh vực vận tải ước tính khoảng 22,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất công nghiệp và chế biến nông, lâm sản chịu thiệt hại ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Giá thành và đơn hàng giảm, lượng hàng tồn kho lớn vì không xuất khẩu được, thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm đã khiến cho sản lượng và giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm giảm khoảng 55%. Trong đó, các cơ sở chế biến chè chỉ hoạt động 50% công suất, sản lượng tồn kho 480,2 tấn; các cơ sở chế biến công nghiệp hoạt động cầm chừng khoảng 37%, sản phẩm tồn kho 276 tấn.

 

Bên cạnh đó, các DN đầu tư trong lĩnh vực thủy điện đang triển khai thi công phải dừng hoạt động do thiếu chuyên gia kỹ thuật, công nhân lao động và thiết bị máy móc nhập khẩu dẫn tới chậm tiến độ hoàn thành và vận hành phát điện; thiệt hại doanh thu phát điện khoảng 170,4 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất của các DN tại khu công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thiệt hại doanh thu khoảng 57,5 tỷ đồng.

Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của toàn xã hội; đến nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid – 19. Trong hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” ngày 9.5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đây chính là thời điểm “vàng” để tập trung các biện pháp phục hồi nền kinh tế. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Tỉnh ta cũng đang tập trung triển khai thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực vực dậy các hoạt động kinh tế để thoát khỏi những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Theo báo cáo của Cục Thuế, thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, kết quả thực hiện đến ngày 5.5.2020, tổng số đối tượng nộp thuế đã đăng ký gia hạn thời hạn nộp thuế là 231; trong đó doanh nghiệp, tổ chức là 216, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh là 15 hộ. Tổng thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 37,6 tỷ đồng. Triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ về hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch Covid – 19, Cục Thuế đã chỉ đạo các Chi cục Thuế rà soát đối tượng theo quy định. Theo đó, số lượng hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm bị ảnh hưởng là 937 hộ; trong đó, 112 hộ có đơn đề nghị hỗ trợ; hiện các ngành liên quan đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ theo quy định.

Các tổ chức tín dụng cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19. Theo đó, dự kiến có khoảng 7.386 khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay với tổng dư nợ 2.027 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 186 khách hàng; xem xét miễn, giảm lãi suất cho 2.761 khách hàng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn thông thường từ 0,5 – 3%/năm cho 7.200 khách hàng…

Chia sẻ khó khăn với DN, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, tỉnh ta tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp như: Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với DN và người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid – 19 đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời; theo dõi sát sao tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động nắm bắt và làm việc với DN để tháo gỡ khó khăn đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, xuất, nhập khẩu, du lịch – dịch vụ. Xây dựng quy trình phối hợp với phía Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu cho DN. Kịp thời triển khai các gói tín dụng ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, có chính sách miễn giảm thuế cho DN trong thời gian tạm dừng hoạt động do dịch bệnh. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, công khai, minh bạch hóa thông tin, tạo thuận lợi cho DN…

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông dân Hoàng Su Phì thi đua làm giàu bền vững

BHG - Với suy nghĩ: "Một mình làm giàu chưa đủ, mà cả thôn, cả xã giúp đỡ nhau cùng làm giàu", những người nông dân huyện Hoàng Su Phì đã thay đổi tư duy sản xuất, chủ động thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX để chia sẻ kinh nghiệm; cùng nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

 

21/05/2020
Phường Quang Trung phát triển cây ăn quả chủ lực

BHG - Khai thác lợi thế trong phát triển các loại cây ăn quả nhiệt đới, phường Quang Trung (thành phố Hà Giang) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng, chuyển đổi vườn tạp, mở rộng diện tích, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung.

 

21/05/2020
Mèo Vạc tạo dấu ấn ngành Nông nghiệp

BHG - Năm 2020, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để về đích kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2015 – 2020), do đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện Mèo Vạc đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện; đặc biệt là mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp.

 

21/05/2020
Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh

BHG - Tỉnh ta có lợi thế phát triển chuỗi lúa chất lượng cao, nhiều tiểu vùng khí hậu, môi trường đất, nước chưa bị ô nhiễm… phù hợp gieo cấy những giống lúa đặc sản, hữu cơ theo hướng chất lượng cao. Là tỉnh miền núi, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng sản xuất lúa của Hà Giang đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Người nông dân chưa có thu nhập khá từ cây lúa. 

 

21/05/2020