Tự hào danh trà Shan tuyết

10:38, 04/12/2018

BHG - Sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn, phục tráng nguồn gen quý, giống chè cổ thụ, Chè Shan tuyết nơi non cao địa đầu Tổ quốc đã vươn tầm cao mới khi mang trong mình Chỉ dẫn địa lý "Hà Giang".

Không gian thưởng Trà thu hút nhiều du khách nước ngoài tham quan, thưởng trà.
Không gian thưởng Trà thu hút nhiều du khách nước ngoài tham quan, thưởng trà.

Không gian thưởng Trà, giới thiệu sản phẩm nông sản thuộc Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh và công bố Chỉ dẫn địa lý "Hà Giang" cho sản phẩm Chè Shan tuyết do UBND tỉnh tổ chức đầu tháng 12, tại Quảng trường 26.3 (TP. Hà Giang) đã khép lại nhưng vẫn đọng trong trái tim mỗi người con của mảnh đất địa đầu Tổ quốc niềm xúc động, tự hào. Giờ đây, sau Chỉ dẫn địa lý Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, cam Sành Hà Giang, Hồng không hạt Quản Bạ, Gạo tẻ Già Dui Xín Mần; Chè Shan tuyết trở thành sản phẩm thứ 5 của tỉnh có Chỉ dẫn địa lý. Điều này đưa Hà Giang trở thành địa phương sở hữu nhiều Chỉ dẫn địa lý nhất Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước đối với một đặc sản của Hà Giang, gắn liền với đời sống văn hóa cộng đồng người Dao và Mông. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phát triển sản xuất nông nghiệp của nước ta thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) Phan Ngân Sơn cho biết.

Thiếu nữ dân tộc Tày pha chè Shan tuyết mời khách thưởng thức tại Không gian thưởng Trà.
Thiếu nữ dân tộc Tày pha chè Shan tuyết mời khách thưởng thức tại Không gian thưởng Trà.

Khoan thai thưởng thức chén chè Shan tuyết thơm ngon, nồng ấm trong tiết trời đêm se lạnh tại Không gian thưởng Trà, chị Delilah Kealy-Roberts, du khách đến từ Vương quốc Anh thốt lên: Đúng là tuyệt đỉnh danh trà của Việt Nam! Còn bạn chị, anh Ryan Gray nhận xét: Tôi từng thưởng thức một số loại chè của Việt Nam nhưng chưa thấy loại nào thơm, ngon, độc đáo như chè Shan tuyết Hà Giang! Những lời ngợi khen của du khách nước ngoài dành cho chè Shan tuyết Hà Giang cũng là tình cảm, niềm tự hào của bao người trồng chè. Sau nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn, phục tráng nguồn gen quý giống chè cổ thụ, chè Shan tuyết nơi non cao địa đầu Tổ quốc đã vươn lên tầm cao mới khi mang trong mình Chỉ dẫn địa lý "Hà Giang".

Chè được xác định là một trong những cây hàng hóa chiến lược trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh; tổng diện tích hiện có trên 20.600 ha. Trong đó, gần 18.232 ha đang cho thu hoạch, đạt sản lượng trên 67.500 tấn/năm, đứng thứ 3 cả nước. Đặc biệt, tỉnh ta có nhiều rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi; tập trung ở vùng có độ cao 600 đến trên 1 nghìn mét so với mực nước biển. Nơi đây, khí hậu quanh năm mát mẻ, thậm chí được bao phủ bởi sương tuyết để tạo nên vùng nguyên liệu chè Shan tuyết vốn được coi là "vàng xanh" của núi rừng Hà Giang. Không những vậy, cây chè sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng. Việc thu hoạch và khai thác hoàn toàn tự nhiên đã tạo nên chất lượng đặc thù của sản phẩm với những vùng chè nổi tiếng như: Cao Bồ, Thượng Sơn, Nậm Ty, Túng Sán, Hồ Thầu… Chất lượng tuyệt hảo của chè Shan tuyết Hà Giang đã vươn xa đến 20 quốc gia trên thế giới.

Nhằm nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người trồng chè và người tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm; UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với Ban Điều phối Chương trình CPRP xây dựng Chỉ dẫn địa lý sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang. Sau bao nỗ lực của các cấp, ngành, sản phẩm chè Shan tuyết được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý "Hà Giang" trên địa bàn 6 huyện, thành phố với 44 xã có sản phẩm chè Shan tuyết. Chia sẻ về thành công này, Giám đốc Ban Điều phối Chương trình CPRP tỉnh Đào Thị Lan Anh xúc động, nói: Việc chè Shan tuyết Hà Giang được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế địa phương, gìn giữ và bảo tồn cây chè cổ thụ. Đây là tiền đề góp phần đưa sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang trở thành thương hiệu mạnh, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Qua đó, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mang lại nguồn thu ổn định, thịnh vượng cho người sản xuất, kinh doanh chè.

Đi liền với việc xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý chính là quản lý, phát triển và quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Nguyễn Đức Vinh cho biết: Với vai trò cơ quan quản lý Chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Hà Giang, Sở sẽ có các hoạt động quản lý, khai thác hiệu quả. Trong đó, tiến hành giám sát, kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu về chất lượng được thông qua trong toàn bộ hệ thống các nhà sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đối với cây chè Shan tuyết. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, cá nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết với mục đích cốt lõi nâng cao thu nhập cho người nông dân…

Thực tế cho thấy, Chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Hà Giang chính là sự tôn vinh thành quả lao động của người trồng chè nơi rẻo cao. Đi liền với niềm tự hào này, các cấp, ngành của tỉnh đã xác định những bước đi chiến lược để gìn giữ, phát huy thương hiệu, danh tiếng chè Shan tuyết. Đặc biệt hơn, như chia sẻ của Giám đốc HTX Tây Côn Lĩnh (Vị Xuyên) Phạm Thị Minh Hải: Người sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết dành cả sự tâm huyết, trách nhiệm để mang đến người thưởng trà những sản phẩm sạch nhất, chất lượng nhất, tinh túy nhất của đất trời Hà Giang…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Giang triển khai Thông tư số 19

BHG - Chiều 30.11, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Dự Hội nghị có lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Giang, đại diện các đơn vị có liên quan; các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng chính sách trên địa bàn tỉnh…

30/11/2018
Phát huy vai trò của người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng ở Đồng Văn

BHG - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) trên địa bàn huyện Đồng Văn được triển khai rất hiệu quả. Thông qua việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và công tác tuyên truyền đến người dân, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện được quản lý, bảo vệ tốt, góp phần thiết thực vào phát triển KT-XH, bảo đảm QP - AN của huyện... Kết quả đó, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, sự vào cuộc của lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền cơ sở, người dân sở tại đóng vai trò rất quan trọng.

 

30/11/2018
Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hà An khai thác lợi thế của địa phương để phát triển

BHG - Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Hà An, xã Sà Phìn (Đồng Văn) được thành lập và hoạt động từ đầu năm 2018, với 7 xã viên là người dân trong thôn có chung mục đích phát huy tinh thần tự chủ, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương trong việc nuôi và phát triển đàn ong nội, làm dịch vụ du lịch Homstay kết hợp bán hàng tạp hóa… Qua thời gian hoạt động, HTX đã khẳng định đi đúng hướng và phù hợp với điều kiện cuộc sống của các thành viên.

 

30/11/2018
Xã Cốc Rế thực hiện di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở

BHG - Năm 2018, với sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, xã Cốc Rế (Xín Mần) đã cơ bản hoàn thành việc di dời số chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Cốc Rế là xã có 494 hộ với hơn 2 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Nùng sinh sống...

30/11/2018