Mỏ khai thác đá và trạm trộn bê - tông ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân phường Ngọc Hà

08:26, 02/10/2018

BHG - Trên địa bàn phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang), mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và trạm trộn bê - tông hoạt động nhiều năm nay, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống hàng trăm hộ dân tổ 4, 5 phường Ngọc Hà và khu vực lân cận. Sự việc kéo dài, người dân nhiều lần phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện!

Nhiều hộ dân tổ 5, phường Ngọc Hà bị nứt tường nhà do rung chấn nổ mìn phá đá.
Nhiều hộ dân tổ 5, phường Ngọc Hà bị nứt tường nhà do rung chấn nổ mìn phá đá.

Nứt nhà, bụi bẩn và ô nhiễm nước ngầm

Qua tìm hiểu, mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng do Công ty TNHH Hải Phú quản lý, hoạt động từ năm 2011 và 20 năm nữa mới hết hiệu lực khai thác. Rung chấn từ hoạt động nổ mìn phá đá khiến nhà của hàng chục hộ dân quanh khu vực bị nứt, hư hỏng.

Bà Nguyễn Thị Hương sống gần mỏ đá cho biết: Mỗi khi mỏ đá nổ mìn, các cánh cửa nhà tôi rung bần bật. Nhiều năm nay, mỏ đá hoạt động khiến gần như các vị trí trên căn nhà của gia đình tôi bị rạn nứt. Những năm trước, một số hộ dân có nhà bị nứt nghiêm trọng, kiến nghị nhiều nên công ty mua lại đất, nhà để họ tái định cư chỗ khác.

Mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Hải Phú nằm sát khu dân cư tổ 5, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang).
Mỏ khai thác đá của Công ty TNHH Hải Phú nằm sát khu dân cư tổ 5, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang).

Theo Tổ trưởng tổ 5, phường Ngọc Hà Nguyễn Thị Bình: Tổ có hơn 100 hộ, phần lớn đều bị ảnh hưởng từ hoạt động của mỏ đá. Riêng tuyến đường La Văn Cầu dẫn vào mỏ đá có gần 30 hộ, hầu hết đều bị nứt nhà hoặc các công trình xây dựng; có những lúc nổ mìn, đá văng vỡ mái nhà một số hộ dân. Ảnh hưởng của hoạt động nổ mìn khai thác đá còn lan tới các hộ dân ở các tổ khác, khiến họ cũng bức xúc.

Bà Vũ Thị Dinh, nhà nằm trên đường La Văn Cầu bức xúc: Tuyến đường này ngày nào cũng rầm rập xe tải qua lại, bụi bẩn bay mù mịt, chúng tôi phải đóng kín cửa cả ngày lẫn đêm. Hơn nữa, từ khi mỏ khai thác đá và trạm trộn bê - tông hoạt động, mưa lớn làm đất, đá thải vùi lấp, tắc cống, rãnh thoát nước nên, đường La Văn Cầu trở thành… suối. Mùa mưa vừa qua, nhà tôi còn bị nước ngập gần một mét - bà Dinh chia sẻ.

Các hộ dân nằm trên đường La Văn Cầu luôn hứng chịu bụi bẩn do các xe vận chuyển đá.
Các hộ dân nằm trên đường La Văn Cầu luôn hứng chịu bụi bẩn do các xe vận chuyển đá.

 Bí thư Chi bộ tổ 5, Đoàn Văn Phúc cho biết: Ảnh hưởng của mỏ đá ai cũng nhìn thấy, nhưng hoạt động trạm trộn bê - tông của Công ty TNHH Hưng Phụng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Bí thư Phúc dẫn chứng bằng video do ông trực tiếp ghi lại về hoạt động xả nước thải trong qua trình rửa cối và xe trộn bê - tông được xả thẳng ra suối cạn trong khu vực. Ông Phúc thông tin thêm, hầu hết các hộ dân trên tuyến đường La Văn Cầu và trong tổ vẫn sử dụng nước giếng, nên việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường rất có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Cần sớm có phương án xử lý

Theo Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà Nguyễn Hồng Tuấn, việc người dân phản ánh về hoạt động của mỏ khai thác đá và trạm trộn bê - tông gây ảnh hưởng đến cuộc sống đã kéo dài nhiều năm. Các kiến nghị được cấp ủy, chính quyền phường tiếp thu, tổ chức làm việc với doanh nghiệp và kiến nghị lên cấp trên. Các doanh nghiệp đã thuê người quét và tưới nước đường La Văn Cầu để giảm bụi bẩn; trạm trộn bê - tông đã đào hố làm bể lắng nước thải trước khi xả ra môi trường; mỏ đá thực hiện nổ mìn phá đá theo đúng thời gian quy định… Tuy nhiên, do 2 dự án này nằm sát khu dân cư nên khó tránh khỏi việc gây ra các ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân.

Các hộ dân tổ 5, phường Ngọc Hà khẳng định: Chỉ khi nào dừng khai thác đá và di rời trạm trộn bê - tông đi nơi khác mới có thể xử lý dứt điểm những tác động đến môi trường và cuộc sống của người dân. Mong mỏi này, các hộ dân nhiều lần kiến nghị trong các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phường, thành phố và các Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, nhưng đến nay, vẫn chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Phú cho biết: Mỏ đá mới khai thác chưa đến 10 năm, doanh nghiệp đầu tư nhiều tiền của vào dây truyền khai thác hiện đại, đồng bộ, thực hiện đầy đủ việc đảm bảo an toàn, môi trường theo quy định. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi việc ảnh hưởng tới các hộ dân xung quanh, những năm trước, doanh nghiệp đã thỏa thuận với 12 hộ dân sống sát mỏ đá, mua lại đất, nhà để họ di chuyển đến nơi ở khác; đồng thời thuê người quét đường, mua xe tưới nước rửa đường… nên đã hạn chế phần nào những tác động xấu.

Được biết, từ năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng chuyển địa điểm khai thác đá, trạm trộn bê -  tông, dây truyền sản xuất cột điện bê - tông ly tâm, gạch không nung và các cấu kiện bê - tông đúc sẵn của Công ty TNHH Hải Phú lên khu vực km 7 đường Hà Giang – Đồng Văn. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền tỉnh vẫn chưa được thực thi, còn người dân tổ 4, 5 phường Ngọc Hà vẫn sống trong ô nhiễm và lo sợ!?

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hợp tác xã Tuấn Băng phát huy hiệu quả từ sản xuất chế biến chè

BHG - Phát huy lợi thế sẵn có của vùng chè, thời gian qua nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tập trung tổ chức liên kết thành lập các hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè, từng bước đổi mới chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Trong đó, HTX Thương mại tổng hợp Tuấn Băng có trụ sở tại xã Nà Trì, huyện Xín Mần là một trong những HTX đã đạt được những thành quả nhất định trong việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chè đặc trưng của tỉnh. Được thành lập năm 2006 với tổng số vồn ban đầu là 2 tỷ đồng gồm 9 thành viên tham gia...

30/09/2018
Xoá đói, giảm nghèo ở Thượng Bình còn lắm gian nan

BHG- Xã Thượng Bình (Bắc Quang) có 442 hộ, trên 2 nghìn khẩu, sống tại 7 thôn, bản; trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 51%. Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 – 2020 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo còn 45,6%; địa hình chia cắt mạnh, xuất phát điểm kinh tế thấp… nên công cuộc xoá đói, giảm nghèo còn nhiều gian nan. Tôi có mặt tại xã Thượng Bình vào đúng dịp chợ phiên, chợ họp trước cổng UBND xã trong một khoảng đất hẹp, khá đông người đến chợ; nhiều hàng hoá được các tiểu thương mang đến bán cho đồng bào địa phương...

30/09/2018
Xã Nghĩa Thuận vào vụ thu hoạch Hồng không hạt

BHG - Xã Nghĩa Thuận được mệnh danh là vựa hồng của huyện Quản Bạ, với hơn 70 ha cho thu hoạch; vụ hồng năm nay ước tính sẽ thu khoảng 50 tấn quả, giúp nhiều người dân xoá đói, giảm nghèo hiệu quả. Đến thăm vườn hồng của gia đình ông Vàng Dung Pháng, thôn Cốc Pục, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ), ông cho biết: Gia đình có gần 2 ha hồng, trong đó, gần 1 ha đang cho thu hoạch. So với năm trước, vụ hồng năm nay năng suất cao hơn, ước đạt 4 tấn quả; giá bán khoảng 30 nghìn đồng/kg, gia đình tôi sẽ thu được trên 120 triệu đồng...

30/09/2018
Mở hồ sơ dự thầu gói thầu cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm, phân tích mẫu và đánh giá chứng nhận sản phẩm cam Sành và Chè búp tươi được sản xuất phù hợp tiêu chuẩn VietGAP

BHG - Ngày 27.9, Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm sản và Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) tổ chức mở thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ kiểm nghiệm, phân tích mẫu và đánh giá, chứng nhận sản phẩm cam Sành và Chè búp tươi được sản xuất phù hợp tiêu chuẩn VietGAP (TCVN 11892-1:2017) cho cơ sở sản xuất Cam và Chè tại Hà Giang. Dự Lễ mở thầu có lãnh đạo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông – lâm sản và Thủy sản; đại diện các sở, ngành chức năng; tổ chuyên gia đấu thầu và các nhà thầu…

 

28/09/2018