Mèo Vạc đẩy mạnh thực hiện Đề án nửa triệu con đại gia súc

10:33, 01/08/2019

BHG - Xác định chăn nuôi là hướng đi chính giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, huyện Mèo Vạc đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nhận diện rõ “cú hích” từ Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc, địa phương đã tập trung tổ chức lại sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Anh Nguyễn Văn Hanh (bên trái), cán bộ xã Pải Lủng kiểm tra sức khỏe đàn bò  thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng.
Anh Nguyễn Văn Hanh (bên trái), cán bộ xã Pải Lủng kiểm tra sức khỏe đàn bò thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng.

Trước khi thực hiện Đề án  nửa triệu con đại gia súc hàng hóa, huyện Mèo Vạc xác định rõ đặc của địa phương để giúp người dân có định hướng cụ thể, sát thực tế. Trên cơ sở đó, huyện ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể theo từng năm.

Mèo Vạc nổi tiếng với thương hiệu bò Vàng, có thể chịu đựng thời tiết khắc nghiệt; bò thương phẩm được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, tập quán chăn nuôi của người dân chủ yếu nhỏ lẻ theo hộ gia đình; giá trị kinh tế mang lại chưa cao; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nhiều hạn chế. Do đó, để thực hiện hiệu quả Đề án nửa triệu con đại gia súc, huyện chú trọng chăn nuôi hộ gia đình, hình thành các nhóm sở thích, dịch vụ thú y; hạn chế tập quán chăn thả, tránh tình trạng phối giống cận huyết; thực hiện nhiều giải pháp tăng đàn và áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT); hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi và các dẫn tinh viên.

Người dân thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi thu hoạch cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.
Người dân thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi thu hoạch cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.

Đồng chí Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Thực hiện Đề án nửa triệu con đại gia súc, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở; thành lập 12 tổ dịch vụ TTNT cho đàn bò với 23 dẫn tinh viên. Ngoài ra, cán bộ thú y cơ sở làm công tác phòng, chống dịch, chữa bệnh cho gia súc thường xuyên hoạt động; huyện duy trì chợ gia súc tại chợ trung tâm huyện và chợ xã Thượng Phùng; thành lập mới 2 gia trại chăn nuôi bò. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyển chọn 1.500 con bò cái đủ tiêu chuẩn và xây dựng phương án quản lý chặt chẽ phục vụ công tác TTNT; sử dụng nguồn sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ mua vật tư cho dẫn tinh viên. Đến nay, có gần 1.000 con bò cái được thụ tinh thành công. Toàn huyện có trên 35.000 con trâu, bò; trong đó, có trên 30.000 con bò; số lượng đàn bò tăng tự nhiên và tăng cơ học theo từng tháng.

Lâu nay, người dân thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng chủ yếu nuôi bò theo phương pháp chăn thả tự nhiên và nuôi nhốt. Từ khi được tuyên truyền và áp dụng phương pháp TTNT, người dân đã dần thay đổi nhận thức, nhiều gia đình chủ động mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh Nguyễn Văn Hanh, dẫn tinh viên xã Pải Lủng cho biết: Thôn Ngài Lầu có có 41 hộ, 108 con bò, trong đó có 54 con bò sinh sản. Hiện thôn có trên 30 con bò thường xuyên áp dụng phương pháp TTNT; tỷ lệ thành công đạt khoảng 80%. Gia đình anh Vàng Mí Súa là một trong những hộ tích cực nhất trong việc TTNT cho đàn bò. Hiện gia đình anh duy trì nuôi 2 con bò cái; khi bò động dục, anh luôn chủ động thông tin tới cán bộ thú y và dẫn tinh viên. Anh Súa chia sẻ: “Bò khi TTNT có thời gian phát dục lần sau sớm hơn so với giao phối tự nhiên; bê con sinh ra to khỏe hơn, phát triển nhanh hơn. Vì thế, bây giờ mọi người trong thôn đều bảo nhau TTNT cho đàn bò”.

Có thể nói, với những giải pháp đồng bộ thúc đẩy ngành chăn nuôi cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, huyện đã giúp tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp tăng đáng kể. Đây là cơ sở để địa phương thực hiện thắng lợi Đề án nửa triệu con đại gia súc cũng như mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi

BHG - Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi số lợn bị bệnh liên tục tăng; nhiều địa phương đã tái phát dịch bệnh sau khi công bố hết dịch. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.450 con lợn/508 hộ/167 thôn/54 xã/8 huyện bị chết và tiêu hủy; trọng lượng trên 162 tấn. Toàn tỉnh có 22 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch kể từ ca mắc bệnh cuối cùng, gồm: Thị trấn Phố Bảng, Lũng Táo (Đồng Văn); xã Ngọc Đường, phường Minh Khai, Quang Trung, Trần Phú, Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang)...

31/07/2019
Chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác mỏ mangan Pù Khâu Lôi

BHG - Ngày 31.7, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 2337/UBND-KTTH, về việc thông báo chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản mỏ mangan Pù Khâu Lôi, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang và yêu cầu Công ty CP Khoáng sản Châu Á Biển Đông thực hiện các nghĩa vụ theo quy định. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Yêu cầu Công ty Công ty CP Khoáng sản Châu Á Biển Đông chấm dứt mọi hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ mangan Pù Khâu Lôi

31/07/2019
Đồng Văn nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu

BHG - Thời gian qua, huyện Đồng Văn đã có nhiều giải pháp, cách làm phù hợp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, trong đó chú trọng nhân rộng cánh đồng ngô, lúa mẫu. Điều này đã tạo chuyển biến lớn về nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

 

31/07/2019
Liên kết phát triển nông nghiệp bền vững tại Bắc Quang

BHG - Đầu tư trên 40 tỷ đồng xây dựng nhà máy có quy mô trên 1,8 ha và liên kết với nông dân 4 xã của huyện Bắc Quang trồng hàng trăm ha dược liệu sản xuất thuốc và các loại trà - sự đầu tư và liên kết giữa Công ty Cổ phần dược Bông Sen Vàng (Công ty Bông Sen Vàng) với người nông dân đang mở ra hướng đi vững chắc trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

31/07/2019