Hà Giang

Đòn bẩy thúc đẩy ngành chăn nuôi huyện Hoàng Su Phì phát triển

11:04, 03/01/2019

BHG - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn tổ chức, cá nhân được vay vốn, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại; qua đó tạo luồng sinh khí mới, thúc đẩy KT – XH trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì phát triển, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Nhờ chính sách cho vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò hàng hóa.
Nhờ chính sách cho vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò hàng hóa.

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định và hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo các xã, thị trấn niêm yết công khai và chú trọng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới người dân và thành lập Tổ tư vấn thực hiện các chính sách. Đồng thời, thành lập Tổ tổng hợp nhu cầu vốn vay, Tổ thẩm định để tiến hành thẩm định đối với các hộ đã đăng ký; cân đối đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn để giải ngân; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân đối với các hộ đã có đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đối với các hộ đã được giải ngân; thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, tổ chức giao ban hàng tháng, hàng quý để đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm đề xuất các giải pháp, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, ngân hàng cấp trên nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình triển khai thực hiện. Đăng tải nội dung các chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện trên Trang thông tin điện tử của huyện; đồng thời, tổ chức lồng ghép vào các cuộc họp thôn, các buổi tập huấn về nội dung, cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay gắn với hướng dẫn, tổng hợp danh sách các hộ có nhu cầu hỗ trợ vay vốn…

Đồng chí Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có 30 trang trại, trong đó 7 trang trại chăn nuôi trâu, bò; 13 trang trại chăn nuôi lợn; 7 trang trại chăn nuôi dê… Tổng đàn trâu, bò toàn huyện đạt con số gần 30.000 con. Tính đến hết tháng 12.2018, tổng số hộ đã đăng ký vay vốn theo Nghị quyết 209 HĐND tỉnh lũy kế là 1.317 hộ, tương ứng với tổng kinh phí là 116 tỷ 378 triệu đồng. Tổ thẩm định của huyện Hoàng Su Phì đã thẩm định được 1.317/1.317  hộ, lũy kế số hộ đủ điều kiện vay vốn là 513 hộ, nhu cầu vay vốn là 41 tỷ 934 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ chăn nuôi trâu bò: Lũy kế số hộ đăng ký 1.263 hộ, nhu cầu vay vốn 111 tỷ 160 triệu đồng, đã thẩm định 1.263 hộ, số hộ đủ điều kiện vay vốn 494 hộ, đã giải ngân 39 tỷ 665 triệu đồng cho 488 hộ để mua 1.983 con trâu, bò. Hỗ trợ nuôi ong: Lũy kế số hộ đăng ký vay vốn 9 hộ, khối lượng 440 tổ, nhu cầu vay vốn 440 triệu đồng. Hỗ trợ chăn nuôi lợn: Lũy kế số hộ đăng ký vay vốn 18 hộ, với số lượng 854 con nhu cầu vốn 1.281 triệu đồng; đã giải ngân 7 hộ, với số tiền 439 triệu đồng. Hỗ hỗ trợ đối với cây chè: Lũy kế số hộ đăng ký 6 hộ với số lượng 9ha, nhu cầu vốn 270 triệu đồng…

Anh Hoàng Văn Điền, thôn Thành Công, xã Bản Péo chăm sóc đàn gia súc của gia đình.
Anh Hoàng Văn Điền, thôn Thành Công, xã Bản Péo chăm sóc đàn gia súc của gia đình.

Nhận thấy việc nuôi trâu, bò sinh sản mang hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Hoàng Văn Điền, thôn Thành Công, xã Bản Péo đã vay 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và mua 5 con trâu, bò sinh sản. Ngoài tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, gia đình anh còn đầu tư trồng 7ha cỏ và 1.500 cây chuối tiêu hồng để lấy thân và lá (nông sản phụ) vỗ béo cho đàn gia súc. Anh Điền chia sẻ: Để đàn gia súc nhanh lớn, thức ăn chủ yếu là rau, cỏ voi trộn lẫn cám và thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như ngô, khoai, sắn. Bên cạnh đó, gia đình anh luôn chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y... Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh mà gia đình anh có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập đáng kể…

Theo lãnh đạo xã Bản Péo cho biết: Trên địa bàn xã có tổng số 288 hộ dân với 1.484 khẩu, đây là xã có thế mạnh về phát triển cây chè và chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay tổng đàn gia súc của xã là 2.593 con, chủ yếu là trâu, bò. Tính đến thời điểm hiện tại, xã đã giải ngân được 1 tỷ 540 triệu đồng cho các hộ vay theo Nghị quyết 209/HĐND tỉnh, mua được 52 con trâu và 15 con bò. Nguồn vốn vay đã giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa. Nhiều gia đình đã mở rộng được quy mô chăn nuôi đàn gia súc từ 5 - 10 con. Hiện nay, xã đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tăng diện tích trồng cỏ tại các vùng canh tác kém hiệu quả, xây dựng chuồng trại theo quy định và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Đến thăm mô hình chăn nuôi của anh Phàn Văn Hon, thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên - một trong những gia đình điển hình trong phát triển kinh tế của thôn. Anh Hon chia sẻ: Trước đây gia đình anh chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc chỉ phục vụ cày kéo. Từ khi có Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, anh đăng ký vay 60 triệu, mua 3 con trâu, hiện đã sinh sản được 2 con, nâng tổng số trâu trong chuồng hiện nay là 6 con. Ngoài tận dụng rơm dạ sẵn có sau vụ gặt, anh còn trồng 2ha cỏ, đầu tư mua máy thái cỏ để phục vụ đàn gia súc của gia đình. Không chỉ có gia đình anh Hon, hiện nay thôn Làng Giang có 10 hộ gia đình khác cũng vay với tổng số 400 triệu đồng để phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.

Có thể nói, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh, huyện Hoàng Su Phì đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt, được người dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực. Kết thúc năm 2018, tỷ trọng chăn nuôi, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 28,5%, đạt 119,7% so với kế hoạch, tăng 20,5% so với năm 2017; bình quân lương thực đầu người trên 572kg/người/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 20,45 triệu đồng/người/năm. Thành quả đó đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của BCH Đảng huyện về phát triển chăn nuôi, trâu bò hàng hóa tập trung, theo vùng giai đoạn 2015 – 2020.

T.THỦY - P.MẠNH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nông nghiệp Hà Giang hội nhập kinh tế quốc tế

BHG – Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhân dịp đầu năm mới 2019, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018 – 2020.

31/12/2018
"Nền móng" vững chắc tái cơ cấu kinh tế

BHG - Tái cơ cấu kinh tế được tỉnh đặc biệt quan tâm và coi là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Từ quyết tâm của tỉnh đến các sở, ngành, huyện, thành phố và cán bộ, đảng viên, những "viên gạch" đầu tiên đặt "nền móng" cho cuộc cách mạng cơ cấu lại nền kinh tế đã và đang được xây dựng vững chắc. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn từng chia sẻ: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2020...

31/12/2018
Diễn đàn Xúc tiến phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

BHG - Vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức diễn đàn Xúc tiến phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh ta nhằm định hướng cho nhà sản xuất phát triển sản phẩm.

29/12/2018
Bắc Quang: 80 nhóm cùng sở thích phát triển kinh tế từ Chương trình CPRP

BHG - Từ năm 2015 đến nay, thông qua Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh, huyện Bắc Quang đã thành lập được 80 nhóm cùng sở thích (CIG) phát triển kinh tế, thu hút 829 thành viên tham gia. Các nhóm CIG đi vào hoạt động đã làm thay đổi tư duy, nhận thức lao động của người dân, hướng đến liên kết mở rộng sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, làm tăng cao mức thu nhập cho gia đình.

29/12/2018