Trăn trở... cam Sành - Kỳ I: Thăng trầm vùng cam

16:19, 25/02/2020

BHG - Từ nhiều năm trước, tỉnh ta đã định hướng vùng cam Sành với diện tích tập trung, sản lượng ổn định; đến năm 2020, diện tích cam Sành kinh doanh đạt 5 nghìn ha, sản lượng 60 – 80 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, hiện tại, tổng diện tích cam Sành toàn tỉnh đã đạt trên 7 nghìn ha, cao gấp 1,4 lần so với định hướng…

Người dân vui mừng  khi cam Sành có chỉ dẫn địa lý.                                                   Ảnh: THU PHƯƠNG
Người dân vui mừng khi cam Sành có chỉ dẫn địa lý. Ảnh: THU PHƯƠNG

Cam Sành được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Các tài liệu nghiên cứu đã chứng minh, vùng cam Sành Hà Giang được hình thành từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước và nổi tiếng ở miền Bắc, bởi đây là vùng có diện tích cam Sành lớn, chất lượng quả thơm, ngon. Giai đoạn 1980 – 1990, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên rất phù hợp cho sinh trưởng, phát triển của cây cam và đã tạo nên chất lượng đặc trưng của cam Sành Hà Giang. So với sản phẩm cùng chủng loại của nhiều địa phương khác, các nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ, về hàm lượng trong quả, cam Sành Hà Giang vượt trội các thành phần, như: Vitamin C, axit hữu cơ tổng số, đường tổng số, độ brix và hàm lượng nước. Tuy nhiên, để khẳng định vị thế cây trồng chủ lực của tỉnh như hiện nay, lịch sử phát triển của cây cam Sành cũng trải qua nhiều thăng trầm…

Vào thời điểm năm 2000, chúng ta được chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của cây cam Sành khi diện tích cam, quýt toàn tỉnh lên đến 8.000 ha, sản lượng đạt trên 32.500 tấn. Song, chỉ sau 5 năm, diện tích suy giảm nhanh chóng, tổng diện tích cam, quýt toàn tỉnh chỉ còn trên 4.600 ha; đến năm 2011 chỉ còn trên 1.700 ha. Như vậy, sau 10 năm, diện tích sản xuất cam đã giảm 6.300 ha. Nếu như năm 2005, sản lượng cam toàn tỉnh đạt trên 22.600 tấn thì đến năm 2011, chỉ còn gần 9.100 tấn, giảm 60%. Nguyên nhân chính được cơ quan chuyên môn nhận định là do suy thoái dinh dưỡng đất. Đặc biệt, nhiều diện tích cam Sành xuất hiện bệnh hại cây, như: Nấm, tuyến trùng hại rễ, bệnh vàng lá gân xanh (Greening)…

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, từng bước khôi phục “vựa cam” khu vực các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, từ năm 2013 đến nay, tỉnh ta đã có định hướng phát triển cam Sành cùng nhiều biện pháp hỗ trợ cần thiết đến người sản xuất, như: Hỗ trợ vốn, công tác khuyến nông, hỗ trợ về đất đai, kỹ thuật; trong đó, HĐND tỉnh có chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân thâm canh vườn cam theo quy trình VietGAP với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 50 triệu đồng/ha (riêng vườn cam xây dựng đường giao thông, hệ thống tưới, mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 80 triệu đồng/ha), thời gian hỗ trợ lên đến 2 năm. Đồng thời, hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản cam, mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 500 triệu đồng/dự án trong thời gian 3 năm kể từ ngày giải ngân…

Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để nâng cao giá trị và uy tín sản phẩm cam Sành, thúc đẩy sản xuất cam theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam Sành. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên diện tích cam Sành. Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020 cũng xác định rõ mục tiêu: Diện tích cam Sành kinh doanh là 5.000 ha; trong đó 70% diện tích theo VietGAP; năng suất bình quân tăng từ 74,9 tạ/ha lên 150 tạ/ha; giá trị sản xuất đạt 818,025 tỷ đồng (giá cố định 2010) và thương hiệu cam Sành Hà Giang trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh và của cả nước... Đặc biệt, việc triển khai đồng bộ xây dựng Chỉ dẫn địa lý “Cam Sành Hà Giang” và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP đã góp phần quan trọng khai thác hiệu quả quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giữ vững thương hiệu cam Sành Hà Giang; nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.

Từ những “cú hích” mang tính chiến lược, cam Sành có sự khôi phục mạnh mẽ với dấu hiệu tích cực, bền vững, khẳng định vị thế cây ăn quả có múi trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, sau khi triển khai chương trình “Phục hồi và phát triển cây cam Sành Hà Giang”, diện tích, sản lượng cam không ngừng tăng. Năm 2014, tổng diện tích cam toàn tỉnh đạt 3.455 ha, sản lượng trên 11.200 tấn. Đến hết năm 2019, tổng diện tích cam Sành toàn tỉnh đạt trên 7.000 ha với gần 5,3 nghìn ha cam cho sản phẩm, sản lượng ước đạt trên 60,7 nghìn tấn, cao gấp 3,4 lần so với sản lượng năm 2016. Ấn tượng hơn, cam Sành Hà Giang được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt” do người tiêu dùng bình chọn và xuất sắc lọt Top 10 sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chứng nhận.

Có thể nói, trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, cam Sành đã khẳng định vị thế cây trồng chiến lược của tỉnh trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích cam hiện nay đang vượt quá mục tiêu, định hướng phát triển nên đã nảy sinh nhiều hệ lụy.

NHÓM PV

Kỳ 2:  Bất cập trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cơ giới hóa nông nghiệp ở Bắc Quang

BHG - Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật; việc ứng dụng cơ giới hóa đã trở thành cú hích thúc đẩy ngành Nông nghiệp của huyện Bắc Quang thêm khởi sắc. Bởi hiệu quả từ cơ giới hóa đem lại không những giúp giải phóng sức lao động cho con người mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

 

25/02/2020
Xã Thanh Vân đẩy mạnh trồng cỏ chăn nuôi gia súc

BHG - Cùng với phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, xã Thanh Vân (Quản Bạ) là địa phương đứng đầu huyện trong việc đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Nhờ đó, tỷ trọng trong chăn nuôi của xã không ngừng được nâng lên, nhiều hộ dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương.

 

25/02/2020
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Nà Khương

BHG - Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn; thời gian qua, Ðảng bộ, chính quyền xã Nà Khương (Quang Bình) đã tập trung các nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững cho người dân.

 

25/02/2020
Hiệu quả đầu tư có thu hồi ở Hữu Vinh

BHG - Khu nhà màng rộng hơn 500 m2 của gia đình anh Lục Xuân Giang, thôn Tân Tiến, xã Hữu Vinh được huyện Yên Minh hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình 135 từ cuối năm 2019, với mức hỗ trợ 150 triệu đồng, trong thời hạn 3 năm, sau đó sẽ thu hồi 30% kinh phí hỗ trợ. Khu nhà màng hiện trồng 700 cây cà chua và bắt đầu cho thu hoạch; năng suất ước đạt 2,5 tấn, với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg, thu nhập có khả năng đạt trên 60 triệu đồng.

 

24/02/2020