Hà Giang

Phát huy vị thế hợp tác xã trong nền kinh tế của thành phố

08:40, 04/01/2019

BHG - Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) kiểu mới trở thành bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù trong quá trình hoạt động, các HTX trên địa bàn thành phố Hà Giang (TPHG) còn bộc lộ không ít hạn chế; Song, để HTX từng bước phát triển xứng tầm, tạo bước chuyển thúc đẩy KT-XH phát triển; cấp ủy, chính quyền TPHG có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thực hiện.

Khách tham quan Không gian trưng bày sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc của HTX Đồng Quê, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) - một trong những điểm nhấn thu hút du khách.
Khách tham quan Không gian trưng bày sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc của HTX Đồng Quê, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) - một trong những điểm nhấn thu hút du khách.

Hiện nay, trên địa bàn TPHG có 89 HTX. Tuy nhiên, chỉ có 69 HTX đang hoạt động, gồm: 22 HTX nông nghiệp; 14 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng; 18 HTX giao thông - vận tải và 15 HTX dịch vụ thương mại tổng hợp. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cơ bản ở mức bình ổn; chưa có bước đột phá mới trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Trong khi đó, các HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều HTX năng động, sáng tạo có giải pháp khắc phục khó khăn để giữ tiến độ SXKD, như: HTX Quý Linh, HTX Phước Lộc… tạo thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động. Các HTX thương mại tổng hợp tiếp tục giữ vững hoạt động, đổi mới phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường với đa dạng các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Còn các HTX vận tải hoạt động kinh doanh tương đối ổn định, điển hình như HTX Vận tải Thành Công…

Chị Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc HTX Bản Tùy, xã Ngọc Đường, cho biết: Sau hơn 1,5 năm đi vào hoạt động, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, liên kết với các hộ dân của xã Phong Quang (Vị Xuyên), mở rộng diện tích sản xuất lên 10 ha, gồm 3 ha Nghệ đen và 7 ha chuối Tiêu hồng, tạo vùng sản xuất quy mô lớn. Năm sản xuất đầu tiên, HTX thu 60 tấn nghệ, trên 200 tấn chuối. Sản phẩm của HTX không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, với giá bình quân 10 nghìn đồng/kg chuối và 7 nghìn đồng/kg nghệ. Không chỉ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 25 – 30 lao động, tiền công lên đến 170 nghìn đồng/người/ngày.

Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng theo đánh giá từ cơ quan chuyên môn: Việc phát triển kinh tế HTX trên địa bàn thành phố cũng bộc lộ không ít hạn chế. Đầu tiên là nhận thức về HTX kiểu mới và Luật HTX của một bộ phận cán bộ cơ sở và nhân dân chưa đầy đủ. Một số HTX khi thành lập chưa hội tụ đủ các điều kiện để hoạt động, còn thiếu nhân sự, cơ sở vật chất hoặc không huy động đủ vốn góp theo điều lệ. Hơn nữa, trình độ quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong nhiều HTX còn yếu, thiếu năng động, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh; thiếu tầm nhìn chiến lược. Việc tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường ít được quan tâm; chưa hình thành mối liên kết giữa các thành viên, hộ dân trong việc ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ, sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Không những vậy, công tác quản lý tài chính, hạch toán kế toán của các HTX chưa được chú trọng; việc ghi chép sổ sách, chứng từ chưa đúng quy định, dẫn đến nhiều bất cập trong thực hiện chính sách thuế…

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, cấp ủy, chính quyền TPHG đã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các HTX được tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, TPHG hỗ trợ 30 triệu đồng/HTX theo Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh cho 9 HTX thành lập mới, như: HTX Dược liệu Cao nguyên đá, HTX Bánh chưng gù Bà Dung; HTX Dịch vụ nông nghiệp và du lịch thôn Cao Bành… Mặt khác, TPHG cũng có cơ chế, chính sách khuyến khích các HTX đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất; hợp tác sản xuất và hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Đặc biệt, TPHG còn xây dựng kế hoạch phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, cho đội ngũ cán bộ chủ chốt; mở rộng đào tạo nghề cho các thành viên HTX nhằm giúp họ nắm kiến thức, quy trình tạo ra sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường…

Có thể khẳng định, song hành với cơ chế, chính sách của cấp ủy, chính quyền TPHG; sự năng động, sáng tạo của các HTX sẽ là “chìa khóa” thành công và khẳng định vị thế, vai trò của kinh tế HTX trong nền kinh tế, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của TPHG.

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Nền móng" vững chắc tái cơ cấu kinh tế

BHG - Tái cơ cấu kinh tế được tỉnh đặc biệt quan tâm và coi là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Từ quyết tâm của tỉnh đến các sở, ngành, huyện, thành phố và cán bộ, đảng viên, những "viên gạch" đầu tiên đặt "nền móng" cho cuộc cách mạng cơ cấu lại nền kinh tế đã và đang được xây dựng vững chắc. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn từng chia sẻ: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2020...

31/12/2018
Nông nghiệp Hà Giang hội nhập kinh tế quốc tế

BHG – Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhân dịp đầu năm mới 2019, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018 – 2020.

31/12/2018
Bắc Quang: 80 nhóm cùng sở thích phát triển kinh tế từ Chương trình CPRP

BHG - Từ năm 2015 đến nay, thông qua Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh, huyện Bắc Quang đã thành lập được 80 nhóm cùng sở thích (CIG) phát triển kinh tế, thu hút 829 thành viên tham gia. Các nhóm CIG đi vào hoạt động đã làm thay đổi tư duy, nhận thức lao động của người dân, hướng đến liên kết mở rộng sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, làm tăng cao mức thu nhập cho gia đình.

29/12/2018
Diễn đàn Xúc tiến phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

BHG - Vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức diễn đàn Xúc tiến phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh ta nhằm định hướng cho nhà sản xuất phát triển sản phẩm.

29/12/2018