Nấm Dẩn từng bước "thay da, đổi thịt"

09:13, 19/03/2020

BHG - Những con đường được bê tông hóa, nhiều nhóm sở thích (NST) được thành lập, tập huấn nâng cao năng lực nhằm thay đổi tư duy sản xuất trong nhân dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng hàng hóa… Đó là những kết quả nổi bật trong 5 năm (2015 – 2020) thực hiện Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) ở xã Nấm Dẩn (Xín Mần).

Tuyến đường bê tông thôn Lủng Mở được Chương trình CPRP hỗ trợ vốn.
Tuyến đường bê tông thôn Lủng Mở được Chương trình CPRP hỗ trợ vốn.

Được tài trợ năm 2017, tuyến đường thôn Lủng Mở đến trung tâm xã dài gần 2 Km được đổ bê tông sau nhiều năm mong đợi của người dân nơi đây; trước đây, tuyến đường này là đường đất, lầy lội và thường xuyên bị sạt lở gây khó khăn đi lại cho người dân  cũng như việc vận chuyển hàng hóa, giao thương với bên ngoài, nhất là trong thôn có diện tích cây Thảo quả hơn 20 ha và là cây trồng thế mạnh của vùng. Ngoài phục vụ giao thông đi lại, tuyến đường còn có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa giữa xã Nấm Dẩn và xã Bản Ngò (Xín Mần). Ông Chảo Văn Long, Trưởng thôn Lủng Mở cho biết: Thôn có 50 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo được giảm theo từng năm, thôn có 1 NST trồng cây Thảo quả. Từ khi tuyến đường được đổ bê tông nhờ Chương trình CPRP, người dân đi lại thuận tiện hơn. Việc vận chuyển Thảo quả được dễ dàng và quãng đường cũng được rút ngắn về thời gian... Từ đó, thu nhập từ cây Thảo quả đã được nâng lên… Ngoài tuyến đường Lủng Mở, Chương trình CPRP còn tài trợ cho xã 2 tuyến đường, gồm: Đoạn nối từ tỉnh lộ 178 đi thôn Nấm Chiến và đường đi thôn Nấm Lu. Đây là những công trình quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT – XH cho những thôn khó khăn của địa phương. 

Nhiều nhóm sở thích nuôi ong lấy mật dưới tán rừng được thành lập.
Nhiều nhóm sở thích nuôi ong lấy mật dưới tán rừng được thành lập.

Là xã vùng 3 của huyện Xín Mần, đời sống kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Tuy nhiên, Nấm Dẩn lại là địa phương có diện tích cây Thảo quả lớn nhất của huyện. Nhiều năm qua, cây Thảo quả luôn là cây thế mạnh của vùng và mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện, toàn xã có hơn 830 ha cây Thảo quả và trồng chủ yếu ở khu vực đèo Gió gắn với bảo vệ rừng. Cùng với sự hỗ trợ về đường giao thông, Chương trình CPRP đã triển khai các hợp phần hỗ trợ người dân phát triển cây Thảo quả. Trong đó, hỗ trợ người dân sản xuất cây dược liệu theo “5 cùng” bao gồm: Cùng cây giống, cùng trồng, cùng bảo vệ, cùng thu hoạch và cùng tiêu thụ sản phẩm. Nhờ thế, diện tích Thảo quả ngày càng được mở rộng, giá cả bán ra thị trường cũng ổn định. Để thực hiện tốt chương trình, Ban quản lý Chương trình CPRP phối hợp với Hội Nông dân xã tuyên truyền và thành lập các NST. Riêng năm 2019, xã thành lập mới được 5 NST với 56 thành viên tham gia; trong đó, có 2 nhóm nuôi ong mật, 1 nhóm trồng Thảo quả, 1 nhóm chăn nuôi trâu vỗ béo và 1 nhóm trồng chuối Tiêu xanh. Qua đó, nâng tổng số NST của xã lên 17 nhóm. Chị Phùng Lệ Hiền, cán bộ Ban quản lý Chương trình CPRP xã Nấm Dẩn cho biết: Gần 5 năm thực hiện, cán bộ CPRP đã trực tiếp hướng dẫn và theo dõi quá trình sản xuất của người dân, đồng thời giúp người dân tháo gỡ khó khăn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Quá trình triển khai, CPRP đã đầu tư hỗ trợ hiệu quả để người dân vốn vay ưu đãi, thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng hàng hóa. Thông qua hoạt động của NST, người dân duy trì sinh hoạt nhóm hàng tháng để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và được CPRP hỗ trợ tập huấn năng cao năng lực, tạo cầu nối giữa người dân với HTX, doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Ngoài ra, những năm qua, CPRP cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật nâng cao năng lực, kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt cho người dân, Ban Phát triển thôn, cán bộ xã; từ đó nâng cao năng lực quản lý công trình đường giao thông, kỹ thuật chăn nuôi, thú y và phòng, chống cháy rừng…

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn cho biết: Trong những năm qua, Ban quản lý Chương trình CPRP xã Nấm Dẩn đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động và hoàn thành các công việc được giao. Kết quả triển khai thực hiện tương đối tốt, đáp ứng được tiến độ về thời gian. Nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình CPRP đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cải thiện đời sống cho người dân.

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông nghiệp - hướng đi vững chắc của xã Linh Hồ

BHG - Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt 6 nghìn tấn, vượt 3,63% so với kế hoạch, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha; tổng đàn trâu 2.633 con, lợn 8.512 con, tổng đàn gia cầm 62.730 con... cùng với đó là các mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại lớn ngày một xuất hiện nhiều trên địa bàn. Đó là những thành quả trong việc phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương bằng những cây, con, giúp người dân xã Linh Hồ (Vị Xuyên) có thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng mỗi năm.

 

19/03/2020
Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19

BHG - Trước những diễn biến mới, phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid - 19; thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid - 19 và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vừa qua, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang yêu cầu Chủ tịch HĐQT các Quỹ tín dụng nhân dân, Giám đốc các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh (các tổ chức tín dụng) quán triệt và tổ chức một số nội dung, giải pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19.

18/03/2020
Nhiều tuyến xe khách tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng Covid-19

BHG - Hiện nay, tỉnh ta vẫn đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covid 19 vào địa bàn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo an toàn, nhiều người dân đã hạn chế đi lại, nhất là di chuyển ra ngoài tỉnh.

 

17/03/2020
Phát huy hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Bắc Mê

BHG - Hiện nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Bắc Mê đã khẳng định được thương hiệu, tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng như: tinh bột nghệ vàng, gia vị tinh dầu hồi... Tuy nhiên, để Chương trình OCOP phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay, đòi hỏi địa phương phải có những giải pháp, hướng đi mới nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa các tiềm lực, thế mạnh sẵn có.

 

17/03/2020