Hà Giang

Những "bông hoa" miền cực Bắc

14:55, 08/03/2019

BHG- Những ai đã một lần đặt chân đến Hà Giang đều đắm mình mê mải trước vẻ đẹp sặc sỡ, quyến rũ nhưng can trường của loài hoa Tam giác mạch. Trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu vùng Cao nguyên đá, vẫn vươn lên đón nắng trời khoe sắc. Đó cũng là biểu tượng về ý chí, quyết tâm vượt qua hoàn cảnh, vươn lên làm chủ cuộc sống của phụ nữ miền cực Bắc Tổ quốc.

Chị Cháng Thị Hoa (bên trái), thôn Bản Bang, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) - gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế.
Chị Cháng Thị Hoa (bên trái), thôn Bản Bang, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) - gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế.

Phía trên cổng trời Quản Bạ, nơi phụ nữ Mông luôn chịu nhiều thiệt thòi vì các rào cản về phong tục, tập quán… khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn; nhiều em gái phải bỏ học, lấy chồng sớm. Với mong muốn tạo  công ăn, việc làm cho phụ nữ, giúp họ ổn định cuộc sống; đồng thời bảo tồn, phát triển nghề dệt lanh truyền thống, chị Vàng Thị Mai đã thành lập HTX Dệt lanh Lùng Tám (Quản Bạ), tập hợp thành viên là phụ nữ địa phương để đưa các sản phẩm từ lanh trở thành hàng hóa.

Sau hơn 10 năm tìm kiếm thị trường, giờ đây sản phẩm dệt lanh qua đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Mông không chỉ được du khách trong nước yêu thích mà còn mang sứ mệnh “xuất ngoại” qua các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Italia, Pháp, Anh, Canada… Năm 2011, sản phẩm lanh Lùng Tám nhận Cúp vàng hàng thủ công mỹ nghệ các nước, tổ chức tại Malaysia và chị Vàng Thị Mai đại diện phụ nữ Việt Nam tham dự Đại hội Phụ nữ năng động, sáng tạo toàn cầu, tổ chức tại Pháp; nhiều năm liền, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bầu chọn gương phụ nữ năng động, sáng tạo.

Tại buổi gặp mặt cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế phụ nữ; câu chuyện về con đường thành công của chị Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Hà Giang khiến chúng tôi xúc động. Nhận trách nhiệm Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Giang khi mới 38 tuổi, thời điểm đó con còn rất nhỏ, công việc gia đình phải bộn bề lo toan. Nhưng nhờ sự động viên tinh thần rất lớn của chồng, chị quyết tâm “chèo lái” công ty đi đến thành công. Chị kể: “Những lần công tác xa nhà, gọi điện về cho chồng, không dám nói chuyện với con, vì sợ con khóc đòi mẹ; rồi những bữa cơm vắng mẹ cứ nhiều lên. Thương chồng, thương con, nhưng vì nhiệm vụ, tôi luôn nén cảm xúc vào trong để làm việc, hoàn thành nhiệm vụ; đáp ứng nhu cầu về xăng, dầu và các sản phẩm hóa dầu phục vụ phát triển KT – XH của tỉnh”. Hiện nay, công ty có hệ thống cửa hành bán lẻ tại 11 huyện, thành phố; sản lượng xuất bán xăng, dầu năm hàng năm đều tăng; đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động; đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Từ sự nỗ lực của tập thể, công ty đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Bản thân chị Trần Thị Thu Hương được nhận giải thưởng “Nữ doanh nhân tiêu biểu – Cúp Bông hồng Vàng”.

Trên lĩnh vực chính trị, các đồng chí: Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh… đều là những phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Để có được thành công, các chị đã trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn nỗ lực không ngừng để học tập, lao động, sáng tạo, hoàn thành thành xuất sắc nhiệm vụ; bố trí hài hòa công việc gia đình và xã hội.

Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành, vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 chiếm 9,26%; có 84/476 cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ cấp huyện, thành phố và tương đương; nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm vào chức danh trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; tỷ lệ nữ trong cán bộ, công chức, viên chức chiếm trên 30%; số lượng cán bộ nữ được đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp được nâng lên.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, hội viên, phụ nữ các cấp thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua; đấu tranh phòng, chống tội phạm; chung sức xây dựng Nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 59.221 hộ đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch”; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 575 câu lạc bộ trong lĩnh vực gia đình và 1.053 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng nhằm hỗ trợ kịp thời và bảo đảm an toàn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình. Đặc biệt, thực hiện chương trình phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nhiều chị em phụ nữ đã mạnh dạn vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Toàn tỉnh có 390 tổ “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế” và 4 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ; 78 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh. Từ các phong trào thi đua, các cấp Hội đã biểu dương, nhân rộng 869 gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.

Đồng chí Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: “Bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, các cấp hội luôn tạo điều kiện thuận lợi để hội viên, phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống. Tuy nhiên, để chị em thực sự khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình cũng như xã hội, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, rất cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và những người đàn ông trong gia đình, tạo động lực và chỗ dựa vững chắc để phụ nữ vươn lên”. 

Những người phụ nữ nơi cực Bắc Tổ quốc, họ dù ở cương vị nào, làm công việc gì và hoàn cảnh nào cũng luôn nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp sức vào sự phát triển chung của tỉnh; họ như những đóa hoa khoe sắc, lặng lẽ dâng hương thơm ngát cho đời…!

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tân Lập nỗ lực đưa đồng bào hạ sơn

BHG - Tiếng đục, bào lạch cạnh; tiếng máy súc, máy ủi rền vang khắp không gian; từng tốp người nhanh tay dựng cột, rồi giúp nhau lợp những tâm Phi – brô xi – măng để hoàn thiện ngôi nhà… Sự tất bật, nhộn nhịp ấy chính là khởi đầu một cuộc sống "an cư, lạc nghiệp" tại điểm quy tụ dân cư dành cho đồng bào hạ sơn thôn Khá Hạ, thuộc xã đặc biệt khó khăn Tân Lập (Bắc Quang).

 

08/03/2019
Diện mạo mới thôn Lũng Cẩm Trên

BHG - Thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn) hiện có 69 hộ dân với hơn 300 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 98% dân số; thôn được huyện chọn làm điểm xây dựng Làng Văn hóa (LVH) du lịch gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM). Những năm qua, thôn được đầu tư có trọng tâm, cùng sự đồng tình, hưởng ứng của người dân nên đã đổi thay nhanh chóng, tạo nên diện mạo mới trên vùng Cao nguyên đá. 

 

08/03/2019
Đổi mới tác phong, lề lối làm việc ở xã Yên Định

BHG - Là xã "cửa ngõ" của huyện Bắc Mê, những năm qua, bằng sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, Yên Định đã về đích Nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2018. Để đạt được thành quả đó, có phần góp sức quan trọng của cán bộ, đảng viên xã Yên Định thông qua quá trình nghiêm túc thực hiện, cụ thể hóa việc "Nói đi đôi với làm" gắn với đổi mới tác phong, lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính (TTHC); hoạt động hướng về cơ sở, sâu sát với nhân dân.

 

08/03/2019
Ngày thứ 7 chung tay xây dựng Nông thôn mới ở Mèo Vạc

BHG - Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, hợp tác xã… thực hiện thi đua xây dựng NTM, thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã phát động phong trào ngày thứ 7 cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng NTM, mang lại hiệu quả tích cực. Để thực hiện phong trào có hiệu quả, huyện Mèo Vạc chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác quán triệt, triển khai và thực hiện phong trào. Tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về các nội dung chính của phong trào như...

08/03/2019