Hà Giang

Bắc Quang phát triển đàn trâu xứng tầm "đầu cơ nghiệp"

09:39, 10/11/2018

BHG - Để phát triển đàn trâu xứng tầm “đầu cơ nghiệp”, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Bắc Quang đã thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho vật nuôi. Mặc dù có khó khăn trong quá trình thực hiện, song phương pháp này đã tiếp động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn huyện thêm phát triển.

Trâu nghé của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Hùng Tiến (xã Hùng An) ra đời từ phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Trâu nghé của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Hùng Tiến (xã Hùng An) ra đời từ phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Bắc Quang là một trong những huyện có tổng đàn trâu tương đối lớn so với các địa phương khác của tỉnh, với tổng đàn lên đến 22.850 con. Tuy nhiên, do điều kiện chăn thả tự do nên tỷ lệ trâu sinh sản bị giao phối cận huyết khá phổ biến. Điều này khiến tỷ lệ trâu phối giống đạt thấp, có xu hướng giảm về khối lượng và chất lượng giống. Trong khi đó, việc chăn nuôi trâu đang có xu hướng chuyển dần từ mục đích lấy sức kéo sang nuôi lấy thịt. Thực tiễn này đòi hỏi bước đi chiến lược, không chỉ thay đổi nhận thức, cách làm của người dân mà còn áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật mới để thúc đẩy ngành chăn nuôi trâu đáp ứng nhu cầu thị trường. Do vậy, năm 2016, UBND huyện Bắc Quang đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền núi phía Bắc triển khai Đề tài khoa học TTNT cho đàn trâu tại xã Hùng An. Từ kết quả ban đầu, chính quyền sở tại đã giao nhiệm vụ cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với cơ quan liên quan, rà soát số lượng trâu sinh sản trên địa bàn huyện để thực hiện TTNT giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, những trâu cái được bình tuyển để TTNT phải đảm bảo các tiêu chí về: Ngoại hình (có dáng nhanh nhẹn, da mỏng, lông thưa, các phần đầu, cổ, thân, vai kết hợp hài hòa); trọng lượng cơ thể (trên 300 kg); động dục lần đầu trong khoảng thời gian từ 33 – 36 tháng tuổi; khoảng cách sinh sản giữa 2 lần ngắn…

Để từng bước nâng tầm vóc “đầu cơ nghiệp” từ phương pháp TTNT, các cơ quan chuyên môn của huyện Bắc Quang đã phối hợp tổ chức 78 lớp tập huấn về 6 quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi trâu lai cho hơn 2.500 lượt người tham gia, tại 21/23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, áp dụng kỹ thuật TTNT cho đại gia súc do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền núi phía Bắc chuyển giao cho đội ngũ dẫn tinh viên cơ sở, gồm: Quy trình kỹ thuật chăm sóc trâu cái sinh sản; chế biến thức ăn cho trâu lai; TTNT tinh trâu Murrah dạng cọng rạ; chăm sóc trâu cái sinh sản và quy trình làm chuồng trại cho trâu lai. Đồng thời, sử dụng tinh trâu Murrah lạnh do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền núi phía Bắc, Trung tâm Giống gia súc lớn T.Ư sản xuất để cải tạo, nâng cao chất lượng, số lượng đàn trâu thông qua TTNT.

Chị Vương Thị Bình, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Do đặc điểm sinh lý, mùa động dục của trâu sinh sản bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện kế hoạch TTNT cho đàn trâu. Thêm vào đó, đa phần người chăn nuôi không phát hiện được việc động dục của trâu sinh sản (động dục ẩn). Trong khi đó, thời gian động dục của trâu cái chỉ diễn ra trong vòng 72 giờ. Khi người dân phát hiện trâu động dục để báo với cơ quan chuyên môn, tiến hành TTNT thì đã qua thời điểm thích hợp nhất để thực hiện. Do vậy, kết quả phối giống thành công chưa cao... Mặc dù có trở ngại, song phương pháp TTNT cho đàn trâu từng bước chứng minh sự ưu việt trong việc cải tạo tầm vóc “đầu cơ nghiệp”. Đến nay, trong tổng số trên 600 trâu sinh sản được bình tuyển đã có 327 con được TTNT thành công, đạt tỷ lệ 54,5%. Số nghé lai sơ sinh có trọng lượng từ 29 – 37 kg, trong khi trâu nội có trọng lượng từ 18 – 26 kg. Không những vậy, số nghé lai sau sinh có khả năng thích nghi, phát triển tốt với điều kiện tự nhiên.

 Đặc biệt, theo đánh giá từ cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang, thông qua phương pháp TTNT cho đàn trâu đã góp phần hình thành thói quen chăn nuôi tập trung, gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ và chú trọng chăm sóc vật nuôi của nhiều hộ dân, nhất là tại các xã chăn nuôi đại gia súc phía Đông sông Lô như: Hữu Sản, Liên Hiệp, Đồng Tâm, Đức Xuân, Đồng Tiến… Đến nay, tổng diện tích cỏ trên địa bàn huyện lên đến trên 1,6 nghìn ha. Cùng với đó, trong 10 tháng đầu năm 2018, toàn huyện có thêm 12 gia trại chăn nuôi trâu, bò tại các xã: Việt Vinh, Tân Lập, Đồng Tâm, Tân Quang... với quy mô nuôi 15 – 40 con/gia trại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện đã và đang nỗ lực thực hiện các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm trâu giống và trâu thịt trên địa bàn huyện. Đồng thời, quy hoạch, đầu tư xây dựng lò giết mổ, chế biến gia súc đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Chú trọng tập huấn nâng cao trình độ cho các hộ chăn nuôi về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và kỹ năng tiếp cận thị trường trong kinh doanh sản phẩm từ đại gia súc… Qua đó, từng bước phát triển đàn trâu xứng tầm “đầu cơ nghiệp”, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thơm ngọt mùa cam Trung Thành

BHG - Có dịp quay trở lại thăm vùng đất Nông thôn mới Trung Thành (Vị Xuyên), mới thấy làng quê như khoác lên màu áo mới với diện mạo trù phú. Những con đường bê – tông phẳng lỳ nối liền các thôn, xóm; trên khắp các sườn đồi là những vườn cam trĩu quả, chuẩn bị vào niên vụ thu hoạch mới. Những năm gần đây, cây trồng chủ lực này đã giúp cuộc sống của người dân Trung Thành "thay da, đổi thịt" từng ngày, đưa diện mạo nông thôn của địa phương thực sư mới! Trung Thành có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho sự phát triển của cây cam. Với màu vàng óng ả, căng mọng đến từng tép, múi và vị ngọt đậm đà...

10/11/2018
Hiệu quả Nhóm cùng sở thích nuôi dê ở Bản Khoéc

BHG - Trước đây, Bản Khoéc là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Thượng Sơn (Vị Xuyên), với tỷ lệ hộ nghèo cao; tập quán sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu. Để giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) đã hỗ trợ người dân hình thành và phát triển Nhóm cùng sở thích (CIG) nuôi dê hàng hóa. Nhóm CIG nuôi dê thôn Bản Khoéc được thành lập cuối năm 2016 với 10 thành viên, trong đó có 6 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Ngay khi thành lập, nhóm đã xây dựng phương án chăn nuôi với tổng nguồn vốn ban đầu trên 200 triệu đồng. Trong đó, Chương trình CPRP hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại là vốn góp của các thành viên. 

09/11/2018
Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tại huyện Bắc Quang

BHG - Ngày 9.11, tại UBND huyện Bắc Quang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: "Liên kết trong phát triển kinh tế Vườn – Cơ hội, thách thức và giải pháp". Tham dự diễn đàn có Tiến sĩ Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Giáo sư Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; lãnh đạo Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, UBND huyện Bắc Quang; Hội Làm vườn, Trung tâm Khuyến nông và nông dân tiêu biểu đến từ 5 tỉnh Hà Giang...

09/11/2018
Quang Bình nâng tầm vóc đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

Năm 2017, chăn nuôi của huyện Quang Bình đạt 35,6% giá trị sản xuất nông nghiệp; cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm tại địa phương. Trong đó, con trâu được xác định là cơ nghiệp chính thúc đẩy kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Để nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn trâu, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về cải tạo giống trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) và lựa chọn làm điểm tại xã Bằng Lang.

 

09/11/2018