Sau 2 năm thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở Bắc Mê

09:02, 15/03/2019

BHG - Trong 2 năm 2017 - 2018, trên cơ sở nguồn vốn được UBND tỉnh cấp bổ sung hàng năm, huyện Bắc Mê đã xây dựng Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đối tượng tham gia là những gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo tại các xã, thị trấn có nhu cầu, tự nguyện và viết đơn cam kết tham gia dự án. Tuy mới triển khai, nhưng dự án đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện phát triển.

Anh Lý Văn Thiện (áo trắng), thôn Khuổi Trông, xã Yên Định được hỗ trợ tiền vốn ban đầu mua con giống.
Anh Lý Văn Thiện (áo trắng), thôn Khuổi Trông, xã Yên Định được hỗ trợ tiền vốn ban đầu mua con giống.

Một trong những cách làm hiệu quả của huyện là thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn, tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, mỗi thôn, bản, từ đó đưa ra giải pháp giúp người dân vươn lên. UBND huyện còn giao các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT; Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất. Đồng thời, thực hiện giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế để người dân học tập. Hình thức của Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo là: Thực hiện đầu tư có thu hồi vốn ban đầu; các đối tượng thụ hưởng được hỗ trợ tiền vốn ban đầu mua con giống chăn nuôi, sau chu kỳ nuôi dưỡng 3 năm trả lại cho Ban Điều hành dự án để chuyển giao cho hộ khác. Thời gian dự án hỗ trợ đến khi trong xã không còn hộ nghèo.

Trong 2 năm 2017 - 2018, dự án cho 70 hộ vay với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2017, thực hiện tại xã Yên Cường, có 25 hộ được hỗ trợ mua 25 con giống với số tiền 350 triệu đồng. Năm 2018, thực hiện tại thôn Bản Tắn, Phiêng Xa xã Yên Phong và thôn Khuổi Trông xã Yên Định với 45 hộ được hỗ trợ, tổng số tiền 912 triệu đồng.

Khuổi Trông là một trong những thôn nghèo nhất xã Yên Định. Toàn thôn có 63 hộ; trong đó, có 20 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tiền vốn ban đầu mua con giống chăn nuôi. Anh Lý Văn Thiện, chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện nghèo, trước đây cũng muốn nuôi bò nhưng không có tiền mua giống. Nhờ có dự án, nay gia đình đã có bò để nuôi và đang vun đắp ước mơ thoát nghèo”.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Văn Soi, Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện Bắc Mê cho biết: “Thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, triển khai thực hiện; giải ngân kịp thời nguồn vốn hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng của dự án mua con giống chăn nuôi, qua đó giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, Bắc Mê giảm được 325 hộ nghèo, giảm gần 4% so với năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn trên 31%”.

Với mục tiêu tất cả vì người nghèo, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Bắc Mê bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo động lực giúp hộ nghèo tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trên cơ sở kết quả bước đầu của dự án, huyện tiếp tục nhân rộng nhằm góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.

Bài, ảnh: VĂN QUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ nhiều giải pháp bứt phá trong phát triển KT-XH

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đề ra 26 chỉ tiêu chủ yếu trong các lĩnh vực. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết,  đã có 50% chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Năm nay, huyện đang khẩn trương triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Trong đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã lựa chọn một số mục tiêu trọng tâm để tạo đột phá, thúc đẩy KT-XH phát triển một cách nhanh và bền vững.

 

15/03/2019
Bắc Quang đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hóa

BHG - Hiện nay, huyện Bắc Quang đang có 6.061 ha cam, quýt, sản lượng đạt gần 47 nghìn tấn; trên 5.927 ha chè, sản lượng ước đạt 20 nghìn tấn chè búp tươi; trên 705 ha dược liệu. Sản lượng lương thực năm 2018 đạt trên 56.198 tấn, tổng đàn gia súc 140.880 con; mỗi năm trồng rừng đạt bình quân trên 2.500 ha, sản lượng gỗ ước đạt trên 70 nghìn m3/năm...

 

14/03/2019
Đội Quản lý thị trường số 9, phát hiện và xử lý thịt lợn không rõ nguồn gốc.

BHG - Ngày 13.3, Đội Quản lý thị trường số 9 đã tiến hành kiểm tra hàng hóa trên xe tải BKS: 23C - 027.66, khi xe đang dừng đỗ giao hàng tại thị trấn Việt Quang (Bắc Quang). Chủ xe, chủ hàng là ông Hoàng Ngọc Sơn, địa chỉ tổ 17, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang). Qua kiểm tra, đội Quản lý thị trường số 9 đã phát hiện trên xe vận chuyển thịt lợn không có nguồn gốc xuất xứ, có mùi hôi thối. Với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

14/03/2019
Nâng tầm thương hiệu củ cải nương Hoàng Su Phì

BHG - Là 1 trong 9 sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao nằm trong Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của huyện Hoàng Su Phì, củ cải nương được người dân trồng khoảng 300 - 400 ha mỗi vụ, tổng sản lượng ước đạt 2.500 tấn/vụ. Do hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên củ cải phát triển tốt và có hương vị giòn, ngọt, ngon đặc biệt. Củ cải nương vốn phù hợp với thời tiết lạnh nên người dân trồng theo các vụ, từ tháng 9 đến tháng 12 và từ cuối tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. 

14/03/2019