Hoàng Su Phì chủ động sản xuất vụ Đông

16:42, 18/10/2018

BHG - Thời điểm này, nhân dân các xã của huyện Hoàng Su Phì đã chủ động, khẩn trương xuống đồng, sản xuất vụ Đông sớm; nhiều cây trồng ngắn ngày bắt đầu cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao.

Trên con đường gập ghềnh dẫn đến thôn Ngài Thầu, xã Thàng Tín trong ngày đầu Đông, những cánh đồng rau Bắp cải, Su hào đang được người dân vun trồng tươi tốt. Ngừng tay chăm sóc, bón phân lứa rau đầu vụ, anh Hạng Seo Thề cho biết: “Hơn tháng nay, gia đình trồng, chăm sóc trên 1 nghìn m2 Bắp cải, Su hào, rau cải... Các loại rau đều sinh trưởng, phát triển tốt, một số bắt đầu cho thu hoạch. Rau đầu vụ được giá nên gia đình có thêm nguồn thu nhập khá”. Anh Vàng Xuân Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thàng Tín cho biết: Thôn Ngài Thầu có truyền thống trồng rau vụ Đông; người dân thường đẩy nhanh tiến độ thu hoạch ngô vụ Mùa, giải phóng diện tích đất trồng rau vụ Đông. Việc kiểm tra đồng ruộng, chăm sóc cây trồng như cắt tỉa lá già, trừ sâu, nhổ cỏ dại, trồng dặm cây vụ Đông được bà con thực hiện một cách tỉ mỉ. Trên cánh đồng thôn Ngài Thầu, chúng tôi được chứng kiến chị Hạng Seo Sèng cần mẫn dùng tay bắt sâu cho vườn Bắp cải chuẩn bị vào kỳ cuốn lá. Chị Sèng cho biết: Thôn Ngài Thầu có điều kiện tự nhiên thuận lợi, quanh năm sương mù bao phủ, độ ẩm cao, đất tơi xốp, rất phù hợp trồng cây vụ Đông. Ở đây, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất trong quá trình chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh...

Chị Hạng Seo Sèng, thôn Ngài Thầu bắt sâu hại rau vụ Đông.
Chị Hạng Seo Sèng, thôn Ngài Thầu bắt sâu hại rau vụ Đông. Ảnh: ĐẠI TÂM

Chủ tịch UBND xã Thàng Tín Bùi Tuyên Hùng cho biết: Năm nay, địa phương phấn đấu trồng gần 160 ha rau các loại. Việc tích cực, chủ động trong sản xuất rau vụ Đông sớm của người dân đã góp phần quan trọng để xã hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã luôn tạo điều kiện thúc đẩy việc sản xuất rau vụ Đông như lập Nhóm sở thích trồng rau, liên kết với một số siêu thị ở các thành phố lớn nhằm tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy, nhiều gia đình trồng rau vụ Đông có nguồn thu nhập khá, trung bình 30 - 40 triệu đồng/vụ; có gia đình đạt 70 triệu đồng/vụ sau khi trừ chi phí.

Gia đình anh Hạng Seo Thề, thôn Ngài Thầu cùng cán bộ xã Thàng Tín kiểm tra rau Bắp cải vụ Đông sớm.
Gia đình anh Hạng Seo Thề, thôn Ngài Thầu cùng cán bộ xã Thàng Tín kiểm tra rau Bắp cải vụ Đông sớm.

Năm nay, huyện Hoàng Su Phì triển khai quyết liệt kế hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành sản xuất; chủ động tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp; phát huy vai trò hoạt động của các HTX, Tổ chỉ đạo sản xuất, Nhóm sở thích. Đến thời điểm hiện tại, các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp cơ bản hoàn thành kế hoạch, đồng thời đang phấn đấu trồng thêm 1.200 ha rau đậu các loại.

Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT Hoàng Su Phì Lý Chòi Nhàn chia sẻ: Những năm gần đây, nhận thức của người dân trong sản xuất được nâng cao; bà con đã chủ động, tích cực sản xuất đúng khung thời vụ. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện cũng tăng cường, sâu sát hơn trong quản lý nhà nước, định hướng vùng sản xuất, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kiểm soát chặt chẽ đầu vào và chuyển hướng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn...

Bài, ảnh: MINH SƠN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và tài nguyên nước

BHG - Thời gian gần đây, công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này sớm được nhận diện, có giải pháp khắc phục kịp thời. Qua đó, các cấp, ngành, mỗi người dân đã nâng cao ý thức, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.

18/10/2018
Quang Bình tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản

BHG - Với lợi thế về trồng rừng kinh tế, trên địa bàn huyện Quang Bình hiện đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản (SXCBKDLS); góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đi cùng với đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý; đồng thời đưa các cơ sở SXCBKDLS vào hoạt động phù hợp, đúng quy hoạch.

18/10/2018
Quản Bạ hiện thực giấc mơ "Trung tâm dược liệu" - Kỳ 1: Bảo tồn đa dạng sinh học và bài thuốc quý ở Nặm Đăm

BHG - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XVI của tỉnh về phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; huyện Quản Bạ được biết đến là trung tâm trồng và phát triển dược liệu của tỉnh với tổng diện tích lên đến 2.800 ha. Mục tiêu trở thành "trung tâm dược liệu" là giấc mơ đã, đang trở thành hiện thực của người dân Quản Bạ. Nhờ rất nhiều nỗ lực và nguồn lực, nơi đây đã có HTX đầu tiên đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Đánh dấu mốc quan trọng, tiền đề mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực phát triển dược liệu ở vùng Cao nguyên đá.

18/10/2018
Đoàn viên, thanh niên xã Tùng Vài tích cực hưởng ứng phong trào khởi nghiệp

BHG - Chặng đường khởi nghiệp (KN) của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) xã Tùng Vài (Quản Bạ) còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ĐVTN trong xã đã tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào KN và có sức lan tỏa rộng khắp đến từng thôn, bản. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.  Thời gian qua, lực lượng ĐVTN xã Tùng Vài không ngừng vượt khó, sáng tạo vươn lên làm giàu từ những tiềm năng...

17/10/2018