Nguồn vốn giúp người dân Vị Xuyên phát triển chăn nuôi

16:48, 26/05/2020

BHG - Thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, những năm qua, Agribank Chi nhánh Vị Xuyên đã nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp đầu tư nguồn vốn tín dụng hỗ trợ giúp người nông dân phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. 

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Vị Xuyên.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Vị Xuyên.

Vợ chồng ông Nguyễn Hồng Nghĩa và bà Lại Thị Hoài Lan ở thôn Lùng Càng (xã Phong Quang) đã gắn bó với Agribank hơn 10 năm nay, kể từ khi ông mới bắt đầu “khởi nghiệp” chăn nuôi lợn năm 2009. Cũng vào thời điểm này, gia đình ông được tiếp cận nguồn vốn Agribank Chi nhánh Vị Xuyên và có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, hệ thống thoát nước, xử lý chất thải để phát triển sản xuất. Từ những con lợn, con gà, vịt với quy mô nhỏ lẻ, đến năm 2012 gia đình ông bắt đầu chuyển sang nuôi giống lợn rừng Thái Lan. Tuy nhiên, trước xu hướng của thị trường, năm 2014 - 2015 ông chuyển sang nuôi lợn siêu nạc với quy mô trang trại. Để mở rộng chăn nuôi, ông dùng nguồn vốn vay Agribank mua con giống lợn từ tỉnh Đồng Nai với 60 con lợn nái và 3 con lợn đực giống. Chăn nuôi dần có lãi, ông tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay Agribank để mở rộng tổng đàn lợn. Đến nay, trang trại của ông có khoảng gần 900 con lợn, trong đó có gần 100 con lợn nái sinh sản, còn lại là lợn con giống và lợn thịt. Ông Nghĩa cho biết: Trước đây, gia đình đã nuôi lợn nhưng cũng chỉ là nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Vì vậy, khi quyết định thực hiện nuôi trang trại thì chính bản thân cũng rất bỡ ngỡ và lường trước được khó khăn như: Giá cả, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ… làm tôi đắn đo suy nghĩ. Thế nhưng, với bản tính ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi qua từng năm đã giúp tôi duy trì và phát triển chăn nuôi lợn đến ngày hôm nay.

Hiện tại, mỗi năm trang trại lợn mang lại cho gia đình ông Nghĩa khoản thu gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chăn nuôi lợn có nhiều thời điểm thăng trầm với ảnh hưởng về giá cả tụt giảm vào năm 2017, dịch tả lợn châu Phi năm 2019… Dư nợ của gia đình tại Agribank Chi nhánh Vị Xuyên là 3,8 tỷ đồng. Trong năm 2019, ông xuất bán được 135 tấn thịt lợn hơi, từ đầu năm 2020 đến nay, trung bình bán 10 tấn thịt/tháng. Ông Nghĩa chia sẻ thêm: Chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa cần có sự kiên trì, kiên nhẫn và phải tận tâm mới có thể làm được. Để đàn lợn có sức đề kháng tốt thì việc vệ sinh phòng bệnh rất quan trọng. Ngoài ra, trong suốt thời gian phát triển trang trại chăn nuôi lợn, gia đình cũng nhận được sự ủng hộ, sát cánh của Agribank Chi nhánh Vị Xuyên, cử cán bộ lên để hướng dẫn các thủ tục vay vốn kịp thời khi gia đình cần hỗ trợ… Đến nay, trang trại của ông Nghĩa được duy trì phát triển tốt, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương. Sắp tới, gia đình dự tính tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.

Tính đến ngày 30.4.2020, tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh Vị Xuyên đạt hơn 615 tỷ đồng, trong đó 95% dư nợ cho vay khách hàng cá nhân với mục tiêu phát triển kinh tế gia đình như trường hợp gia đình ông Nguyễn Hồng Nghĩa, xã Phong Quang là một trong những điển hình về sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Vị Xuyên có gần 101 tổ vay vốn với dư nợ trên 150 tỷ đồng, tổng số 1.500 khách hàng.

Hiện tại, Agribank Chi nhánh Vị Xuyên đang tập trung triển khai cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, thường xuyên phân công cán bộ tín dụng xuống cơ sở, các hộ chăn nuôi nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả cùng người dân, khách hàng tháo gỡ những vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vay vốn để người dân phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục thực hiện cho vay theo Nghị quyết 55 của Chính phủ với lãi suất ưu đãi, đẩy mạnh huy động nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra… Giám đốc Agribank Chi nhánh Vị Xuyên Nguyễn Xuân Thuyết chia sẻ.

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thông Nguyên tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới

BHG - "… Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trung tâm, nhưng để có bước đột phá và tận dụng tối đa được tiềm năng, thế mạnh của địa phương thì cần phải đẩy mạnh thương mại, dịch vụ và du lịch…". Bí thư Đảng ủy xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), Hoàng Văn Sơn khẳng định khi đề cập đến mục tiêu cho nhiệm kỳ 2020 – 2025 của xã…

 

26/05/2020
Động lực trong sản xuất, kinh doanh ở Du Già

BHG - Xã Du Già được xem như trung tâm các xã phía Nam của huyện Yên Minh, với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái. Tận dụng lợi thế đó, cùng những chính sách khuyến khích của tỉnh, người dân Du Già đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Chi nhánh Yên Minh (Agribank Yên Minh) để phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa và các dịch vụ thương mại, du lịch.

 

26/05/2020
Sở Công thương làm việc với Tập đoàn Vingroup

BHG - Ngày 25.5, Sở Công thương đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Vingroup để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Theo đó, Tập đoàn Vingroup sẽ đồng hành cùng tỉnh trong giới thiệu, quảng bá cũng như tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa qua hệ thống siêu thị, nhà hàng của tập đoàn trên toàn quốc. Đồng thời, quảng bá hình ảnh tại các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh...

25/05/2020
Giao rừng cho cộng đồng quản lý, cách làm hiệu quả ở Bắc Mê

BHG - Bắc Mê là huyện có thế mạnh về phát triển rừng, những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh trồng rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) luôn được huyện quan tâm. Việc giao rừng cho cộng đồng quản lý là cách làm sáng tạo nên đã huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia bảo vệ rừng; diện tích rừng của huyện luôn duy trì rừng ổn định và phát triển theo từng năm.

 

25/05/2020