Cục Thú y: 'Dịch tả lợn lan rộng do người dân giết mổ lợn bệnh'

10:23, 15/03/2019

Chiều 14/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triệu tập cuộc họp khẩn với 17 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi để bàn giải pháp ngăn chặn.

Theo Cục Thú y, đến nay tổng số lợn tiêu hủy là hơn 23.000 con và dịch chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt, chưa xuất hiện tại các trang trại quy mô lớn. Cục nhận định, nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng là rất cao.

Về nguyên nhân dịch lây lan, Cục trưởng Thú y Phạm Văn Đông nói kết quả điều tra bước đầu xác định nguyên nhân chính là một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh.

Virus dịch tả lợn châu Phi tồn tại lâu trong lợn bệnh, sản phẩm từ thịt lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ lẻ có mật độ chăn nuôi cao, hộ chăn nuôi lợn đan xen trong khu dân cư không thường xuyên thực hiện biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch lây lan nhanh.

Ngoài ra, virus có thể lây lan từ khu vực nhiễm dịch sang nơi khác qua phương tiện vận chuyển và con người.

"Qua điều tra 44 ổ dịch cho thấy nguyên nhân lây lan do vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn bệnh, lợn chết chiếm 36%; 25% do con người và phương tiện vận chuyển chưa đảm bảo yêu cầu sát trùng; 39% do sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi chưa qua xử lý nhiệt ở các nhà hàng, khách sạn", ông Đông nói và cho biết các nguyên nhân đó cũng tương tự ở Trung Quốc, Ba Lan.

Trước công bố của Cục Thú y, đại diện nhiều tỉnh cho rằng ổ dịch tại địa phương không nằm trong các nguyên nhân nêu trên. Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay, ổ dịch trên địa bàn chỉ có một con lợn nặng 95 kg bị bệnh, nó được người dân nuôi 9 tháng bằng thức ăn tự cung tự cấp. Ổ dịch nằm ở huyện miền núi, cách quốc lộ khoảng 3 km, đường vào là lối mòn xe máy nên dịch khó lây lan đến với các nguyên nhân như Cục đưa ra.

Cũng giống như Bắc Kạn, ổ dịch tại Điện Biên được phát hiện ở những bản làng vùng sâu, cách đường lớn hơn chục km. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc, ít giao lưu với bên ngoài nên khi có dịch "tỉnh chưa thể xác định nguyên nhân lây lan do đâu".

"Bà con có tập quán khi có lợn ốm, chết thì gọi điện cho họ hàng đến mổ thịt ăn và gói chia nhau mang về. Chúng tôi nghĩ đây có thể là một trong những hướng lây lan", Phó chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến phán đoán.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến thì "không biết phải trả lời thế nào" khi Bí thư Tỉnh uỷ hỏi nguyên nhân dịch. 

Từ thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng không chỉ có các nguyên nhân lây lan dịch như Cục Thú y nêu. "Cục cần sớm xác định nguyên nhân chính thức khiến dịch tả lợn châu Phi lan rộng. Không thể cứ đổ cho chim trời nữa. Đây là vấn đề rất quan trọng, biết nguyên nhân lây lan thì các giải pháp đề ra sẽ hiệu quả hơn", ông Cường nói.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

Tại Việt Nam ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến ngày 11/3, dịch lan ra 17 tỉnh, thành gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: VNEXPRESS.NET


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp triển khai công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

BHG - Ngày 15.3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức họp triển khai công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Báo Hà Giang, Đài PT-TH tỉnh… Tại cuộc họp, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thông tin nhanh về tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong nước. Theo đó, hiện nay tỉnh Hà Giang chưa có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của bệnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền...

15/03/2019
Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

BHG - Dịch tả lợn châu Phi đang lan nhanh, diễn biến phức tạp với số tỉnh, thành phố công bố dịch và số lợn mắc bệnh bị tiêu hủy ngày càng tăng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương và ngành chức năng đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch lây nhiễm vào địa bàn. Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh, triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nêu rõ...

15/03/2019
Xín Mần chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

BHG - Trước diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi, cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Xín Mần đã và đang đẩy mạnh công tác ngăn chặn, phòng chống sự xâm nhập của dịch bệnh. Ngay từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Trung Quốc và nhiều tỉnh, thành nước ta, huyện Xín Mần đã nhanh chóng triển khai các biện pháp tuyên truyền để bà con nâng cao cảnh giác, có những biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi...

15/03/2019
Hiệu quả Nhóm sở thích nuôi cá Bỗng thôn Thanh Sơn

BHG - Thôn Thanh Sơn (Thanh Thủy - Vị Xuyên) là một trong những vùng được thiên nhiên ưu ái, phong cảnh thanh bình, có lợi thế về nuôi trồng thủy sản. Bà con nơi đây chủ yếu là dân tộc Tày, có truyền thống nuôi cá Bỗng từ lâu đời. Hiện nay, loài cá này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Phải mấy lần tới thôn Thanh Sơn, chúng tôi mới gặp được với anh Nguyễn Xuân Đáy - một trong những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và nghỉ dưỡng hiệu quả nhất tại Làng Văn hóa du lịch thôn Thanh Sơn. 

15/03/2019