Những mô hình hiệu quả của Nhà nông huyện Quang Bình

09:52, 17/09/2018

BHG - Có dịp được cùng các đồng chí lãnh đạo Hội làm vườn tỉnh và huyện khảo sát mô hình hiệu quả cao của bà con nông dân các xã Yên Hà, Hương Sơn và Tiên Yên (Quang Bình). Được nghe các Nhà nông trao đổi kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây trồng sao cho hiệu quả; nghe mấy bác chủ vườn bàn chuyện làm ăn, cũng như bày tỏ quan điểm của mình khi triển khai làm vườn thời công nghệ 4.0… tôi nhận ra 1 điều để kiếm được tiền tỷ từ vườn cây ăn quả thì kiến thức của mấy bác chủ nhà vườn, chí ít cũng ngang bằng cán bộ khuyến nông viên cơ sở.

Lãnh đạo Hội làm vườn tỉnh và huyện Quang Bình trao đổi kinh nghiệm làm vườn cùng nhà nông Đặng Huy Tiến (người đi ủng), xã Yên Hà.
Lãnh đạo Hội làm vườn tỉnh và huyện Quang Bình trao đổi kinh nghiệm làm vườn cùng nhà nông Đặng Huy Tiến (người đi ủng), xã Yên Hà.

Tham quan mô hình làm vườn của gia đình anh Đặng Huy Tiến, thôn Xuân Phú, xã Yên Hà được biết: Gia đình anh trồng 3 ha cam, trong đó có 1,5 ha đang cho thu hoạch. Vài năm trở lại đây, từ khi tham gia làm vườn theo quy trình VietGap, năm nhiều bù năm ít nguồn thu của gia đình anh bình quân mỗi vụ trên dưới 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Anh Tiến trao đổi, toàn thôn Xuân phú hiện có 60 hộ trồng cam, trong đó có 30 gia đình có vườn cam cho thu hoạch và cả 30 gia đình này đều là thành viên của HTX Xuân Khu thực hiện làm vườn theo quy trình VietGap. Trước đây, anh cùng bà con trong thôn trồng cam theo kinh nghiệm, nên hầu hết cả 55 ha cam của thôn đều trồng ở mật độ khá dày. Khi áp dụng quy trình VietGap, vườn cam của hộ nào cũng bị cán bộ khuyến nông khuyến cáo cắt tỉa cành và chặt tỉa cây theo hướng 3 cây chặt 1 cây. Anh là một trong số ít bà con trồng cam trong thôn tiên phong làm theo quy trình, đến vụ thu hoạch mặc dù số cây trong vườn ít đi so với vụ trước, nhưng sản lượng cam trong vườn lại tăng lên. Đặc biệt áp dụng quy trình VietGap nên chất lượng, mẫu mã của quả cam được tăng lên chính vì vậy giá cam đã tăng gần gấp đôi từ 8.000 đồng/kg lên khoảng 15.000 đồng/kg, chưa kể đến nguồn thu từ việc tăng năng suất. Thấy hiệu quả, bà con trồng cam còn lại trong thôn đều học hỏi làm theo… Trong quá trình tham quan, thấy những cây cam có nhiều rêu sống bám vào thân và cành, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Nguyễn Văn Tự tư vấn: Nếu không chú ý triệt bỏ, giống rêu này sẽ làm giảm năng suất và chất lượng quả cam. Để chống loại rêu này trước đây bà con thường dùng vôi, nhưng rất tốn công mà không hiệu quả. Giờ một số bà con dùng máy phun vôi để trị, nhưng hiệu quả nhất là sử dụng chế phẩm sinh học Bio Plant để phun, rêu sẽ bong tróc cả mảng; chất lượng và mẫu mã quả cam sẽ chuẩn hơn rất nhiều. Loại chế phẩm sinh học này còn có một tác dụng rất hiệu quả khác nữa là tác dụng khử mùi hôi, dùng trong chăn nuôi.

Lãnh đạo Hội làm tỉnh và cấp ủy chính quyền xã Tiên Yên (Quang Bình) bàn giải pháp phát triển Trang trại cây ăn quả Hữu cơ cùng anh Trần Trung Thuyết (người ôm mũ)
Lãnh đạo Hội làm vườn tỉnh và cấp ủy chính quyền xã Tiên Yên (Quang Bình) bàn giải pháp phát triển Trang trại cây ăn quả Hữu cơ cùng anh Trần Trung Thuyết (người ôm mũ)

Đến tham quan mô hình phát triển kinh tế của vợ chồng Nông Văn Hưng, sinh năm 1988 và Dương Thị Nghiệp, sinh năm 1990 tại thôn Yên Chàm, xã Tiên Yên. Do mới ra ở riêng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít nên vợ chồng Hưng -Nghiệp chọn phát triển chăn nuôi để ổn định kinh tế gia đình. Khởi đầu với việc nuôi vài chục, rồi vài trăm con vịt, vừa nuôi vừa tìm bạn hàng tạo đầu ra ổn định cho các lứa vịt xuất chuồng. Chỉ sau một thời gian ngắn, vợ chồng Hưng - Nghiệp đã xây dựng cho mình có những bạn hàng tiềm năng, thông qua những lứa vịt xuất chuồng chất lượng, nhờ đó cặp vợ chồng trẻ có thêm cơ hội nâng tổng đàn vịt mỗi lứa lên hàng nghìn con. Nhờ không ngừng tự học hỏi, lại nhận được sự góp ý xây dựng của bạn bè, đã có chút vốn liếng từ chăn nuôi vịt mới đây vợ chồng Hưng Nghiệp đã quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi thêm mỗi lứa vài chục con lợn thịt, tạo sự đa dạng hóa nguồn thu. Nhờ sự năng động, dám nghĩ dám làm, cùng sự chăm chỉ nên thu nhập của vợ chồng Hưng – Nghiệp bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Hiện tại, ngoài chăm sóc lứa vịt thịt 1.700 con và đàn lợn trên 100 con. Vợ chồng Hưng -Nghiệp đang thử nghiệm phát triển đàn ngan đen địa phương có ưu điểm là thịt thơm ngon, tốc độ tăng trưởng cao lại có sức đề kháng chống dịch bệnh.

Thanh niên khởi nghiệp Nông Văn Hưng, thôn Yên Chàm, xã Tiên Yên (người ở giữa) bày tỏ định hướng phát triển của gia trại với lãnh đạo cấp ủy xã.
Thanh niên khởi nghiệp Nông Văn Hưng, thôn Yên Chàm, xã Tiên Yên (người ở giữa) bày tỏ định hướng phát triển của gia trại với lãnh đạo cấp ủy xã.

Với thông tin, chỉ tính riêng số tiền trả cho người lao động tại trang trại một năm lên đến trên 10 tỷ đồng, đã cuốn hút Đoàn công tác của Hội làm vườn tỉnh và huyện Quang Bình tới tham quan mô hình xây dựng trang trại cây ăn quả Hữu cơ của anh Trần Trung Thuyết tại thôn Yên Chàm, xã Tiên Yên. Trên diện tích rộng 42 ha, sau gần 1 năm đầu tư xây dựng đường vào trang trại, san ủi tạo đường đồng mức để trồng 7 loại cây ăn quả có múi gồm: Bưởi da xanh, Cam vinh, Cam V2, Cam BH, Quýt đường canh, Cam C36, Cam xoàn, trong tương lai thời gian thu hoạch của Trang trại hàng năm sẽ kéo dài 7 tháng, từ tháng 8 âm lịch năm trước đến tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch năm sau. Qua tìm hiểu Đoàn công tác Hội làm vườn được biết: Sau gần một năm triển khai xây dựng kiến thiết, với chi phí đầu tư cây giống loại đã được ươm trên 1 năm và làm đường vào trang trại đến thời điểm này khoảng 8 tỷ đồng. Cùng với trên 10 tỷ đồng tiền lương một năm của 28 lao động thường xuyên (sinh hoạt tại Trang trại) và trên 50 lao động thời vụ (ăn cơm trưa tại Trang trại)… Số vốn đầu tư vào Trạng trại Hữu cơ sẽ còn tiếp tục tăng cao. Nhưng theo anh Thuyết với sự hậu thuẫn của gia đình và từ nguồn thu của trên 100 ha Cam sành trồng trên địa bàn xã Vĩnh Phúc đã cho thu hoạch, anh quyết tâm tạo dựng thành công mô hình Trang trại cây ăn quả Hữu cơ đầu tiên trên địa bàn huyện và trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là cơ sở để nếu thành công thì tiếp tục phát triển trang Trại thành khu du lịch trải nghiệm, du lịch nhà vườn. Cũng theo anh Thuyết, ý tưởng xây dựng Trang trại nông nghiệp Hữu cơ của anh hiện tại có cơ sở thành công khá cao, vì các nhà chuyên môn và giáo sư Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, toàn bộ diện tích trang trại hiện chưa có bất kỳ sự tác động nào của hóa chất vào môi trường; hệ dinh dưỡng của đất cũng chưa bị tác động và mất đi nên đây là nền tảng để có thể triển khai các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện trang trại Hữu cơ. Quá trình triển khai và thực hiện ý tưởng xây dựng Trang trại Hữu cơ còn dài, nhưng anh Thuyết quyết tâm sẽ không sử dụng bất kỳ loại thuốc hóa học nào tại trang trại, chỉ sự dụng các loại khoáng chất vi sinh và phân hữu cơ để chăm sóc cây trồng. Với quan điểm phòng hơn chống, các loại cây trồng sẽ thường xuyên được phun BIO-G.01 EM là dung dịch tỏi ớt ngừa sâu bệnh. Được chăm bón bằng các loại chế phẩm sinh học như NANO CHITOSAN, Tricho + Amino +Aux và Phân bón hữu cơ khoáng cao cấp nên các loại cây trồng phát triển khá tốt mà không bị sâu bệnh. Khi cây trồng của Trang trại phát triển, anh Thuyết có ý định đầu tư máy bay không người lái để phun chế phẩm sinh học và các loại dung dịch hữu cơ phòng ngừa sâu bệnh. Vì tốc độ máy bay không người lái bay nhanh giúp người nông dân tăng 50% hiệu quả làm việc, tiết kiệm 90% lượng nước. Luồng gió luân chuyển từ cánh quạt máy bay sẽ giúp hạt thuốc tiếp xúc được một lượng lớn cây trồng, tăng 50% hiệu quả phun thuốc, tiết kiệm được 30% chế phẩm bảo vệ thực vật. 

Được tiếp cận với những nông dân ưu tú của huyện Quang bình, nghe mọi người trao đổi những câu chuyện làm ăn với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội làm vườn tỉnh, huyện không ai có thể phủ nhận về sự nhạy bén trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào trong sản xuất của những nhà nông này. Hy vọng trong tương lai gần những ấp ủ của các anh sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa.

                                                        Bài ảnh: Đức Dũng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

6.643 hộ dân được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh

BHG - Ngày 10.12.2015, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 209 về chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và ban hành Nghị quyết 86, ngày 14.7.2017 về bổ sung một số nội dung cho vay theo Nghị quyết 209. Sau thời gian triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn, chính sách đã đi đúng và trúng ý nguyện của người dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và mang lại hiệu quả thiết thực.

17/09/2018
Mô hình dân vận đơn giản mà hiệu quả ở Thôn Tân An, thị trấn Yên Bình

BHG - Với nhiều mô hình "Dân vận khéo" thiết thực, hiệu quả đang thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM), giúp diện mạo trung tâm thị trấn Yên Bình (Quang Bình) thêm  khởi sắc. Sau khi được BTV Huyện ủy (Quang Bình) đánh giá cao các mô hình phát triển kinh tế và cách làm hay trong xây dựng NTM, thị trấn Yên Bình tiếp tục chỉ đạo các tổ dân phố, thôn, bản đồng sức, đồng lòng thực hiện phong trào...

14/09/2018
Hội nghị trực tuyến bàn các giải pháp phát triển bền vững mật ong Bạc Hà

BHG - Chiều 14.9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ để bàn giải pháp phát triển bền vững mật ong Bạc Hà. Đồng chí Nguyễn Khắc Quyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương chủ trì Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh. Tại điểm cầu các huyện có lãnh đạo, đơn vị, phòng ban liên quan của huyện.

14/09/2018
Chung tay gỡ khó cho vùng rau công nghệ mới ở thành phố Hà Giang

BHG - Cuối năm 2016, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Côn Hà, nay đổi tên thành Công ty TNHH ALDARA (Hà Nội), là doanh nghiệp (DN) đầu tiên đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương, từ chính sách thu hút đầu tư của cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang (TPHG). Qua đó, kỳ vọng tạo nên bước đột phá trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất (SX), hình thành mô hình điển hình trong vành đai thực phẩm an toàn, chất lượng của thành phố, gắn với tổ chức lại SX cho nông dân… 

14/09/2018