Giải pháp nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực

10:20, 04/06/2019

BHG - Nhằm nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm một số nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh giai đoạn 2019 - 2020, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp; thời gian qua, các cấp, ngành đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y kiểm tra việc phát triển đàn ong mật tại Đồng Văn.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y kiểm tra việc phát triển đàn ong mật tại Đồng Văn.

Hiện nay, tỉnh ta có 3 sản phẩm nông sản hàng hóa đặc thù là: Cam Sành, mật ong Bạc hà, gạo Già Dui Xín Mần được xác định là sản phẩm chủ lực, đã đăng ký chứng nhận Chỉ dẫn địa lý và xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi giá trị, tạo tiền đề phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh.

Hiện nay, diện tích cam Sành toàn tỉnh 8.732,8 ha, chiếm 92,67% tổng diện tích cây ăn quả có múi, tập trung chủ yếu ở huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; trong đó, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP 3.527,71 ha, chiếm 79,87% diện tích đang cho thu hoạch. Năng suất bình quân đạt 119,6 tạ/ha; sản lượng đạt 52.830 tấn; 80% sản lượng cam Sành đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã và chất lượng. Đối với nghề nuôi ong, trên địa bàn tỉnh có 47.379 tổ ong, sản lượng mật đạt 270,53 tấn/năm. Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao là 7.368,3ha, sản lượng 38.088,1 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Mê và Yên Minh.

Sản phẩm mật ong Bạc hà được đóng chai, có tem, nhãn.
Sản phẩm mật ong Bạc hà được đóng chai, có tem, nhãn.

Hiện toàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp (DN) là Công ty Cổ phần Xuất, nhập khẩu Dược Bảo Châu đóng tại Vị Xuyên, sản xuất chế biến nước ép cam; sản lượng cam thu mua, chế biến hàng năm ít. Do vậy, sản phẩm cam được tiêu thụ chủ yếu là bán quả tươi khoảng 98% sản lượng; cam được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc và sử dụng hộp bao bì còn hạn chế chỉ đạt khoảng 20% sản lượng. Toàn tỉnh có 16 cơ sở, DN, hợp tác xã (HTX) kinh doanh mật ong; bước đầu đã có liên kết với các hộ nuôi ong tại địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm bán ra thị trường chủ yếu ở dạng nguyên chất; sản phẩm đóng chai, hộp, gắn nhãn mác và tem điện tử truy xuất nguồn gốc số lượng chưa nhiều, chiếm khoảng 2-3%. Giá bán mật ong tại các huyện vùng cao phía Bắc trung bình từ 350-400 nghìn đồng/lít; sản phẩm mật ong Bạc hà gắn tem, nhãn mác có giá bán 700-800 nghìn đồng/lít.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm gạo chất lượng cao, như: Gạo Già Dui Xín Mần đã xây dựng được thương hiệu và dần khẳng định vị thế trên thị trường. Song hầu hết diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có lúa gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ hoặc ứng dụng công nghệ cao; số lượng còn hạn chế, chủ yếu phục vụ khách du lịch và nhu cầu thị trường tại chỗ; đa số sản phẩm chưa có nhãn mác, tem điện tử truy xuất nguồn gốc; giá bán dao động từ 15-35 nghìn đồng/kg.

Chi cục Trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở NN&PTNT), Nguyễn Trường Thành cho biết. Mặc dù các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh có chất lượng tốt song quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ, phân tán. Trong khi diện tích cam Sành lại quá lớn, cung vượt cầu. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi ong chủ yếu là ở gia đình; liên kết giữa DN, HTX sơ chế, chế biến - kinh doanh với người sản xuất còn hạn chế. Người sản xuất, cơ sở sản xuất – kinh doanh chưa thực sự quan tâm đúng mức đến khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, còn nặng tư tưởng trông chờ vào Nhà nước. Một số nông sản chủ lực của tỉnh đã được cấp Chỉ dẫn địa lý, nhưng số tổ chức, cá nhân nằm trong vùng Chỉ dẫn địa lý, đăng ký cấp quyền sử dụng còn rất hạn chế: Cam Sành có 3 tổ sản xuất, HTX; mật ong Bạc hà có 7 DN, HTX. Do đó, chưa phát huy được lợi thế; phần lớn sản phẩm chưa kết nối tiêu thụ với các DN đầu mối lớn, mà phải qua thương lái dẫn đến giá thành sản phẩm thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Để nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, tỉnh đã có định hướng duy trì, ổn định diện tích cam Sành cho thu hoạch tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Trong đó phấn đấu có 80% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; cần hoàn thiện hệ thống nhận diện sản phẩm cam Sành, như: Hộp, nhãn mác, logo, tem điện tử truy xuất nguồn gốc, biển quảng cáo... Đối với mật ong, cần mở rộng quy mô đàn ong nội tại 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ. Phấn đấu 80% các cơ sở nuôi ong, sơ chế, chế biến kinh doanh sản phẩm mật ong Bạc hà đăng ký cấp Giấy chứng nhận VietGAP, ISO, HACCP...; 80% sản lượng mật ong Bạc hà được sơ chế, chế biến, được gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hoàn thiện việc xây dựng 3 vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao tập trung ở 10 huyện và xác định cơ cấu giống  lúa gạo chất lượng cao gồm: Khẩu Mang, Già Dui, ĐS1, ĐS3, J02, nếp Yên Minh, nếp Quảng Nguyên...; 80% diện tích vùng trồng lúa chất lượng cao, được công nhận đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, hữu cơ, ISO, HACCP...; đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, mở rộng quy mô, nâng cấp dây chuyền sơ chế đóng gói sản phẩm, hướng tới thị trường cao cấp. Bên cạnh đó là tăng cường công tác quản bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, luôn vận động tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị nông sản chủ lực của tỉnh.

Bài, ảnh:  LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bộ đội Biên phòng tích cực tham gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

BHG - Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phòng chống dịch bệnh; kiên quyết không để lây lan ra diện rộng. Mặc dù các lực lượng đã tích cực phòng chống dịch, nhưng hiện nay trên địa bàn một số xã, thị trấn biên giới của tỉnh, như thị trấn Phố Bảng, Đồng Văn (huyện Đồng Văn), xã Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc) đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

31/05/2019
Yên Minh triển khai phong trào thi đua đặc biệt phát triển lâm nghiệp bền vững

BHG - Nhằm tập hợp sức mạnh của các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng; tăng tỷ lệ che phủ rừng và giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế cho người trồng rừng gắn với xây dựng NTM; UBND huyện Yên Minh đã chỉ đạo triển khai phong trào thi đua đặc biệt "Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2016 – 2020".

 

31/05/2019
Nỗ lực của ngành Điện trong mùa nắng nóng

BHG - Mùa nắng nóng là thời điểm nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, để cung cấp điện kịp thời, an toàn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân thời điểm này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công ty Điện lực Hà Giang (PC Hà Giang). Hiện PC Hà Giang đang quản lý, cung cấp điện cho trên 150 nghìn khách hàng trong tỉnh; tỷ lệ người dân sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 87,8%. Mùa nắng nóng là thời điểm nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng đột biến...

31/05/2019
Hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp

BHG - Ngày 30.5, tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Cục Hải quan tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Hải quan và các doanh nghiệp (DN) tham gia xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh lần thứ Nhất năm 2019. Để nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục hải quan và tăng cường hợp tác giữa hai bên góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động XNK - XNC...

31/05/2019