Khởi sắc trên quê hương cách mạng Hữu Sản

08:43, 17/04/2020

BHG - Mặc dù xã Hữu Sản (Bắc Quang) bước vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, đối diện không ít khó khăn. Song, với phương châm đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hệ thống chính trị; miền quê cách mạng Hữu Sản giờ đang vững bước trên lộ trình phát triển toàn diện.

Lãnh đạo xã kiểm tra mô hình xen canh cá – lúa của người dân.  (Ảnh chụp tháng 2.2020).
Lãnh đạo xã kiểm tra mô hình xen canh cá – lúa của người dân. (Ảnh chụp tháng 2.2020).

Hữu Sản là xã vùng II, nằm bên bờ Đông sông Lô, thuộc Tiểu khu Trọng Con – căn cứ hậu phương khu vực phòng thủ của tỉnh trong kháng chiến. Toàn xã hiện có gần 600 hộ với trên 2.700 khẩu, gồm 11 dân tộc cùng chung sống, như: Mông, Tày, Pà Thẻn, La Chí… Trong tổng số 11 thôn của xã thì còn đến 4 thôn đặc biệt khó khăn, gồm: Đoàn Kết, Trung Sơn, Thượng Nguồn, Khuổi Luồn. Cùng với đó, xuất phát điểm xây dựng NTM của xã tương đối thấp, hầu hết các tiêu chí chưa đạt đến 50%. Trong khi, nguồn lực có hạn; đời sống nhân dân còn khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 31,5%; còn lại đa số hộ có mức sống trung bình). Do vậy, việc phát huy nội lực hạn chế, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…

Không để khó khăn làm chậm quá trình phát triển; bằng sự đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền sở tại; xã Hữu Sản đã có bước tiến khởi sắc trong xây dựng NTM. Nếu trước đây, hệ thống giao thông trong xã bị chia cắt bởi suối Nặm Thán khiến việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân vô cùng khó khăn; thậm chí bị cô lập sau mỗi trận lũ; thì nay, trên dòng suối đã có cầu cứng nối đôi bờ. Thành quả này là kết tinh cho công tác kêu gọi, vận động xã hội hóa của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chỉ trong giai đoạn 2018 – 2019, 4 cây cầu xã hội hóa (trị giá hơn 3 tỷ đồng) được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng tại 4 thôn: Khuổi Luồn, Trung Sơn, Thành Công và Chiến Thắng. Trong đó, cầu Song Thôn nối 2 thôn Chiến Thắng – Thành Công đã tạo thuận lợi cho việc đi lại thường xuyên của hơn 300 hộ dân với trên 1.000 khẩu. Tương tự như vậy, tại thôn Đoàn Kết, Trung Sơn giờ đã có cầu Trung Sơn nối liền hai địa phương, giúp 145 hộ, đồng bào Pà Thẻn, Dao (với 55,1% hộ nghèo) giao thương thuận lợi. “Trước đây chưa có cầu cứng, chúng tôi phải làm cầu bằng tre, nứa tạm bợ để đi lại, cứ sau trận lũ là bị nước cuốn trôi. Nay có cầu kiên cố, việc đi lại, giao thương thuận tiện, kinh tế thêm phát triển, nhân dân vô cùng phấn khởi”, Bí thư Chi bộ thôn Trung Sơn – Làn Đình Dưỡng không giấu được niềm vui.

Cùng với thành quả trên, để tạo bước đột phá trong lĩnh vực phát triển kinh tế, cấp ủy địa phương đã tập trung lãnh đạo tổ chức lại sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, thông qua việc đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ; trồng rừng kinh tế gắn với cải tạo rừng, đồi tạp; sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng… Tiêu biểu trong đó có mô hình sản xuất lúa nếp cái Hoa vàng (theo hướng “5 cùng”) kết hợp xen canh nuôi cá Chép địa phương trên quy mô hơn 4 ha. Cách làm này không chỉ tạo giá trị kép về thu nhập mà còn có tác động tương hỗ trong canh tác nông nghiệp sạch. Bởi quá trình xen canh, cá Chép sẽ ăn sâu bọ hại lúa, diệt cỏ dại, sục bùn, thải phân để làm tốt lúa… Dù năng suất mới đạt hơn 5 tấn/ha nhưng lúa nếp cái Hoa vàng của xã được thị trường đặc biệt ưa chuộng và có giá bán cao, lên đến 50 nghìn đồng/kg. Riêng cá Chép ruộng có hình thức đẹp, bắt mắt, chất lượng thịt ngọt, thơm đã tạo nên sản phẩm đặc sản mang bản sắc của dân tộc Tày. Đồng thời, tạo thêm thu nhập cho người dân khi cá Chép ruộng có giá bán 120 nghìn đồng/kg.

Cấp ủy, chính quyền xã Hữu Sản còn xây dựng mô hình “Giúp người lầm lỗi, đổi mới tư duy” tại thôn Đoàn Kết. Mô hình này có Tổ giúp đỡ để tư vấn, giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và phát triển kinh tế; xây dựng môi trường thân thiện, không kỳ thị, phân biệt với người chấp hành xong án phạt tù. Mô hình tập hợp 7 thành viên là người có tiền án, tiền sự để giúp đỡ họ hoàn lương, trở thành công dân có ích cho xã hội. Chủ nhiệm mô hình là ông Đ.H.V – người từng mang trọng tội, phải chấp hành án phạt 16 năm tù. Nay ông trở thành một trong những tấm gương điển hình về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở địa phương; có con trưởng thành, là cán bộ trong cơ quan nhà nước. Chính sự vươn lên sau lầm lỗi của ông đã truyền cảm hứng thiện lương cho những người đồng cảnh ngộ cùng đoàn kết, đổi mới tư duy, phát triển kinh tế. Hiện, các thành viên và nhân dân thôn Đoàn Kết đang phấn đấu sớm đạt mục tiêu 60 triệu đồng/ha đất canh tác, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm, không có hộ nghèo (trừ trường hợp bất khả kháng). Đồng thời, góp sức xây dựng quê hương luôn đảm bảo an toàn về ANTT theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.

Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản, Nguyễn Bá Tuấn chia sẻ: Hiện nay, xã Hữu Sản đã đạt 10/19 tiêu chí NTM. Xã đang tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển KT-XH nhanh và bền vững gắn với đảm bảo QP-AN, chính trị - xã hội ổn định. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phấn đấu đưa Hữu Sản sớm trở thành xã chuẩn NTM trong tương lai gần.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dân vận khéo trong xây dựng NTM ở Hoàng Su Phì

BHG - Sau 10 năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM), huyện Hoàng Su Phì đã có 2 xã được công nhận đạt chuẩn; các xã còn lại đều đạt từ 9 tiêu chí trở lên, bộ mặt nông thôn ngày càng được khởi sắc. Có được thành quả đó, bên cạnh sự hỗ trợ từ nguồn lực của nhà nước; cấp ủy, chính quyền huyện đã chú trọng đẩy mạnh phong trào "Dân vận khéo" trong xây dựng NTM và tạo được sự hưởng ứng cao trong nhân dân

17/04/2020
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

BHG - Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trung tâm của chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, việc triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp chính là bước cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kích cầu sản xuất, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung khuyến khích phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu như các Nghị quyết số 209, 86 và 29 của HĐND tỉnh...

17/04/2020
Kết quả nổi bật ở Đảng bộ thị trấn Vinh Quang

BHG - Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Hoàng Su Phì; trong 5 năm qua (nhiệm kỳ 2015 – 2020), Đảng bộ thị trấn Vinh Quang đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đề ra, đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc.

 

16/04/2020
Phát huy thế mạnh kinh tế vườn rừng ở Nà Chì

BHG - Nằm dưới chân đỉnh đèo Gió, xã Nà Chì (Xín Mần) là địa phương có điều kiện để phát triển kinh tế vườn rừng. Được cán bộ xã giới thiệu, chúng tôi tới thôn Bản Vẽ nằm ngay dưới chân đỉnh đèo Gió; nơi có những đồi chè đặc sản. Trước đây nhiều diện tích đất bỏ hoang chưa được khai thác, từ ngày nhận thấy trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế, bà con nơi đây đã đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng trên các diện tích đất trống, đồi trọc được giao. Ông Hoàng Văn Cầu, Trưởng thôn Bản Vẽ

16/04/2020